6 tháng tái hiện thanh âm Hà Nội
Thanh âm Hà Nội gồm các ca khúc kinh điển được chuyển soạn cho dàn nhạc thính phòng hoặc giao hưởng Tiến về Hà Nội , Người Hà Nội , Hà Nội niềm tin và hy vọng cùng bản prelude số 1 Ký ức tuổi thơ của Nguyễn Hữu Tuấn. Các bản thu này từng được Đài PTTH Hà Nội phát sóng.
Đặc biệt, mặt B bao gồm Hiệu lệnh báo động phòng không thủ đô (từng vang lên trong 12 ngày đêm Hà Nội đánh máy bay Mỹ), Tiếng tàu điện Hà Nội , Nhạc hiệu Đài PTTH Hà Nội từ 1979 , Nhạc hiệu Đài PTTH Hà Nội từ 2024 và bản thu mới toanh Lễ thượng cờ 6h sáng trên quảng trường Ba Đình .
Trừ phần gia công đĩa được thực hiện tại Nhật, các khâu thu âm, mix và master đều do Đài PTTH Hà Nội đảm nhiệm, mất 6 tháng để hoàn tất. Đáng ra khâu master cũng được làm tại Nhật nhưng để kịp thời ra mắt đúng dịp kỷ niệm 10/10, nên chuyên gia âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa đảm trách luôn. Anh cũng là người trực tiếp thu âm nhiều bản trong đĩa, bao gồm Lễ thượng cờ.
Nghĩa phụ trách toàn bộ phần âm thanh các liveshow của Đài PTTH Hà Nội - dường như cũng là nơi đầu tiên sẽ đưa những chương trình âm nhạc do mình sản xuất ra thị trường để khán giả khắp nơi có thể thưởng thức qua nhiều nền tảng. Thanh âm Hà Nội là sản phẩm đầu tiên dưới dạng đĩa than .
Chuyện ghi âm lễ thượng cờ ở quảng trường Ba Đình
Với mỗi tư liệu âm thanh cũ, Nghĩa mất một ngày làm việc chỉ để loại tạp âm. Anh phải căn từng chút để làm sao xóa được tiếng ồn, rè mà vẫn giữ được chất giọng riêng của phát thanh viên trong mỗi bản thu.
Khi Nghĩa đang dự một khóa học ở Singapore thì nhận được cuộc gọi từ cơ quan về gấp thu lễ thượng cờ, để kịp ra sản phẩm vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập đài. Xem clip trên YouTube, Nghĩa khá… hoảng vì quảng trường rất rộng, phải đặt nhiều mic (thực tế 36 chiếc đã được dùng), hứa hẹn thu được… nhiều tạp âm.
Ngay khi ở Singapore, anh đã lên phương án thu âm dựa trên tỷ lệ được cung cấp. Nhưng áp vào thực tế, anh thấy tính toán chưa chuẩn. Đài phải làm công văn xin thêm ngày hôm sau để thu lại. Nghĩa tự đặt ra yêu cầu cao - phải tạo được hình ảnh của âm thanh, làm sao mô phỏng đúng vị trí và sự di chuyển của âm thanh tại hiện trường.
Chẳng hạn các chiến sĩ đi từ trái sang phải thì người nghe cũng phải thấy tiếng bước chân của họ chuyển từ loa trái sang loa phải. Đoàn quân đến càng gần người nghe thì tiếng leng keng của huy hiệu trên ngực áo các chiến sĩ càng rõ. Vị trí của cột cờ được mặc định ở giữa 2 loa. Tiếng hô hiệu lệnh sẽ lệch sang trái một chút vì đó là vị trí đứng của người hô. Tiếng vác súng lệnh đương nhiên lệch phải vì đoàn quân đứng bên đó.
“Phải tinh tế thì mới nghe được tiếng cờ phất vì lúc đó tôi xin đứng sát bên cờ luôn. Chiến sĩ ôm lá cờ phất vèo một cái, nhẹ lắm,” Nghĩa nhớ lại.
Nhờ thu âm Nghĩa được đứng gần cột cờ nhất có thể. Cảm xúc dâng trào, anh diễn tả: “Tôi biết lễ thượng cờ nhưng chưa từng dự. Hôm tôi đến thấy nó hay quá… Tôi thấy thiêng liêng, rất xúc động”.
Cũng là bản thu Quốc ca đó mà bật lên ở quảng trường trong lễ thượng cờ, Nghĩa thấy rất thiêng liêng, không giống khi phát lên ở các nơi khác. Anh khẳng định đó là bản Quốc ca hay nhất từng nghe, cố gắng truyền tải phần nào cảm xúc đó vào Thanh âm Hà Nội .
Đĩa Thanh âm Hà Nội vẫn thiên về những âm thanh có tính lịch sử. Liệu tiếng của Hà Nội hôm nay có gì đặc biệt để lưu giữ? Nghĩa trả lời: “Hà Nội đang trên đường phát triển công nghiệp hóa, nhiều tòa nhà mọc lên. Tôi từng đi một vòng thu thử thì thấy nó là âm thanh chung như bất cứ thành phố hiện đại nào. Ngay tiếng rao cũng phát loa rồi. Nên khi phát ra, khó mà chứng minh được đó là tiếng của Hà Nội”.
Cũng có thể rồi đây Hà Nội sẽ có cho mình những thanh âm tiêu biểu cho hiện tại mà lễ thượng cờ (có từ 19/5/2001) là một ví dụ.
Trong những chất liệu tạo nên đời sống văn hóa xã hội của Hà Nội, ngoài âm nhạc còn có những thanh âm của cuộc sống. Đài PTTH Hà Nội cũng chính là nơi tạo ra và lưu trữ những thanh âm đó, đưa tất cả những thanh âm của đời sống, văn hóa nghệ thuật đến với người dân. Chúng tôi lựa chọn phát hành đa nền tảng, đồng thời vẫn sử dụng đĩa than với hy vọng có thể cùng những người yêu Hà Nội ôn lại kỷ niệm và lưu lại những ‘Thanh âm Hà Nội’ được lâu hơn, theo một cách rất Hà Nội ”- Nhà báo Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc Đài PTTH Hà Nội