Ít giờ trước, tờ Asia Times đăng tải bài phân tích của tác giả Richard Giragosian có nhan đề: "Azerbaijan’s next move will make or break Karabakh war" (Động thái tiếp theo của Azerbaijan sẽ ngăn chặn hay tạo ra chiến tranh ở Karabakh).
Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh lệnh ngừng bắn lần thứ 3 giữa Armenia và Azerbaijan do Mỹ làm trung gian dường đã bị phá vỡ, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.
Azerbaijan đang ở "ngã ba đường"?
Ngày 27/10 đánh dấu tròn 1 tháng xung đột ở Nagorno-Karabakh và lệnh ngừng bắn thứ 3 giữa Armenia và Azerbaijan đã bị phá vỡ mặc dù đã được trung gian bởi người Mỹ.
Phía Azerbaijan đang đứng trước một lựa chọn quan trọng, có thể xác định kết quả của cuộc chiến.
Quân đội nước này đã tiến công trên một địa hình mở dọc theo biên giới Iran và dường như đang nhanh chóng tiếp cận khu vực chiến lược "hành lang Lachin".
Tuy nhiên với việc khu vực tái chiếm được họ mở rộng quá mức và đồng thời các tay súng người Armenia đã rút lui về phòng thủ ở khu vực cao nguyên được bao phủ bởi rừng, Baku đang đứng ở "ngã ba đường".
Lựa chọn được đặt ra lúc này đối với Baku là theo đuổi các chiến lược quân sự mang tính logic hay thay vào đó là một quyết định đem lại lợi ích chính trị và ngoại giao lớn hơn. Phía Azerbaijan cũng hiểu rằng họ không thể chọn cả hai phương án.
Một bản đồ chiến sự Nagorno-Karabakh được Igor Korotchenko, Tổng biên tập của Tạp chí National Defense đăng tải trên trang Twitter cá nhân tối 26/10.
Giải pháp quân sự
Các logic về mặt quân sự dựa theo tình hình chiến trường hiện tại cho thấy điều Baku nên làm là tập trung tấn công "hành lang Lachin", tuyến đường huyết mạch quan trọng nối Nagorno-Karabakh và Armenia.
Bất kỳ nỗ lực thành công nào trong việc cắt đứt tuyến đường này đều sẽ đem lại kết quả tàn khốc, uy hiếp tuyến tiếp vận của đối phương và đặt các lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh vào thế bị bao vây.
Tuy nhiên, đối với mỗi một người dân Azerbaijan, việc bao vây hoàn toàn Nagorno-Karabakh có lẽ sẽ là chưa đủ, phương án này không hợp lý về mặt chính trị và tiềm ẩn những nguy hiểm khi kỳ vọng cao về một chiến thắng toàn diện.
Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Davit Tonoyan tại một vị trí phòng thủ của lực lượng Armenia tại Nagorno-Karabakh hôm 24/10.
Những thách thức này dẫn đến sự lựa chọn thứ 2 đó là bỏ qua "hành lang Lachin" để tấn công thị trấn Shushi (được người Azerbaijan gọi là Shusha) nằm ở vùng trung tâm Nagorno-Karabakh.
Việc chiếm được trung tâm văn hóa lịch sử này sẽ mang lại những "phần thưởng chính trị" đáng kể cho chính phủ của Tổng thống Ilham Aliyev. Nó cũng sẽ nâng cao vị thế của Baku trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về tương lai Nagorno-Karabakh.
Tuy nhiên, động thái quân sự này cũng đi kèm với việc sẽ phải đối mặt với tổn thất to lớn và mở ra một giai đoạn mới của xung đột đó là chiến tranh du kích.
Cuộc xung đột sẽ trở nên khốc liệt hơn vì nếu so với phía Azerbaijan, lực lượng Armenia sẽ có lợi thế về khả năng cơ động và gây bất ngờ trong hình thái chiến tranh này.
Với tình trạng dễ bị tổn thương do phải kéo dài các tuyến tiếp vận và liên lạc trên các vùng mới kiểm soát được trong một tháng qua, việc chuyển hướng sang Shushi có thể là một quyết định đem lại rủi ro cực lớn cho Quân đội Azerbaijan.
Cảnh quay được đăng tải trên Telegram và Twitter sáng 27/10 cho thấy một tay súng mặc quân phục ngụy trang Armenia ghi lại cho thấy cảnh trực thăng Mi-8 khai hỏa tên lửa. Nếu đoạn phim này được xác thực, đây là bằng chứng đầu tiên về việc Không quân Armenia tham chiến ở Nagorno-Karabakh.
Mùa đông đang đến
Một số nhà quan sát quân sự phương Tây đã nhấn mạnh với Asia Times rằng các hoạt động quân sự được chuẩn bị "tận răng" hiện tại của Quân đội Azerbaijan tồn tại một "gót chân Achilles" đó là năng lực hậu cần không tương xứng.
Ngoài ra, lực lượng tấn công của họ đang bị "dàn mỏng" và không có đơn vị nào ở tuyến sau có khả năng phòng thủ các khu vực mà họ mới kiểm soát được ở các khu vực phía nam Nagorno-Karabakh.
Điểm yếu này sẽ chỉ tồn tại một cách "lờ mờ" đối với Azerbaijan, nhưng khả năng phòng ngự thấp và việc các vị trí đóng quân của họ đã bị lộ có thể mang đến lợi thế chiến thuật rất cần thiết cho một cuộc phản công lớn của phía Armenia.
Mùa đông hiện đang đến rất nhanh, đồng nghĩa với việc các hoạt động quân sự của Azerbaijan sẽ đặc biệt khó khăn (nếu không muốn nói là không thể) trong những tuần tới do tầm nhìn thấp và địa hình đồi núi phủ đầy tuyết không dễ vượt qua.
Binh sĩ Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh.
Một yếu tố thứ hai, thường bị bỏ qua là học thuyết chiến tranh và kinh nghiệm chiến đấu của phía Armenia.
Trong các cuộc đối đầu lớn trong quá khứ, đáng chú ý nhất là Chiến tranh Nagorno-Karabakh vào đầu những năm 1990 và cuộc xung đột kéo dài 5 ngày vào tháng 4/2016, người Armenia đã phải rút lui trước khi tập hợp lại và giành được chiến thắng bằng các cuộc phản công.
Lịch sử này mang lại một lợi thế về tinh thần cho phía phòng thủ, và cũng cho thấy "gánh nặng" của phía tấn công.
Các tin tức được đăng tải hằng ngày về tổn thất nặng nề và chiến thuật tương đối bất hợp lý của phía Armenia không đồng nghĩa với việc đánh giá thấp năng lực của họ.
Sau các đợt tấn công liên tục kéo dài hàng tuần của phía Azerbaijan gây hàng nghìn thương vong, họ đã tiến hành một cuộc rút lui có trật tự, cho phép họ tái định vị và tập hợp lại thành một tuyến phòng thủ "thứ cấp" dựa trên lợi thế về địa hình.
Phía Armenia đã bắt đầu lật ngược tình thế trong những ngày gần đây, tuyến phòng thủ mới đã thành công trong việc ngăn chặn đợt tấn công của phía Azerbaijan tiếp cận "vành đai" 25 km gần "hành lang Lachin".
Đồng thời, việc rút lui vào rừng núi để giảm thiểu mối đe dọa từ các máy bay không người lái (UAV) do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất đã cho phép phía Armenia phát động các cuộc tấn công cấp đơn vị nhỏ nhằm vào bộ binh và thiết giáp Azerbaijan.
Tuy nhiên, với việc Tổng thống Aliyev hứa hẹn với người dân nước này rằng sẽ giành được chiến thắng toàn diện, triển vọng Quân đội Azerbaijan này ngừng tiến công tại Lachin hoặc Shushi có thể dẫn đến nguy cơ khác về chính trị.
Hình minh họa (Nguồn: Sputnik Armenia/Cộng hòa Artsakh ly khai).
Kết luận
Trong bối cảnh xung đột nói trên, người Nga đã tìm cách để hai phía ngồi vào bàn đàm phán với kết quả là thỏa thuận ngừng bắn hôm 10/10.
Tuy nhiên cả Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện "sự dũng cảm" bằng cách chống lại thứ mà họ cho là "bluff and bluster" (tạm dịch: lời nói không đi đôi với việc làm) của Nga và tiếp tục hoạt động quân sự như không có gì cản trở.
Việc dám thách thức công khai Nga của Azerbaijan bắt nguồn từ quyết tâm giải phóng lãnh thổ và được củng cố bởi sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự chưa từng có của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù Mỹ đã thành công trong việc yêu cầu hai phía đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn mới nhưng có lẽ đây chỉ là một động thái thể hiện "sự quan tâm" của chính quyền Tổng thống Trump, những người đang mắc kẹt trong những ngày cuối của chiến dịch bầu cử tổng thống.
Hòa giải xung đột không bao giờ là một việc dễ dàng, phụ thuộc vào mức độ chân thành của các bên và trong hầu hết các trường hợp đã từng xảy ra, yếu tố quan trọng nhất là mức độ "mệt mỏi" của các bên tham gia xung đột.
Trong trường hợp Nagorno-Karabakh, chính sách ngoại giao thời chiến đã thất bại, và tình thế trên chiến trường mới là nhân tố chính đang thúc đẩy tình hình.
Hội nghị thượng đỉnh tại Geneva dự kiến diễn ra vào ngày 29/10 nhiều khả năng cũng không ảnh hưởng nhiều tới cuộc xung đột vẫn đang tiếp diễn.
Richard Giragosian là Giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu Khu vực (RSC) một tổ chức tư vấn độc lập đặt tại Yerevan, Armenia.
Ông Giragosian cũng là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Natolin của Châu Âu và là Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu (CES) của thuộc Đại học Yerevan.
Ông đồng thời cũng là tác giả đóng góp các bài viết cho al-Jazeera và Asia Times.
Ông Giragosian cũng là đại diện cho Cộng hòa Armenia của Ủy ban Châu Âu chống phân biệt chủng tộc và không khoan dung (ECRI) ở Strasbourg.
Đoạn phóng sự được phía Armenia thực hiện và hãng tin Nga Sputnik đăng tải cho thấy tinh thần binh sĩ phòng thủ tại chiến tuyến tây nam Nagorno-Karabakh đang khá tốt.