Bahrain trở thành quốc gia Arab thứ hai trong một tháng thực hiện bình thường hóa quan hệ với Israel, sau sau Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bất chấp phản đối của Palestine. Hôm 10/9, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố thông tin về thỏa thuận Israel-Bahrain với vai trò trung gian dàn xếp của Mỹ và gọi đây là bước “đột phá lịch sử” giúp Trung Đông hòa bình hơn.
Theo mạng tin Axios, đây không phải là diễn biến quá bất ngờ, bởi ngay tại thời điểm thông báo thỏa thuận hòa bình Israel - UAE hôm 13/8, đã xuất hiện những thông tin cho rằng Bahrain sẽ là nước kế tiếp nối bước UAE.
Thực chất, chỉ ít giờ sau khi ông Trump công bố UAE và Israel bình thường hóa quan hệ ngoại giao, một quan chức cao cấp của Bahrain đã điện đàm với cố vấn cấp cao Jared Kushner, đặc phái viên Nhà Trắng về Trung Đông Avi Berkowitz để chuyển đi thông điệp “Bahrain muốn là nước tiếp theo”.
Nhìn rộng ra, Israel và Bahrain đã không để quan hệ bị đứt quãng trong suốt hơn hai thập kỉ qua. Tuy không thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng chính quyền Israel vẫn duy trì tiếp xúc với Bahrain thông qua các cuộc tiếp xúc cả bí mật lẫn công khai.
Kết nối ngoại giao chính thức được khởi động từ đầu những năm 2000, với việc Hoàng thái tử Salman bin Hamad Al-Khalifa mở cuộc tiếp xúc với giới chức Israel bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong năm 2000 và 2003. Ngoại trưởng Israel và người đồng cấp Bahrain đã gặp song phương tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York trong năm 2007. Kế đến là cuộc gặp kín giữa Tổng thống Israel Shimon Peres và Quốc vương Bahrain ở New York bên lề một sự kiện tại Liên hợp quốc năm 2009.
Cũng trong năm 2009, Bahrain đã cử một phái đoàn chính thức tới Israel để tiếp nhận một nhóm công dân bị phía Israel bắt giữ. Đến tháng 9/2016, Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al-Khalifa sang Israel dự lễ viếng ông Shimon Peres, một động thái được cho là bất ngờ, khiến Bahrain bị dư luận Arab chỉ trích mạnh.
Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz (trái) và người đồng cấp Bahrain Khalid bin Ahmed Al-Khalifa gặp nhau nhân một sự kiện tại Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 7/2019. Ảnh: Timesofisrael
Tháng 6/2019, Bahrain đăng cai tổ chức hội nghị, giới thiệu bản kế hoạch kinh tế nằm trong tổng thế “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” do chính quyền Mỹ xây dựng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn chưa có tiền lệ với tờ “Thời báo Israel” (Times of Israel), Ngoại trưởng Bahrain khẳng định Israel là một phần của di sản khu vực.
Tuy nhiên, theo Axios, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel-Bahrain phần lớn được tạo dựng trong quãng thời gian 29 ngày đàm phán con thoi, kể từ hôm 13/8. Đây là mốc thời gian đánh dấu hoạt động tiếp xúc dồn dập giữa hai bên thông qua vai trò trung gian của Mỹ.
Ngoài ông Berkowitz và Kushner, nhiều quan chức Mỹ khác cũng tham gia tiến trình này, nổi bật là Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, Đại phái viên Mỹ về Iran Brian Hook, giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Miguel Correa, Đại sứ Mỹ tại Israel David Friedman.
Cố vấn Kushner, ông Berkowitz cùng giới chức Mỹ điện đàm với Hoàng thái tử Bahrain Salman bin Hamad Al-Khalifa, cùng các cố vấn hàng đầu của Hoàng gia và Đại sứ Bahrain tại Washington. Về phía Israel, các cuộc tiếp xúc được thực hiện thông qua Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer. Cá nhân Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng can dự chặt chẽ.
Ngày 30/8, trong chuyến đi tới Israel, ông Kushner và Berkowitz đã thông báo vắn tắt trước thủ tướng Netanyahu, cùng Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz và Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi về những bước đột phá trong thảo luận với Bahrain.
Ngày 3/9, ông Kushner dẫn đầu phái đoàn Mỹ thăm Bahrain. Một nguồn thạo tin cho biết để chuẩn bị cho sự kiện này, đích thân ông Kushner đã bỏ tiền túi để mua một cuốn kinh Do Thái (Torah) làm quà tặng Quốc vương Hamad Bin Isa Al-Khalifa. Chính ông Berkowitz sau đó là người thực hiện nghi lễ tặng quà này.
Các cuộc thảo luận với Quốc vương và Hoàng thái tử Bahrain ở Manama đã tạo ra bước đà mới. Chính ông Kushner tại thời điểm đó cảm nhận được rằng có thể thiết lập ngay thỏa thuận, nhưng cố vấn Nhà Trắng đã quyết định chờ đợi thêm thời gian để có thể đi vào các vấn đề chi tiết.
Những ngày sau đó, ông Kushner và Berkowitz tiếp tục điện đàm với Hoàng thái tử Bahrain, nhóm cố vấn Hoàng gia và Đại sứ Dermer. Một nguồn thạo tin cho biết phía Mỹ muốn hoàn tất đàm phán trước thời điểm diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hòa bình Israel - UAE tại Nhà Trắng vào ngày 15/9, để kịp ký hai thỏa thuận trong cùng một ngày.
Theo tính toán của chính quyền Mỹ, nếu hai quốc gia Arab cùng ký thỏa thuận hòa bình với Israel trong cùng một thời điểm, thông điệp mà Mỹ muốn chuyển tải tới khu vực và thế giới sẽ có sức nặng lớn hơn, tạo tiếng vang lớn hơn.