Bài báo trên được nhà báo David Sanger và William Broad biên tập dựa trên Bản đánh giá Hạt nhân bị rò rỉ của chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hiểu một cách đơn giản, chính quyền Trump dường như đang cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công bất cứ đối tượng hay quốc gia nào tiến hành tấn công mạng gây thiệt hại lớn cho mạng lưới truyền điện, hệ thống cung cấp nước sạch tại Mỹ hay tại một trong những quốc gia đồng minh.
Theo phân tích trên tờ Politico, giới chức Mỹ nên cân nhắc áp dụng đề xuất này vì 3 nguyên nhân.
Đầu tiên, thực tế rằng chiến tranh hạt nhân sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nước Mỹ hơn là một cuộc tấn công mạng nghiêm trọng. Hai đối thủ lớn hiện nay của nước Mỹ là Nga và Trung Quốc - những quốc gia có thể sử dụng vũ khí mạng để vô hiệu hóa đáng kể mạng lưới truyền tải điện của Mỹ.
Kiev từng cáo buộc các tin tặc Nga thực hiện hành động tấn công tương tự với Ukraine hồi vào tháng 12/2015, khiến cho Ukraine bị mất điện trong khoảng 6 giờ và ảnh hưởng tới cuộc sống của 230.000 người dân. Tuy Moscow bác bỏ cáo buộc, nhưng báo giới Mỹ vẫn "dự báo" đây là đợt thử nghiệm cho một cuộc tấn công thực sự vào hệ thống lưới điện của Mỹ trong tương lai.
Cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng dân sự Mỹ có thể gây những thiệt hại nghiêm trọng và ngưng trệ trên diện rộng. Tùy thuộc vào quy mô và thời gian mất điện và nước, hậu quả có thể tương đương như hậu quả như cơn bão nhiệt đới Maria vừa tàn phá Puerto Rico, cho dù hệ thống đường sá và nhà cửa không hề bị hư hỏng.
Tuy nhiên, nếu một tổng thống Mỹ khởi xướng chiến tranh hạt nhân để đáp trả tấn công mạng ở quy mô lớn, các đối thủ tầm cỡ Nga, Trung cũng có thể trả đũa bằng hạt nhân. Chiến tranh hạt nhân sẽ hủy diệt nước Mỹ, lấy đi mạng sống của hàng nghìn người dân và thiệt hại to lớn cho cơ sở hạ tầng.
Đối thủ của Mỹ sẽ hứng chịu những thiệt hại nặng nề trong quá trình này, nhưng nước Mỹ chắc chắn chịu nhiều thiệt hại hơn hơn nếu quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
Bộ an ninh nội địa Mỹ (DHS) ngày càng phải đối diện với nhiều nguy cơ trong an ninh mạng (Ảnh: Politico)
Thứ hai, khi Mỹ phối hợp các loại vũ khí thông thường và vũ khí trên mạng sẽ có sức mạnh lớn hơn nhiều so với đối thủ.
Politico cho hay, trong nhiều thập kỉ qua, nước Mỹ đang không ngừng phát triển và tăng cường khả năng tấn công mạng và xây dựng cơ sở hạ tầng dân dụng với mục đích sử dụng kép như hệ thống cấp phát điện, nước sách và tài chính... Điều này giúp Mỹ ngăn chặn các đối thủ triển khai tấn công mạng trên quy mô lớn.
Chiến lược này cũng giúp Mỹ khởi động chiến dịch đáp trả bằng cách tấn công mạng hoặc sử dụng các loại vũ khí thông thường.
Tuy nhiên, nếu Mỹ lý giải việc kích hoạt vũ khí hạt nhân là để đối phó tấn công mạng, nước này sẽ tự hạ thấp tiêu chuẩn của một siêu cường. Điều này đi ngược với các lợi ích lâu đời của Mỹ trong vấn đề nêu cao những chuẩn mực về tiến hành chiến tranh hạt nhân.
Chính quyền tổng thống Trump để ngỏ khả năng trả đũa bằng hạt nhân đối với các vụ tấn công mạng (Ảnh: Getty)
Lý do thứ ba liên quan đến luật pháp quốc tế và vấn đề đạo đức.
Theo Politico, những tác giả dự thảo Bản đánh giá Hạt nhân đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiệt hại về người do chiến tranh, và những tiến bộ của loài người đạt được trong giai đoạn 1600-1900 và từ năm 1945 đến nay.
Các nhà báo nhận định xu hướng thế giới phát triển thời hậu thế chiến II là nhờ nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế vũ khí hạt nhân, thông qua các điều luật quốc tế như Luật Nhân đạo Quốc tế, hay Luật Xung đột Vũ trang.
Các đạo luật trên xác định rằng hành động quân sự chỉ nên là lựa chọn cuối cùng, chỉ nhắm tới những mục tiêu giới hạn, và giảm thiểu thiệt hại cho những cá nhân không liên quan.
Không thể phủ nhận một cuộc tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng dân dụng của nước Mỹ sẽ vi phạm những quy định trên. Tuy vậy, đây không phải lý do phù hợp lý giải sự cần thiết phải đáp trả bằng hạt nhân. Vì đơn giản nhất là rủi ro dân thường sẽ bị nhiễm phóng xạ và sinh con bị mắc dị tật bẩm sinh. Nếu không phân tích đầy đủ và toàn diện thì nước Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ bị cộng đồng quốc tế lên án, gây tổn hại cho chính mình cùng đồng minh.
Chính quyền tổng thống Trump, cũng giống như các chính phủ tiền nhiệm, đều cân nhắc các khả năng tự vệ trước các thế lực trỗi dậy và phục hưng trên thế giới, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc và Triều Tiên.
Politico bình luận, việc mở rộng vai trò của vũ khí hạt nhân, hay xóa nhòa ranh giới giữa chiến tranh hạt nhân và những mối đe dọa ít nguy hại hơn sẽ không giúp cho nước Mỹ "vĩ đại trở lại" như lời cam kết của tổng thống Donald Trump.