Ngày 20-3, trao đổi với Báo Người Lao Động về vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua khiến nhiều bệnh nhân tại Quảng Nam, chuyên gia về an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành nói rằng ông không rõ quy trình làm cá chép muối chua thế nào nên không thể nhận định nguyên nhân.
Tuy nhiên, theo ông, có thể do công đoạn ủ kín vì bào tử tái sinh thành vi khuẩn botulinum rồi sinh độc tố phải có điều kiện kỵ khí như đóng hộp kín.
"Tôi chắc chắn là không phải do nguyên liệu cá chép, muối hay các loại thảo mộc có trong đó. Ngộ độc botulinum hầu như đã tuyệt tích trên thế giới. Mấy năm nay Việt Nam lại xuất hiện lai rai. Tôi thấy thật khó hiểu!" – chuyên gia Vũ Thế Thành thành thật.
Chuyên gia Vũ Thế Thành tại buổi ra mắt sách vào tháng 2-2023.
Đối với việc xử lý một sự cố về mất an toàn thực phẩm, chuyên gia Vũ Thế Thành cho rằng điều quan trọng sau khi khắc phục sự vụ là truy tìm được nguyên nhân để khắc phục, tránh xảy ra những sự cố tương tự về sau.
TS Trần Thị Dung, người được mệnh danh là "tiến sĩ nước mắm", cũng nói rằng bà chưa có đủ thông tin nên chưa thể đánh giá về vụ ngộ độc botulinum liên quan đến sản phẩm cá chép muối ủ chua.
"Tuy nhiên, người tiêu dùng không phải quá lo lắng khi sử dụng thực phẩm nếu bảo đảm các quy tắc về an toàn. Đối với ngành sản xuất mắm, các tiêu chuẩn sản xuất an toàn đều đã được ban hành và áp dụng lâu nay. Nguyên tắc chung vẫn là kiểm soát nguyên liệu, dụng cụ, người chế biến bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, không mắc các bệnh hô hấp, truyền nhiễm,…" – TS Dung chia sẻ.
Về góc độ quản lý ngành, sáng 20-3, trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản giữ chức Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết với vụ ngộ độc thực phẩm trên, ngành y tế Quảng Nam là cơ quan đầu mối chủ trì xử lý vụ việc.
"Sản phẩm gây ra ngộ độc do ngành nông nghiệp quản lý về chuyên môn nên chúng tôi có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm, thủy sản Quảng Nam chủ động phối hợp với ngành y tế để điều tra nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm để từ đó có hướng khắc phục, tránh lặp lại sự việc đáng tiếc" – ông Nguyễn Như Tiệp nêu rõ.
Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, từ ngày 6 đến ngày 16-3, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tại huyện Phước Sơn, khiến 10 người nhập viện. Trong đó, 1 người tử vong, 3 người nguy kịch, phải thở máy. Cập nhật đến tối 19-3, 3 bệnh nhân này đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), có người tiến triển tốt nhưng có người vẫn còn nguy kịch.
Những người bị ngộ độc trong cả 2 vụ đều là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Món ăn nghi ngờ là cá chép muối ủ chua. Đây là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt…, sau đó ủ trong lọ kín khoảng 1 tuần.