Đức đang trên bờ vực suy thoái khi các cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất và bất động sản nhấn chìm nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, kinh tế Đức đã giảm 0,3% trong quý cuối cùng của năm 2023. Đầu tư vào xây dựng và máy móc cũng giảm rõ rệt so với quý 3/2023, cho thấy lãi suất cao của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã tạo gánh nặng cho nền kinh tế.
Kinh tế Đức đã không tăng trưởng kể từ những tháng đầu năm 2023 và nhìn chung giảm 0,3% trong năm ngoái.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu gặp khó khi ngành công nghiệp Đức bị cắt nguồn năng lượng giá rẻ của Nga và nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu. Các nhà máy sản xuất ô tô cũng phải vật lộn với tình trạng gián đoạn nguồn cung phụ tùng đi qua Biển Đỏ.
Thêm vào đó, thị trường nhà đất đang gặp khó khăn. Giá bất động sản lao dốc và các chủ đầu tư đang hủy bỏ các dự án, dẫn đến cơn bĩ cực trong ngành xây dựng.
Các cuộc đình công trong ngành tàu hỏa cũng làm tăng nguy cơ GDP sẽ lại giảm trong quý đầu năm 2024 và khiến đất nước rơi vào suy thoái chính thức.
Carsten Brzeski, chuyên gia kinh tế tại ING, cho biết nền kinh tế Đức đang ở “chế độ khủng hoảng vĩnh viễn”.
“Cách tốt nhất để mô tả tình trạng của nền kinh tế Đức có lẽ là nó đang rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ. Trên thực tế, nền kinh tế vẫn đang ở lằn ranh giữa suy thoái và trì trệ”, ông nhận xét.
Thị trường tiền tệ đang dự báo ECB bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 4, mặc dù Chủ tịch Christine Lagarde đã bình luận tại cuộc họp chính sách tiền tệ tuần trước rằng còn quá sớm để các nhà hoạch định chính sách thảo luận về việc cắt giảm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của Đức trong năm nay khi dự đoán GDP sẽ tăng 0,5% vào năm 2024, giảm so với dự đoán 0,9% vào tháng 10 năm ngoái. Điều này thể hiện sự tụt hạng lớn nhất đối với bất kỳ nền kinh tế thuộc nhóm G7 nào.