Với 10 triệu đồng/người cho 10 ngày khám phá, bài chia sẻ về chuyến đi đến Trương Gia Giới – Nam Ninh – Phượng Hoàng cổ trấn – Hồng Giang cổ thương thành của cặp đôi Lilly Nguyễn và Hiệp Lê khiến nhiều bạn trẻ đang rất tò mò, háo hức.
Với những hướng dẫn chi tiết về chi phí, chuẩn bị, di chuyển, ăn uống, các tips cần biết... nhiều dân mạng đã không giấu được sự nóng lòng được khám phá những điểm đến xinh đẹp này.
Ai đang ấp ủ một chuyến đi, hãy tham khảo review của cặp đôi này (Clip: Hiệp Lê)
Chuẩn bị
- Làm visa: Thời điểm mình chuẩn bị đi du lịch, vấn đề làm visa hơi phức tạp và khó khăn...Mình phải thông qua dịch vụ làm visa, chi phí làm visa loại 3 tháng nhập cảnh một lần dưới 15 ngày là 90$ (khoảng 2 triệu đồng) và bạn nên làm trước từ 20 - 30 ngày cho chắc chắn.
- Vé tàu: Mua vé chiều Gia Lâm – Nam Ninh chuyến 21h20 (không bán khứ hồi) tại ga Gia Lâm. Nên mua theo nhóm 6 người để được giảm giá 25%.
Đoàn mình đi mua vé sau khi giảm giá còn 568 nghìn đồng/vé. Chiều từ Nam Ninh đi Trương Gia Giới giá 201- 207 tệ (khoảng 600 nghìn đồng) tùy giường.
Lưu ý là nên đặt trước từ 15 ngày cho chắc ăn nếu không muốn chịu cảnh ngồi ghế suốt 15 tiếng trên tàu. Chiều từ Nam Ninh về Gia Lâm giá 200 tệ mua ngay khi đến ga Nam Ninh tại quầy vé, chiều từ Hoài Hóa về Nam Ninh giá 164 tệ (hơn 500 nghìn đồng) cũng vậy, mua ngay tại ga Hoài Hóa luôn...
- Nên chuẩn bị sạc dự phòng, pin và thẻ nhớ cho máy ảnh đầy đủ nếu không muốn tiếc hùi hụi vì cảnh đẹp trước mắt mà máy ảnh, máy điện thoại hết pin.
- Dowload app Betternet để vào Facebook check-in, VSCOcam và ANAlog để chỉnh ảnh sống ảo, từ điển Việt - Trung CVEdict để dùng chữa cháy khi cần thiết.
Cô bạn Lilly Nguyễn đã có những chia sẻ rất thiết thực dành cho những bạn trẻ thích "xê dịch".
- Quần áo ấm, khăn ấm nếu đi vào mùa này. Khi mình đến Trương Gia Giới, nhiệt độ chỉ còn khoảng 10 độ C và còn lạnh hơn nếu bạn lên núi cao. Tuy nhiên hãy mang gọn nhẹ hết sức có thể.
- Sim điện thoại 4G: Mua ở ngay đối diện cửa ga Nam Ninh. Nhớ mặc cả xuống 60 - 80 tệ nhé. Sẽ có 50 tệ (khoảng 160 nghìn đồng) trong tài khoản, cũng đủ để bạn dùng google translate và xem bản đồ, gọi điện liên lạc với nhà xe…
- Thuốc đau bụng, cảm cúm…
- Hết sức quan trọng nữa là giấy vệ sinh. Vấn đề đi toilet của các bạn Trung Quốc hơi khó hiểu mà mình sẽ nói sau, nhưng vài cuộn giấy vệ sinh là rất cần thiết cho bạn khi đi tàu xe và các điểm tham quan đấy.
Lịch trình
- Ngày 1: 21h20 lên tàu ở ga Gia Lâm
- Ngày 2: Đến Nam Ninh vào 10h trưa, thuê phòng nghỉ ngơi và thăm thú Nam Ninh. Lên tàu đi Trương Gia Giới lúc 17h10.
- Ngày 3: Đến Trương Gia Giới lúc 8h sáng, tìm đường ra khách sạn sau đó buổi chiều đi Thiên Môn Sơn.
- Ngày 4: Trời mưa nên đoàn mình không đi Vũ Lăng Nguyên mà chỉ chọn tham quan cây cầu kính dài nhất và cao nhất thế giới mới được khánh thành vào tháng 8/2016. Sau đó về khách sạn và đi dạo loanh quanh.
- Ngày 5: Bắt xe bus ra bến xe, mua vé đi Phượng Hoàng cổ trấn lúc 8h30. 15h chiều đến Phượng Hoàng cổ trấn, thuê xe đi về khách sạn giá 30 tệ/xe (gần 100 nghìn đồng).
Bạn có bị hấp dẫn bởi những cảnh đẹp như thế này?
- Ngày 6 - 7: Tham quan Phượng Hoàng cổ trấn
- Ngày 7: Lên xe đã thuê từ trước đi Hồng Giang cổ thương thành. Trên đường đi rẽ vào Hoài Hóa mua trước vé tàu Hoài Hóa - Nam Ninh ngày hôm sau. Sau đó đi thẳng về Hồng Giang cổ thương thành. Quãng đường khoảng 200km mất 4 tiếng đi đường.
- Ngày 8: Dạo chơi ở Hồng Giang, đến chiều thuê xe về lại Hoài Hóa để 21h tối lên tàu về Nam Ninh
- Ngày 9: Đến Nam Ninh lúc 9h sáng, lại thuê phòng để đồ và đi mua sắm tại Nam Ninh để 17h chiều ra ga về Gia Lâm
- Ngày 10: Có mặt tại ga Gia Lâm lúc 6h sáng, kết thúc chuyến đi.
Địa điểm tham quan
- Thiên Môn Sơn: Đoàn mình đến Thiên Môn Sơn đúng hôm trời mù sương nên chẳng nhìn thấy được núi non gì hết. Giá vé là 261 tệ và bạn có 3 lựa chọn để lên núi: West line, Middle line, East line.
Đoàn mình chọn West line đi chỉ tốn 2 – 3 giờ tản bộ, đường khá ngắn và phù hợp đi trong một buổi chiều. Bạn sẽ lên bằng cáp treo, xuống bằng xe bus, có đi qua cầu kính giá 5 tệ/lần, đi thang máy ngầm trong núi xuống Cổng Trời.
Lưu ý là lượng khách xếp hàng lên thang máy rất rất đông, bạn nên căn thời gian đến trước mua vé xếp hàng khoảng 1- 2 tiếng cho chắc.
Trên núi có bán đồ ăn vặt kiểu xúc xích, nước ngọt nên cũng không lo đói đâu. Cảnh sắc trên núi rất đẹp dù bị sương mù khá dày. Quả cuối đi bằng xe bus từ trên núi xuống qua 99 khúc cua phải nói là phê.
- Cầu kính Trương Gia Giới: Đây là cây cầu đáy kính cao và dài nhất thế giới ở công viên quốc gia Trương Gia Giới, Hồ Nam, Trung Quốc mở cửa đón khách vào tháng 8/2016.
Cây cầu dài khoảng 430m, nằm trên độ cao 300m, vắt qua hai ngọn núi của Trương Gia Giới, bên dưới là vực thẳm. Giá vé vào riêng cầu kính là khoảng 200 tệ (khoảng 650 nghìn đồng).
- Phượng Hoàng cổ trấn: Đây gần như là tâm điểm của cả hành trình, và là một trong những nơi khiến mình yêu thích hơn cả Trương Gia Giới.
Cảm nhận đầu tiên khi đến: Quá đẹp. Trong cái se se lạnh của chiều mưa, những mái nhà cổ kính dần hiện ra trước mắt, chiếc cầu Hồng Kiều cong cong bắc ngang con sông Đà Giang uyển chuyển, những chiếc cầu gỗ, những dãy nhà san sát nhau dọc bờ sông…
- Hồng Giang cổ thương thành: Là một địa điểm còn khá mới mẻ đối với đa phần người du lịch tại Việt Nam.
Nơi này cách Phượng Hoàng cổ trấn khoảng 200km đường ô tô, nằm cạnh con sông Nguyên tuyệt đẹp. Sự cũ kĩ và cổ kính được bảo tồn một cách nguyên vẹn ở đây, kết hợp với nhịp sống chậm rãi và bình lặng của người dân, đã tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng cho Hồng Giang cổ thương thành.
Ăn uống
- Bên Trung Quốc có rất nhiều loại thịt xiên, rau củ quả xiên, thập cẩm xiên…Giá dao động từ 5 - 10 tệ mỗi loại.
- Đồ ăn Hồ Nam nói chung cực cay và mặn, đồng thời dân Trung Quốc họ ăn nhiều dầu mỡ và rất ít ăn rau.
Trong mấy ngày đi chơi đoàn mình cũng khốn khổ chuyện ăn uống nhiều nhiều. Có bữa ngon, cũng có bữa mặn hoặc cay xè không nuốt nổi, đã vậy còn không có rau. Vậy nên trước khi gọi bất cứ món ăn nào, bạn nhớ dặn họ là không ăn được cay và mặn để họ gia giảm nhé.
- Đến Phượng Hoàng nên ăn thử lẩu cá cay (hơi cay thôi nhé). Các quán ven sông đều có cả, cứ chọn một quán bất kì mà thưởng thức.
Đoàn mình lần này đi cũng lầy, thấy mấy bữa ăn ít rau quá, thế là ra chợ mua rau hết hẳn 14 tệ xong mang về khách sạn rửa.
Đến lúc đi ăn lẩu thì chọn lên tầng 2, xong gọi lẩu cá và nhúng rau của mình. Trung bình mỗi bữa nhóm mình gọi 1 nồi lẩu, thêm 2 - 3 món ăn cơm thì rơi vào tầm 160 - 200 tệ, chia ra cũng không phải là đắt.
- Buổi tối nếu đói có thể đi ăn đồ nướng chỗ cầu Hồng Kiều đi lên một chút, hai người gọi đồ cũng hết tầm 60 tệ, kiểu cánh gà, rau cải thảo, nấm hương, thịt bò, thịt lợn…
- Ăn nhậu hãy gọi bia Tsingtao nhé, uống vừa ngon vừa nhẹ.
- Ăn sáng thì có mỳ bò hoặc bánh bao, bánh màn thầu…Nói chung cứ thấy quán nào đông thì rẽ vào không sao đâu.
Nhiều món ăn đang chờ bạn khám phá.
Mua sắm
- Ở Phượng Hoàng cổ trấn bạn có thể mua mấy thứ này về làm quà hoặc dùng:
+ Thịt khô, lạp xường khô: Bán rất nhiều, kể cả gánh hàng rong hay trong cửa tiệm bao bì các kiểu. Giá đâu khoảng 45 - 50 tệ một gói thì phải. Mua về thái ra uống bia cũng rất hay.
+ Hài thêu: Cái này có vẻ rất được các chị em mê mệt. Kết quả là ngoài mua cho bản thân, em phải vác thêm về gần 20 đôi do nhiều người nhờ mua hộ quá. Có cả đế cao và đế thấp, buộc dây và không buộc dây nhé.
+ Ngoài ra còn có kiwi sấy khô 25 tệ, kẹo kéo tẩm gừng 10 tệ/gói mua về ăn vặt cũng ổn nhé.
- Ở Nam Ninh thì sầm uất hơn nhiều. Con đường lớn nhìn thẳng từ ga sang chính là trục đường mua sắm chính của thành phố luôn...Có thể rẽ vào các chợ bán buôn trên trục đường này luôn để mua tất, khăn…về làm quà. Nhớ là mua cái gì cũng phải mặc cả nhé, cứ mặc cả khoảng 30 - 40% thôi.
Lưu ý chống chỉ định với:
- Những bạn có tiền sử say tàu say xe, sức khỏe yếu kém… Chuyến đi này có tổng cộng 4 chuyến tàu, mỗi chuyến khoảng 12 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra là 3 lượt xe đi về mỗi chuyến khoảng 5 tiếng. Ngoài ra mỗi ngày bạn sẽ đi bộ liên tục khoảng 8 - 10 tiếng đồng hồ, trên mọi địa hình đồng bằng, núi cao…
- Những bạn chưa chuẩn bị đủ kinh phí. Hãy quên mấy cái bài review rẻ tiền kiểu "Đi Phượng Hoàng cổ trấn với 6 triệu đồng"… này nọ đi.
Trung Quốc là nơi có vé tham quan thuộc dạng siêu đắt, tiền tàu xe cũng ngốn thêm của bạn một khoảng kha khá nữa.
Bạn không biết mình sẽ phải đối mặt với điều gì khi hết tiền ở một đất nước xa lạ, không nói tiếng Anh đâu. Chuyến đi này mỗi người trong đoàn mình đêu tiêu hết xấp xỉ 3000 tệ (10 triệu đồng), chưa tính tiền mua sắm, làm visa...
- Một điều hết sức quan trọng nữa: Nhất định phải có người biết nói tiếng Trung trong đoàn. Chuyến đi này bọn mình gặp rất nhiều vấn đề trong chuyện thuê xe, đặt đổi vé tàu, đặt khách sạn…mà nếu không có một người biết tiếng Trung, khả năng chuyến đi gặp trở ngại là rất lớn.
Tất nhiên nếu thích bạn vẫn có thể đi Trung Quốc mà không cần tiếng Trung, nhưng lịch trình sẽ khó khăn gấp bội, và lúc gặp chuyện bạn sẽ cảm nhận được sự bất lực vì không ai hiểu mình, mình cũng không thể hiểu ai cả.
Cùng ngắm thêm những hình ảnh đẹp trong chuyến du lịch của Lilly Nguyễn và Hiệp Lê: