Ước tính hàng năm, trong mỗi đợt di cư sẽ có khoảng 70 ngàn con cá voi chết đi. Nhưng sau đó, thịt, mỡ và xương của chúng chính là nguồn sống cho nhiều loài sinh vật khác. Có thể nói, xác của mỗi con cá voi chính là một hệ sinh thái thu nhỏ dưới biển sâu.
Các nhà hải dương học đã tìm hiểu vấn đề này từ năm 1987. Đến nay, họ đã biết được khá cụ thể những điều sau sẽ diễn ra với xác cá voi.
Vài ngày sau: xác cá phồng lên và chìm xuống
Trong giai đoạn đầu tiên của quá trình thối rữa, xác cá voi thường phồng lên và trôi nổi.
Nhưng tiếp theo, khí cacbon dioxit, metan và các loại khí gas trong xác sẽ tiêu tan hết. Sự thay đổi này khiến cá voi chìm sâu xuống nước đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn mét.
Vài tuần sau: bữa tiệc thịt của cá mập, tôm,...
Những "vị khách" đầu tiên đến ăn xác cá voi là các loài giáp xác như tôm hùm ngồi xổm (squat crab), vài loài cá mập răng nhọn và con cá mút đá dị dạng này.
Cá mút đá mixini (hagfish) nhìn giống lươn nhưng lại là 1 loài cá, dài từ 30 – 90 cm. Chúng có hộp sọ nhưng không có cột sống, chuyên ăn xác thối.
Chúng có thể ăn trong nhiều tháng, với "thực đơn" rất phong phú như nội tạng, da, bắp thịt. Đáng nói là khi đã no nê, chúng vẫn "để dành" nguồn dinh dưỡng đáng kể cho các loài đến sau.
Vài tháng sau: bữa tiệc nhớt nhầy của giun, ốc sên...
Lúc này, xác cá voi còn rất ít thịt. Nhưng nó sẽ được bao phủ bởi một lớp dồi dào vi sinh vật nhớt nhầy. Đây cũng chính là nguồn thức ăn cho ốc sên hay các loài giun đốt.
Giun nhiều tơ
Chẳng hạn như với những con giun nhiều tơ (bristle worm), chúng đã sống sót qua 5 cuộc đại tuyệt chủng nhờ biết tìm nguồn thức ăn trên xác động vật.
Vài năm sau: bữa tiệc xương của vi sinh vật
Khi xác cá voi chỉ còn trơ lại bộ xương, đó vẫn là nguồn thức ăn cho vi sinh vật. Và có 1 số loài vi sinh vật đặc biệt mà khoa học chỉ tìm thấy trên xác cá voi.
Vậy nên, thỉnh thoảng khoa học vẫn "đánh chìm" xác những con cá voi bị trôi dạt trên biển xuống đáy, để sau đó có thể thu thập vi sinh vật về nghiên cứu.
Ngoài ra, con giun thây ma (osedax roseu) - một loài động vật thân mềm - cũng chuyên ăn chất lipit từ xương cá voi.
Hàng chục năm sau: nguồn sống cho nghêu, sò, ốc, hến...
Xác cá voi vĩ đại thật đấy, nhưng qua hàng chục năm cũng biến thành hàng ngàn hạt nhỏ mà thôi. Nhưng, đó lại là những hạt giàu dinh dưỡng cho vi khuẩn dưới đáy biển.
Những loài vi khuẩn này chuyên bám trên vỏ của con trai, con sò... Chúng giúp chuyển chất sunfua trên vỏ thành đường, cung cấp nguồn sống cho loài động vật thân mềm bên trong.
Vì vậy, một cách gián tiếp, xác cá voi đã nuôi sống luôn những con nghêu, sò, trai, hến... dưới đáy biển sau hàng chục năm!