RIA đưa tin, người đứng đầu Ban Thư ký Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir tuyên bố, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thoả thuận về việc cung cấp lô tên lửa phòng không S-400 thứ hai.
Trước đó, Nga đã hoàn thành cung cấp lô tên lửa phòng không S-400 đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 theo hợp đồng trị giá 2,5 tỉ USD. Hợp đồng cũng bao gồm tùy chọn cho một số tổ hợp nữa.
“Chúng tôi đã có một thỏa thuận cơ bản về việc cung cấp lô S-400 thứ hai. Chỉ còn bàn những công việc kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, chi tiết về sản xuất chung và lộ trình thực thi”, ông Demir chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Cũng theo ông Demir, Thổ Nhĩ Kỳ dự định đưa hệ thống tên lửa S-400 vào vận hành bất chấp sự chậm trễ do đại dịch Covid-19.
“Hệ thống S-400 được Thổ Nhĩ Kỳ mua để sử dụng. Điều này đã được tuyên bố nhiều lần ở tất cả các cấp quốc gia. Công việc vẫn đang được tiếp tục thực hiện”, ông Demir nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Demir cũng tuyên bố rằng, Ankara cũng quan tâm đến đề xuất về các hệ thống phòng không Patriot và Eurosam.
Được biết, từ năm 2018 Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến hành các đàm phán với Mỹ và Tập đoàn liên doanh Pháp-Italy Eurosam, để mua các hệ thống tên lửa. Tuy nhiên, cho đến nay các hợp đồng này vẫn chưa đi đến đâu.
Người đứng đầu Ban Thư ký Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Nếu họ có đề xuất cụ thể, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét. Với hệ thống Patriot chúng tôi vẫn đang tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hợp lý.
Còn đối với Eurosam, trước đó đã bắt đầu nghiên cứu việc phát triển và sản xuất một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa, trong một bước đi hướng tới hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa Ankara với Pháp và Italy".
Bình luận về việc Người đứng đầu Ban Thư ký Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý thoả thuận nguyên tắc về việc cung cấp lô tên lửa phòng không S-400 thứ hai, Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Quốc tế (TsAMTO), ông Igor Korotchenko cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua một loạt hệ thống tên lửa phòng không S-400 thứ hai từ Nga điều này đã "tái khẳng định chủ quyền của mình và xử lý một cú đánh nhạy cảm đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ".
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph. (Ảnh: RIA)
“Bất chấp áp lực và các mối đe dọa đến từ Mỹ cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn con đường chủ quyền trong việc đảm bảo an ninh không phận. Đây đồng thời là một thất bại khác của các hệ thống tên lửa phòng không Patriot và một đòn đánh nhạy cảm đối với khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ”, ông Korotchenko nhận định.
Theo ông Korotchenko, động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ rất rõ ràng là để “tận dụng cơ hội trên thị trường các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện nay”. Đơn vị S-400 thứ hai sẽ cho phép “mở rộng lớp phòng thủ bảo vệ của các mục tiêu quan trọng trong nước khỏi các cuộc tấn công trên không”.
Ngoài ra, cũng theo ông Korotchenko, việc đồng ý thỏa thuận cung cấp thêm lô S-400 thứ hai cho thấy các chuyên gia quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đã được đào tạo kỹ càng về nguyên lý chiến đấu của các hệ thống đã được chuyển giao trước đó.
Trước đó, lô hàng đầu tiên đã được phía Nga giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2019. Gần cuối tháng 11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã thử hệ thống phòng không S-400 tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Ankara, sử dụng máy bay quân sự, trong đó có chiến đấu cơ F-16 do Mỹ chế tạo.
Đây là một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới và có thể bắn trúng các mục tiêu cách xa tới 400 km, cũng như tiêu diệt các mục tiêu trên không (máy bay, tên lửa, UAV...) từ độ cao 5 m đến 27 km.
Một tổ hợp S-400 thường có 8 xe bệ phóng di động (4 ống phóng mỗi bệ) với 32 tên lửa sẵn sàng phóng và một trạm chỉ huy, đi kèm các xe radar cảnh giới nhìn vòng, radar chiếu xạ, radar bắt thấp cùng xe điều khiển.
Radar của S-400 có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km. Hệ thống này được Nga đưa vào sử dụng từ tháng 8/2007.
Về phần mình, Mỹ nhiều lần tuyên bố hệ thống tên lửa S-400 không tích hợp với các hệ thống phòng thủ của NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ đang là một thành viên của liên minh quân sự.
Ngoài ra, do Thổ Nhĩ Kỳ nhất quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Nhà Trắng đã ra tuyên bố tạm thời loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như dừng chuyển giao các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 này cho Ankara.