Ngày 30/5 cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đã tuyên bố đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) giai đoạn giữa hành trình trong cuộc thử nghiệm tại California.
Hơn nửa tháng sau, vào ngày 21/6, Hải quân Mỹ tiếp tục thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài khơi Hawaii nhưng thất bại.
Theo Defense News, tàu khu trục John Paul Jones, trang bị hệ thống chiến đấu hàng đầu thế giới Aegis Baseline 9.C2, đã không thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung bắn từ bãi thử tên lửa ở Kauai, Hawaii.
Hệ thống chiến đấu Aegis do Hải quân Mỹ triển khai, được mệnh danh là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.
Mặc dù con tàu đã phát hiện và theo dõi được mục tiêu bằng radar AN/SPY-1 nhưng vẫn không thể đánh chặn được nó.
Còn trong cuộc thử nghiệm được cho là thành công ngày 30/5, mục tiêu giả định là một tên lửa xuyên lục địa ICBM được phóng đi tại vùng Kwajalein Atoll thuộc quần đảo Marshalls, cách California hơn 6.700 km.
Tên lửa đánh chặn được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg tại California. Khoảng gần một tiếng sau, Lầu Năm Góc xác nhận tên lửa đánh chặn đã tiêu diệt thành công mục tiêu tại Thái Bình Dương.
Tàu khu trục Mỹ trang bị hệ thống chiến đấu hàng đầu thế giới Aegis.
Những thách thức không dễ vượt qua
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất mà kỹ thuật phòng thủ tên lửa gặp phải đó là khả năng phân biệt mục tiêu thật và giả. Để nâng cao xác suất xâm nhập mục tiêu, tên lửa tấn công ngoài đầu nổ thật, sẽ còn phải sử dụng một số biện pháp hỗ trợ xâm nhập như dùng mồi nhử, dây kim tuyến…
giai đoạn giữa hành trình, tên lửa đạn đạo bay ở vị trí ngoài tầng khí quyển, mồi nhử khí cầu tương đối nhẹ và đầu nổ tương đối nặng, nhưng đều có cùng quỹ đạo bay, do vậy không thể nào phân biệt được quỹ đạo tên lửa, đâu là quỹ đạo mồi nhử.
Ngoài ra, bên tấn công còn có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật làm cho mồi nhử có đặc trưng radar và hồng ngoại tương tự như đầu nổ thật, như vậy càng tăng thêm độ khó trong phân biệt mục tiêu.
Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đều đầu tư kinh phí lớn để phát triển kỹ thuật xâm nhập; đồng thời hai bên cũng tiến hành theo dõi, đo đạc trong thời gian dài đối với việc thử nghiệm tên lửa của đối phương và đã tích lũy được nhiều số liệu đặc trưng của mục tiêu.
Phòng thủ tên lửa liệu có thể phân biệt có hiệu quả đầu nổ thật/giả hay không cũng là chủ đề chính trong nội dung thảo luận về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Cuối thập niên 90 thế kỷ trước, Mỹ bắt đầu tiến hành thử nghiệm bay kiểm chứng kỹ thuật phòng thủ tên lửa toàn quốc, các nhà chức trách Mỹ tuyên bố: Qua thử nghiệm cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa có thể phân biệt được đầu nổ thật và mồi nhử, kết quả này đã dẫn đến cuộc tranh luận gay gắt của giới khoa học.
Nhưng sau đó, nhiều cuộc thử nghiệm phòng thủ tên lửa đều bị giới khoa học bóc mẽ và phê phán. Họ cho rằng trong thử nghiệm, đặc trưng của mồi nhử và đầu nổ thật mà tên lửa tấn công (do Mỹ) phóng ra có sự khác biệt rất lớn, không giống như mồi nhử sử dụng ở môi trường thực chiến.
Sau này, Bộ quốc phòng Mỹ không còn công bố những thông tin về mồi nhử (?) mà họ đã sử dụng trong quá trình thử nghiệm.
Hiện nay, các quan chức Mỹ thừa nhận vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề phân biệt mục tiêu; nhưng cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể đối phó với tên lửa xuyên lục địa không mang mồi nhử hoặc chỉ mang mồi nhử đơn giản của Triều Tiên và Iran.
Như vậy, để đối phó với những nước có khả năng tiến công bằng tên lửa đạn đạo ICBM có số lượng nhiều và công nghệ cao như Nga và Trung Quốc thì hiển nhiên hệ thống đánh chặn của Mỹ thực sự chưa thể đáp ứng được trước hết là về mặt kỹ thuật.
Mỹ có quá sớm khi tuyên bố "thành công"
Việc thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo ICBM của Mỹ (như tuyên bố của MDA); nhưng trước khi chưa kiểm chứng đầy đủ mức độ hoàn thiện của kỹ thuật này, cũng như chưa xem xét một cách thấu đáo thì việc nghi ngờ cũng là điều dễ hiểu.
Trung tướng Sergei Khatylev, cựu Chỉ huy tên lửa phòng không của lực lượng Không quân vũ trụ Nga nói rằng: "Vẫn quá sớm để gọi đó là một cuộc thử nghiệm thành công. Mỹ cần nhiều bài kiểm tra nữa đối với hệ thống phòng thủ tên lửa đặt trong những điều kiện khác nhau.
Nếu có thêm một vài chướng ngại, gồm cả việc gây nhiễu radar, thì phạm vi bắn và độ chính xác của hệ thống sẽ tụt giảm hai lần, cần phải có thêm nhiều cuộc kiểm tra nữa mới có thể xác nhận khả năng của hệ thống".
Vì vậy, để đánh bại một cuộc tiến công bằng tên lửa đạn đạo ICBM của các kẻ thù tiềm năng vào nước Mỹ; Mỹ sẽ còn phải tiêu tốn rất nhiều ngân sách để đầu tư nâng cấp các hệ thống đánh chặn, trước khi nó đạt được sự tin cậy cần thiết. Trong đó thách thức về mặt kỹ thuật là không thể dễ dàng vượt qua.
Với những quốc gia có tên lửa ICBM, phương pháp đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đơn giản hơn nhiều thông qua việc sử dụng những mục tiêu "mồi nhử" rẻ tiền; điều này sẽ làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn dự trữ tên lửa đánh chặn của Mỹ.
Có thể nói, Mỹ không hề dễ dàng đánh chặn được tên lửa đạn đạo ICBM của Triều Tiên, Iran (chưa nói đến Nga và Trung Quốc) nếu một cuộc giao tranh thực sự nổ ra.
Do vậy, có quá sớm khi MDA hoan hỉ tuyên bố thành công việc thử nghiệm đánh chặn ICBM, khi điều này thực sự vẫn là chủ đề gây tranh cãi ngay chính trong giới chức quân sự Mỹ và cuộc thử nghiệm thất bại của tên lửa SM-3 được phóng từ tàu chiến ngày 21/6 vừa qua là một điều minh chứng cho sự "quá nổ" của Mỹ.