Ê-kíp 15 bác sĩ, điều dưỡng bước ra từ Phòng Hồi sức tích cực đã kiệt sức, phải cấp cứu bằng sữa. Mồ hôi ướt đầm như dầm mưa, họ vừa vật lộn trong 3 tiếng để đặt nội khí quản cho một bệnh nhân COVID-19 bị dị tật cột sống, có đường thở bất thường... Đây chỉ là một vài hình ảnh của các bác sĩ, điều dưỡng bên trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương những ngày này, khi cả bệnh viện đang phải cách ly y tế.
Bác sĩ, nhân viên y tế nhường cơm cho người bệnh
Ngày 5-5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương bắt đầu thực hiện cách ly y tế để phòng, chống dịch nhưng bệnh viện vẫn tiếp nhận bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển đến. Hơn một năm qua, thương hiệu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được cả nước biết đến với những dấu ấn sâu sắc, là nơi tuyến đầu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam, nơi đây đã có hơn 1 nghìn bệnh nhân được điều trị khỏi, nhiều ca bệnh rất nặng đã được các thầy thuốc cứu sống.
Lần này, khi dịch lan vào bệnh viện, làm nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, một số nhân viên y tế phơi nhiễm, áp lực, căng thẳng là điều đương nhiên nhưng theo chia sẻ của một số nhân viên y tế, đó chỉ là những ngày đầu, ngay sau đó tất cả sốc lại tinh thần, vững vàng cách ly y tế, chăm sóc những bệnh nhân nặng nhất của toàn miền Bắc.
Ê-kíp cấp cứu cho bệnh nhân nặng.
Nhớ lại những ngày đó, Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực Nguyễn Thị Thường kể: Khoa có nhân viên dương tính nên cả khoa trở thành F1. Mặc dù là F1 nhưng chúng em vẫn làm việc bình thường, cả khoa vẫn phải tiếp tục điều trị bệnh nhân nặng.
Lúc bấy giờ có nhiều hoàn cảnh éo le, như hai vợ chồng đều là điều dưỡng, con nhỏ nhưng vẫn sẵn sàng ở lại chống dịch. Đứng trước nguy cơ bệnh viện phải phong tỏa, có nhiều cặp đôi cùng làm ở bệnh viện đều ở lại...
Nữ điều dưỡng trưởng xúc động nói thêm: Khoa Hồi sức tích cực có gần 50 điều dưỡng, nhiều người sức khỏe không tốt, có bệnh lý nền, theo quy định họ không phải tham gia trực tiếp vào công việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nhưng tất cả đều xung phong trực chiến, không hoang mang, lo lắng mà tâm thế rất vững vàng, kiên quyết.
Sự đoàn kết, sự hy sinh của những điều dướng đó rất đáng được đông viện, ghi nhận và khích lệ. Chính sự đồng lòng đó đã tạo nên trái ngọt trong suốt hơn một năm chống dịch đã qua.
Hơn một năm chiến đấu với dịch COVID-19, chưa khi nào Khoa Hồi sức tích cực (khoa điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng nhất) lại phải đương đầu với nhiều ca bệnh nặng, rất nặng như lần này. Nữ điều dưỡng trưởng cho biết, ở các đợt dịch trước, có 5-7 bệnh nhân COVID-19 thở máy thì lần này tăng gấp 5-6 lần, có ngày tiếp nhận 5 bệnh nhân.
Lần này, có nhiều bệnh nhân mắc bệnh nền, phải can thiệp lọc máu, ECMO (hệ thống tim, phổi nhân tạo). Bình thường, một điều dưỡng chăm sóc 2 bệnh nhân nhưng hiện giờ họ phải chăm sóc 5 bệnh nhân, khó khăn vất vả tăng hơn nhiều lần. Cường độ công việc lớn, nửa tháng qua, họ đã làm việc kiệt sức.
Thường kể lại: “Chúng em có ngày phải cấp cứu bác sĩ, có ngày phải cấp cứu điều dưỡng vì làm việc kiệt sức. Những ngày đầu, bệnh viện quá tải chưa kịp cung cấp suất ăn cho những người cách ly do phong tỏa.
Nhân viên y tế đã nhường cơm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. 12 giờ đêm, họ chỉ kịp ăn cái bánh quy. Nhiều bạn làm việc quay cuồng đến 11 giờ đêm thì 12 giờ lại dậy cấp cứu bệnh nhân đến 3 giờ sáng”.
Bác sĩ Trần Văn Kiên ướt sũng mồ hôi sau khi đặt ECMO cho bệnh nhân COVID-19. |
Những ca cấp cứu xuyên đêm
Ngày 21-5, Khoa Hồi sức tích cực điều trị cho 21 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân can thiệp ECMO. Ở đây đã ghi nhận 5 ca tử vong, đều là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền, khi mắc COVID-19 bệnh nặng rất nhanh.
Nhớ lại ca bệnh tử vong đầu tiên là cụ bà 89 tuổi, điều dưỡng Thường nói: 10h đêm ngày 12-5, bệnh nhân biến chuyển nặng, Khoa đã huy động ê-kíp cấp cứu 15 người gồm bác sĩ và điều dưỡng làm thủ thuật cho bệnh nhân đặt ECMO.
Cả đêm chúng tôi thức trắng để cấp cứu, theo dõi không rời bệnh nhân một giây phút nào.
Đến 3h sáng, do bệnh quá nặng, tuổi cao, bệnh nhân đã không qua khỏi. “Đây là ca bệnh tử vong đầu tiên ở bệnh viện, các bác sĩ, nhân viên y tế đã nỗ lực hết sức, còn nước còn tát, dù chỉ một giây phút hy vọng cứu sống bệnh nhân, chúng tôi cũng đều cố gắng, song vẫn không cứu được.
Điều đau lòng nhất là những bệnh nhân COVID-19 tử vong, người nhà họ không được gặp lần cuối”, điều dưỡng Thường chia sẻ.
Hay những tình huống khác như việc đặt nội khí quản cho bệnh nhân bị dị tật gù vẹo cột sống cũng rất khó khăn. Bệnh nhân lúc đó rất nguy kịch, nếu không đặt nội khí quản, bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Dù rất khó khăn, hạt khí dung của bệnh nhân văng ra bay vào bác sĩ, nhân viên y tế, nguy cơ phơi nhiễm rất cao nhưng nếu không cố gắng đặt, bệnh nhân sẽ chết.
Ê-kíp cấp cứu vất vả làm việc suốt 3 tiếng mới đặt được ống nội khí quản cho bệnh nhân, cứu sống tính mạng người bệnh. Ra khỏi phòng bệnh, 15 người mồ hôi ướt sũng như đi dưới mưa, họ đều kiệt sức.
Điều dưỡng là người chăm sóc toàn diện nhất cho bệnh nhân COVID-19. Hơn thế nữa, họ còn phải chăm sóc cho cả người nhà của bệnh nhân khi bị cách ly.
Để chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19 thở máy, mỗi ngày điều dưỡng phải đánh răng cho người bệnh 3 lần; 20 lần hút đờm - đây là công việc dễ phơi nhiễm COVID-19; theo dõi chức năng sống của bệnh nhân để ghi nhận 1 tiếng/lần; 3 tiếng một lần thay đổi tư thế cho người bệnh; tắm, thay bỉm, thay ga trải giường, đổ chất thải...; xử lý tất cả chất thải của bệnh nhân sao cho an toàn.
Bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc, theo dõi bệnh nhân nặng 24/24h. |
Ngoài ra, còn lau buồng, lau máy thở 2 lần/ngày, lau thiết bị, lau sàn phòng ít nhất 2 lần/ngày. Bệnh nhân COVID-19 có nhiều thuốc can thiệp, điều dưỡng phải thực hiện tiêm, truyền, sau đó theo dõi sát sao người bệnh có đáp ứng với thuốc hay không, nếu không đáp ứng phải báo với bác sĩ.
Khi cho người bệnh ăn, phải đánh giá xem có tiêu không, nếu không cũng phải báo lại bác sĩ để có trợ giúp lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng phù hợp, hoặc hỗ trợ thuốc. Có nhiều ca can thiệp bằng ống nội khí quản, mở khí quản, thông tiểu... điều dưỡng phải chăm sóc để bệnh nhân không nhiễm trùng.
Thường nói với tôi: “Chị cứ tưởng tượng xem, mặc bộ quần áo bảo hộ trong vòng 8 tiếng, làm việc liên tục trong thời tiết nắng nóng, không điều hòa thì sẽ thế nào?”. Nói rồi chị gửi cho tôi xem những hình ảnh bác sĩ bước ra từ phòng bệnh như vừa đi mưa về: “Chỉ 2 tiếng vào phòng bệnh, chúng em đã ướt từ đầu tới chân.
Có lúc mệt mỏi, làm được 5-6 tiếng, phải dừng lại để nghỉ, uống chút nước. Thường qua bữa mới ăn, giấc ngủ chập chờn, khi có bệnh nhân nặng, không phải ca trực nhưng cũng bật dậy”.
Vất vả không thể nói thành lời
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói rằng: “16 tháng nay làm nhiệm vụ điều trị COVID-19, chúng tôi không ngại khó, không ngại khổ, chỉ thương bệnh nhân, nhất là bệnh nhân điều trị tích cực đã âm tính 2-3 lần”.
Một câu nói giản dị nhưng hàm chứa tất cả công việc của các thầy thuốc, nhân viên y tế của bệnh viện trong suốt hơn 1 năm qua.
Có lẽ, chỉ hình dung thôi, chúng ta cũng phần nào hiểu được, trong 16 tháng qua, sự vất vả, kiên trì, biền bỉ của các thầy thuốc nơi đây dành cho bệnh nhân. Ở đợt dịch lần này, sau khi có bác sĩ dương tính, toàn thể thầy thuốc ở đây đều trở thành F1.
“Với lượng bệnh nhân đông, dù là F1 nhưng các thầy thuốc vẫn phải tham gia phòng, chống dịch theo các cách khác nhau”, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ.
Tâm sự với một bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, anh nói rằng, lúc bệnh viện phát hiện ca dương tính, tất cả đều bất ngờ.
Có nhiều người vướng việc gia đình, như có con nhỏ còn chưa cai sữa mẹ; có nhân viên vừa nghỉ sinh trở lại làm việc được 1 ngày; có bạn trong đêm cách ly đầu tiên, con ở nhà ốm, khiến cả gia đình lo lắng... “Do chúng tôi đã quen với dịch, nên chỉ mất 1-2 ngày đầu là bắt tay ngay vào công việc”, vị bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ, nhân viên y tế mệt mỏi, kiệt sức khi chăm sóc đông bệnh nhân nặng. |
Song, theo nhận xét của bác sĩ, diễn biến dịch lần sau căng thẳng hơn lần trước, bệnh nhân lần sau đa dạng hơn lần trước, do nhiều chủng virus khác nhau nên ghi nhận có diễn tiến mới; bệnh nhân trẻ, khỏe tăng nặng hơn lần trước...
Chưa bao giờ lượng bệnh nhân cần chăm sóc lại nhiều như hiện nay. Bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu tăng lên từng ngày, 1 tuần nay tăng mạnh, trước đây nhiều nhất cũng chỉ 30 bệnh nhân, nay gần 50 người, áp lực về điều trị rất lớn.
“Khối lượng công việc nhiều vì bệnh nhân phải chăm sóc toàn diện. Khoa đưa hết điều dưỡng vào chăm sóc, mỗi ngày chia làm 3 ca, 4 kíp. Đột ngột có bệnh nhân vào, các ca đang nghỉ lại phải tăng cường.
Tối chúng tôi chia nhau ngủ nhưng các bác sĩ chẳng đêm nào được ngủ ngon giấc. Chúng tôi có một group, liên tục cập nhật thông tin, nếu có bệnh nhân diễn biến nặng, bác sĩ đang ngủ lại mặc quần áo bảo hộ vào hỗ trợ đồng nghiệp”, bác sĩ tâm sự.
Do bệnh nhân nặng quá tải, Khoa Cấp cứu đã mở rộng thêm 1 đơn nguyên nữa để giãn cách. Khoa huy động gần như tất cả nhân lực vào điều trị, chăm sóc bệnh nhân và công việc hậu cần, hành chính ở vòng ngoài. “Chưa bao giờ chúng tôi lại mệt như thế, mệt tới mức nằm ra cả giường cấp cứu ở khu điều trị.
Mặc trang phục bảo hộ bị nóng bức, làm hạn chế tầm nhìn, hạn chế tầm quan sát. Thở khó khăn vì phải đeo khẩu trang N95, mất nước, ảnh hưởng đến sức khỏe, trí nhớ giảm sút, đôi lúc hay quên là vì thế”, bác sĩ nói.
Áp lực điều trị đông bệnh nhân nặng, trong môi trường lây nhiễm COVID-19 rất lớn... nhưng họ vẫn phải vượt qua. “Bác sĩ vất vả, điều dưỡng vất vả, một người chăm sóc mãi cho một bệnh nhân cũng không chịu nổi.
Chăm sóc gần 50 bệnh nhân nặng, điều dưỡng đóng góp hơn 50% công sức bao gồm toàn bộ các công việc như chăm sóc, vệ sinh, ăn uống, thuốc men, vỗ dung... họ phải đảm nhiệm”, nam bác sĩ kể lại.
Anh còn kể: Có nhân viên nói với tôi “bao giờ em mới lấy được chồng nếu cứ mãi ở bệnh viện như thế này”. Chúng tôi luôn động viên anh em cố gắng, chuẩn bị tinh thần vì “trận chiến” này còn dài, còn tiếp tục có nhiều ca mắc nữa.
Bệnh viện có quyết định cách ly 21 ngày, sẽ còn nhiều ngày nữa họ mới được trở về gia đình khi bệnh nhân còn đông như hiện nay. Nhiều cặp vợ chồng làm chung một chiến tuyến nhưng sau bao ngày họ chưa một lần được gặp nhau.
Như vợ chồng điều dưỡng P.T.N, vợ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực, chồng ở Khoa Nhiễm khuẩn, con gái của họ 13 tháng tuổi buộc phải cai sữa khi mẹ cách ly chống dịch. Những câu chuyện đau lòng, xúc động này sẽ còn nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài.