Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương mỗi ngày có vài chục ca đến xin tư vấn hỗ trợ sinh sản và trong số đó khoảng 10% là người chồng không có tinh trùng, để có con họ buộc phải xin tinh trùng. Tuy nhiên, ngân hàng tinh trùng lúc nào cũng trong tình trạng "cạn vốn" cung không đủ cầu.
Trung tâm đưa ra biện pháp một đổi một. Các cặp vợ chồng cần xin tinh trùng phải về vận động bạn bè, người thân có 1 mẫu tinh trùng hiến vào ngân hàng mới xin được tinh trùng. Điều này tưởng đơn giản nhưng thực ra khó như lên trời.
Nhiều cặp vợ chồng e ngại họ không muốn bạn bè, người thân biết đứa con họ sắp có là con đi xin.
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng có lúc rơi vào tình trạng khan hiếm tinh trùng. Nhiều người bệnh đến xin làm hỗ trợ sinh sản phải thực hiện một đổi một.
PGS Nguyễn Mạnh Hà – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô nghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, việc xin đổi mẫu trung tâm đã thực hiện nhưng không được khả thi. Trước tình trạng thiếu nguồn tinh trùng, trung tâm đã tổ chức các buổi trò chuyện, truyền thông với các em sinh viên trường y để hiến tinh trùng.
Ngân hàng bị rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn con giống
PGS Hà cho hay các em sinh viên trường y quan niệm khá thoáng về hiến tinh trùng như hiến máu, hiến mô phôi khác. Chính vì thế, nhiều sinh viên đã đến hiến. Để hiến tinh trùng, các em đều được khám sàng lọc và có thời gian cửa sổ 3 tháng đảm bảo chất lượng tinh trùng tốt nhất.
Mỗi mẫu tinh trùng được ghi một mã số có chỉ số chiều cao, cân nặng, IQ của người hiến. Đây là lợi thế của trung tâm với nguồn tinh trùng hiến tốt. Mỗi sinh viên chỉ được hiến 1 lần. Không riêng sinh viên trường y, trung tâm cũng nhận được ủng hộ của một số sinh viên trường khác như trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế có bạn bè đang học trong trường y.
PGS Hà cho biết nhiều người lo ngại có khả năng hiến tinh trùng trong tương lai anh, em có thể kết hôn với nhau, điều này khó có thể xảy ra.
Theo PGS Hà ở Châu Âu, một số nước khác họ cho phép hiến tinh trùng 6 lần còn ở Việt Nam chỉ 1 lần, với 96 triệu người dân thì khả năng kết hôn như thế xác xuất chỉ bằng 0.
PGS Hà cho rằng không nên sử dụng nguồn tinh trùng từ "chợ đen" bởi không thể kiểm soát chất lượng cũng như nguồn người hiến.
Nhộn nhịp nhu cầu gửi
Nhiều trường hợp đã xảy ra đó là những người đi hiến tinh trùng "chuyên nghiệp" gây nên nhiều hệ luỵ. Ở các nước phát triển, mỗi ngân hàng tinh trùng có đến vài nghìn mẫu. Mỗi mẫu đảm bảo nguyên tắc vô danh nhưng đều được ghi lại các đặc điểm để người có nhu cầu có thể chọn đối tượng phù hợp theo ý muốn. Còn ở Việt Nam, do quá ít nên phải chọn mẫu ngẫu nhiên
Hiện nay, một mẫu tinh trùng được lọc rửa và lưu trữ ở nhiệt độ ni tơ lỏng -196 độ C, thời gian bảo quản từ 10 đến 30 năm và chất lượng tinh trùng không hề thay đổi.
Nguồn tinh trùng hiến phải đạt chất lượng, không nên sử dụng nguồn từ chợ đen
Khác biệt với nguồn tinh trùng hiến tặng khan hiếm, ngân hàng tinh trùng được gửi lại dồi dào. PGS Hà cho biết rất nhiều người có nhu cầu gửi tinh trùng từ người bị quai bị, người bị ung thư, nhiều bạn trẻ muốn gửi để sau này sử dụng phòng ngừa tai nạn, nhiều người "cốp cán" cũng gửi vì họ muốn lưu trữ tinh trùng tốt khi về hưu có thể muốn sinh thêm con thứ 3.
Một mẫu tinh trùng gửi chi phí 1,7 triệu đồng/năm, chi phí rất rẻ nên nó đang trở thành xu hướng mới. PGS Hà cho rằng, song song với gửi tinh trùng, ông mong muốn các bạn trẻ nghĩ thoáng hơn về việc hiến tinh trùng để giúp các cặp vợ chồng không thể sinh con bằng tinh trùng của chồng có cơ hội có con.