LTS: Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey, được bầu chọn làm Chủ tịch hội đồng tín thác Đại học Fulbright Việt Nam đang là tâm điểm dư luận. Với trách nhiệm thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam đã ghi lại phát biểu của một số cựu binh, nhà văn, nhà báo, và cả lãnh đạo đương nhiệm.
Xin giới thiệu phát biểu đầu tiên của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Mời độc giả cùng tham khảo và suy ngẫm.
Xung quanh câu chuyện đang rất nóng liên quan đến Bob Kerrey và FUV (Fulbright Việt Nam), tôi nghĩ, chúng ta cần lùi lại rất xa trong quá khứ để nhìn lại thì mới có thể tìm được câu trả lời thấu đáo về tổng thể cuộc chiến tranh đã từng xảy ra.
Thậm chí, phải nhìn dài rộng hơn về lịch sử vệ quốc của người Việt từ thời chống xâm lược phong kiến Trung Hoa đến giờ. Nhìn để xem ông cha ta đã xử lý vấn đề này, vấn đề mà người Việt đương đại chúng ta đang đối diện trên tinh thần nào, dựa trên nền tảng nào.
Có một điều người nước ngoài cũng biết, và cũng là điều chúng ta luôn tự hào, đó là: Việt Nam- một dân tộc đầy lòng tự trọng và rất vị tha. Lịch sử đã chứng minh rằng, bất cứ kẻ ngoại xâm nào đến xâm chiếm bờ cõi chúng ta khi bị đánh bại đều được chúng ta ban cho lòng nhân ái và vị tha. Và dân tộc ta đã lớn lên bởi điều ấy.
Đó là nhân cách Việt. Đó cũng là cách tư duy về tương lai đã nằm lòng trong mỗi người Việt từ thời xa xưa chống phong kiến phương Bắc, kháng chiến chống Pháp, chống Nhật và chống Mỹ….
Hầu hết chúng ta đều hiểu lịch sử dân tộc, nên lúc này chúng ta nhìn lại lịch sử của chính dân tộc mình xem ông cha chúng ta đã xử lý những tình huống này như thế nào.
Bob Kerrey thực sự là một thách thức quá nhỏ so với những thách thức trong lịch sử của dân tộc mà ông cha ta đã từng đối diện, từng xử lý.
Chính vì điều đó mà dân tộc này đã vượt qua, để không một kẻ nào đồng hóa được nền văn hóa này và khuất phục được tinh thần tự trọng của người Việt. Địa lý quốc gia có thể bị xâm chiếm một trăm năm hay một ngàn năm, nhưng văn hóa và tinh thần của dân tộc ta thì không ai có thể xâm chiếm được.
Câu chuyện ông Bob ít nhiều lúc này cũng là một thách thức trong quan hệ Việt-Mỹ mà hai quốc gia đã rất vất vả, rất nỗ lực rất lâu, rất gian nan mới có được. Thách thức này buộc chúng ta cả người Mỹ và người Việt phải đối diện và xử lý.
Hãy nhìn lại từng bước đi từ nhỏ cho tới lớn của hai quốc gia thời hậu chiến. Tôi cho rằng, người Mỹ đã xây một đại lộ nối Mỹ tới Việt Nam. Đại lộ đó là nền tảng văn hóa, là sự tôn trọng lẫn nhau.
Hãy nhìn cách người dân Việt Nam đón nhận Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Việt Nam mới đây. Hãy cùng nhìn lại bài phát biểu của Tổng thống Mỹ vừa rồi tại Mỹ Đình. Ở đó chứa đựng rất nhiều điều cho thấy sự thấu hiểu một nền văn hóa. Cao hơn sự thấu hiểu một nền văn hóa là sự tôn trọng một nền văn hóa khác biệt.
Văn hóa là cầu nối cho hai dân tộc. Tất cả các diễn văn của Tổng thống Barack Obama đã chia sẻ trong chuyến thăm vừa rồi luôn tựa vào văn hóa Việt Nam.
Khi nhắc tới “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” là thể hiện sự tôn trọng và khẳng định chủ quyền của người Việt, cũng là để gián tiếp gửi thông điệp cho các nước lớn rằng, không được phép xâm phạm chủ quyền đã xác lập của người Việt Nam. Và cũng là để nói một cách tế nhị về sai lầm trong cuộc chiến tranh mà người Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Ông ấy cũng nói về tình cảm sẻ chia, thương yêu giữa con người với con người bằng “Nối Vòng Tay Lớn” của Trịnh Công Sơn, bằng “Từ Đây Người Biết Thương Người” của Văn Cao.
Cuối cùng ông đặt cược cho mối quan hệ của hai quốc gia bằng một thứ duy nhất, đó là lòng tin qua việc trích hai câu thơ của Đại thi hào Nguyễn Du. Cá nhân tôi cho rằng, nếu không có lòng tin thì vĩnh viễn chẳng làm được cái gì. Vĩnh viễn chẳng có cái gì được hoàn thành.
Khi xem xét một hành động hãy xem xét nó trong hoàn cảnh cụ thể. Bob Kerrey cũng chỉ một người lính trong đội quân lớn của nước Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Người chịu trách nhiệm cao nhất về cuộc chiến này không phải cá nhân ông Bob.
Nhưng ông ấy là một trong những người đã tham gia cuộc chiến phi nghĩa này. Nếu không có sự chia sẻ, nếu không có sự hiểu biết của cả hai phía, nếu không có tầm nhìn vào tương lai thì tôi dám chắc Tổng thống Barack Obama sẽ không tới Việt Nam theo cách ông đã đến.
Rõ ràng nếu không thừa nhận và không tôn trọng một thể chế khác biệt của chúng ta thì ông ấy đã không mời người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam tới thăm đất nước ông và cũng không tới đây chìa bàn tay và nở nụ cười thân thiện với người dân Việt Nam. Thế giới ngày nay không phải là thế giới của ngày hôm qua.
Ngày nay, trong cuộc chơi chung, đòi hỏi những qui luật mới. Và qui luật mới ấy dựa trên lòng tin, sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Chúng ta đều biết Bob hay những người có liên quan, khi tham gia vào dự án này đều ý thức được, lường trước được tất cả. Nhưng ông ấy đã dám đối diện với sự thật cho dù cay đắng và đáng nguyền rủa, với tội lỗi của mình một cách công khai.
Việc ông ấy đã dám bước đến trước một gia đình, một đất nước để thừa nhận rằng mình đã từng có tội với gia đình ấy và đất nước ấy mà không sợ bị trả thù và bị nguyền rủa thì sự sám hối ấy đã tới tận cùng của nó, sự sám hối trung thực.
Tôi đã từng gặp rất nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Họ đều muốn thể hiện sự sám hối với tội lỗi của mình bằng những hành động cụ thể. Cách đây 1 giờ, tôi post lên facebook bức ảnh một người đàn ông đang ngồi cạnh Tổng thống Obama xem một trận bóng chày.
Đó John Baca, một người lính, một cựu binh Mỹ từng tham gia chiến ở Việt Nam và bị thương rất nặng. Sau chiến tranh, John không có việc làm cụ thể. Ông sống bằng tiền trợ cấp. John Baca sống độc thân với một con chó trong một ngôi nhà hơn chục mét vuông trên một quả đồi ở Maryland.
Năm 1990, John cùng các cựu binh khác, người là nông dân, người làm thuê, thợ sửa xe, thậm chí có người là trông trẻ… đều rất nghèo, đã sang Hà Nội để lao động trực tiếp trộn vôi, tự tay xây dựng trạm xá Yên Viên bằng tiền cá nhân, bằng tiền quyên góp từ khoản trợ cấp ít ỏi từ các cựu binh khác. Với John, đó là một hành động thiết thực để xin lỗi người dân Việt Nam về những gì họ gây ra trong chiến tranh.
Với họ, mỗi một viên gạch họ đặt xuống khi xây trạm xá Yên Viên là một lời thú tội, một lời sám hối, một lời xin lỗi người dân Việt Nam. John Baca có một ước mơ lớn là gom đủ tiền để sang Việt Nam xây một ngôi nhà nhỏ bên bờ biển để những bà mẹ Việt Nam và Mỹ mất con trong chiến tranh gặp gỡ nhau, chia sẻ và an ủi nhau.
Các hiền nhân của loài người đã dạy rằng: khi một người nhận ra lỗi lầm của mình và sám hối thì tội lỗi đó được xóa.
Với Bob cũng vậy, trong 20 năm qua ông ấy đã sám hối, đã ăn năn và đã có những hành động cụ thể. Ông ấy đâu cần sang Việt Nam để kiếm sống, ông ấy có thể cứ ở Mỹ sống yên bình và để tránh bị đối diện với tội lỗi một cách như hiện nay.
Ông ấy rất biết việc sang Việt Nam điều gì có thể sẽ diễn ra, sẽ bị rủa xả thế nào, nhưng ông ấy đã quyết định phải bước đến chính nơi mà ông đã gây tội. Theo tôi đó là sự trung thực, sự đàng hoàng, có văn hóa của người sám hối thực sự với tội lỗi của mình. Tôi tin ông ấy đã thành thật. Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Hãy nhìn xem, đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam là ai? Tại sao Mỹ không cử một nhà ngoại giao giỏi, tại sao Mỹ không cử một người am hiểu về Việt Nam hay Đông Dương mà lại cử một người từng là tù binh của Việt Nam? Người mà nhân dân Việt Nam biết rất rõ đã từng lái máy bay ném bom xuống đất nước chúng ta.
Họ cử chính người có lỗi với dân tộc này, đến đây để trực tiếp xin lỗi dân tộc này. Chỉ chính những người đó khi đến đây, mảnh đất họ đã gây tội mới mang tới được bản thông điệp đầy đủ nhất: Chúng tôi đến đây với lòng hối lỗi thật sự và muốn trở thành một người bạn. Như vậy, theo tôi, chúng ta còn đòi hỏi gì thêm nữa.
Bởi vậy, chúng ta hãy lùi lại một chút để bình tĩnh hơn và có cái nhìn thấu đáo hơn.
Quê tôi ở có những gia đình mâu thuẫn rất nặng, thậm chí dẫn đến chết người. Đến ngày giỗ của nạn nhân, chính người đã gây nên cái chết ấy, sau khi đi tù về đã trực tiếp mang lễ đến nhà nạn nhân, bước vào ngôi nhà đó thắp hương và nói lời xin lỗi cho dù có thể bị người nhà nạn nhân trả thù.
Nhưng họ cần làm điều đó bởi họ muốn xin lỗi một cách chân thành nhất. Hành động này tác dụng hơn rất nhiều, thành thật hơn rất nhiều nếu anh ta nhờ người khác, nhờ gia đình thay mặt anh ta.
Trong những lời sám hối của Bob, có một câu của ông mà tôi suy nghĩ nhiều rằng: Nếu sự có mặt của ông làm ảnh hưởng tới việc chung thì ông sẵn sàng rút lui. Nước Mỹ không thiếu người để cử, nước Mỹ không thiếu người để thay Bob.
Chuyện đó thật đơn giản. Và những người chọn Bob cũng như chính Bob đều hiểu rõ rằng: Họ có thể làm cho người Việt Nam nổi giận và đốt thêm ngọn lửa hận thù của người Việt Nam tưởng đã nguôi dịu đi đối với họ. Nhưng vì sao họ vẫn làm như vậy. Tôi lại muốn nói, xin hãy lùi lại một chút và cùng suy nghĩ. Việc suy nghĩ kỹ lưỡng này cần thiết cho chúng ta chứ không phải cho Bob.
Ở đây, tôi nghĩ rằng, bằng việc cử Bob, nếu sự hận thù được hóa giải thì đó sẽ là sự hóa giải thật sự. Nếu chúng ta chấp nhận ông ấy, đó là ta đã đi được tới sự tận cùng của tha thứ lớn lao. Còn không, chúng ta lại đi trên một con đường khác.
Không ai quên lịch sử, không ai được phép quên lịch sử. Chúng ta xóa đi thù hận chứ không được quyền xóa đi lịch sử. Nhưng chúng ta không được đánh tráo khái niệm giữa tha thứ và sự lãng quên.
Hãy cùng xem lại. Chẳng phải chúng ta đã từng đón tiếp các Tổng thống một quốc gia từng là cựu thù một cách chân thành, nồng ấm như vậy cơ mà. Chẳng phải chúng ta đón nhận người Nhật, người Pháp và cả người Hàn đến với chúng ta đấy sao.
Việc người Nhật đã làm cho 2 triệu người Việt Nam chết đói thì sao? Tội ác mà người Hàn đã làm ở Mỹ Lai thì sao? Những cái chết này với những cái chết ở Thạch Phong đều như nhau. Vậy thì tại sao chúng ta không thể tha thứ cho Bob trong khi chúng ta đã tha thứ cho những người điều khiển cỗ máy chiến tranh mà Bob tham gia và có khi lại là chính nạn nhân của cuộc chiến tranh ấy.
Với những đau thương trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nếu tổ tiên, ông bà ta không có lòng vị tha thì lúc này chúng ta đang sống trong một đại dương vô tận của sự thù hận mà tổ tiên, ông bà để lại.
Nhìn về quá khứ đau thương, mọi người Việt Nam đều được quyền phán định. Sự lên tiếng với hai luồng dư luận khác nhau đã cho tôi nhận ra một điều: Chúng ta không bao giờ quên quá khứ. Nếu trong việc này mà chúng ta im lặng thì đó mới là điều kinh sợ.
Trường hợp của Bob đã vô tình trở thành chất thử thái độ của chúng ta với lịch sử. Chúng ta đã lên tiếng. Chúng ta được quyền như thế và phải như thế.
Hãy nói hết ra để rồi mỗi chúng ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng thật thanh thản. Bob chỉ là một ví dụ cho sự thử thách đối với lòng vị tha truyền thống và để kiểm chứng tư duy của chúng ta trước một vận hội cho tương lai của con cháu mình chứ không phải là một vấn đề nan giải. Sự lựa chọn cuối cùng của chúng ta, hoặc làm cho chúng ta lớn lên hoặc làm cho chúng ta nhỏ bé!