Chuyển đổi số nền nông nghiệp: Câu chuyện của sự phát triển bền vững

Vũ Phường |

Chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh cho nông sản Việt.

Theo các chuyên gia, nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với 3 thách thức chính, là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng thế giới. Đứng trước những thách thức này, cộng thêm những khó khăn về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, thì phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi số là việc làm cấp thiết và cần đẩy nhanh.

Chuyển đổi số nền nông nghiệp: Câu chuyện của sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Câu chuyện của sự phát triển bền vững

Bắt đầu từ đâu?

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang thực hiện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030. Theo đó, trọng tâm của chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Bởi vậy, chuyển đổi số phải chuyển đổi nhận thức của người dân, lấy người dân là trung tâm của việc chuyển đổi số. Đối với ngành nông nghiệp, chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân. Người dân là chủ thể, tiến tới thành lập các HTX dịch vụ nông nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là cho các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, các hộ đăng ký kinh doanh, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) kết hợp với công ty Sorimachi (Nhật Bản) triển khai 2 phần mềm: Phần mềm “Nhật ký sản xuất Face Farm” và Phần mềm “Kế toán hợp tác xã”, hỗ trợ miễn phí đến hết tháng 6/2023.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, công tác quản lý của các HTX Việt Nam hiện nay vẫn chưa được quy củ, minh bạch; quy mô còn nhỏ; năng lực quản trị còn hạn chế. Để khắc phục những tồn tại đó, Việt Nam đang tập trung hỗ trợ các HTX bằng 4 chính sách lớn: Năng cao năng lực thông qua đào tạo và chuyển giao; Hỗ trợ phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng thương mại như chế biến, bảo quản; Chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ quy trình sản xuất an toàn; Những chính sách liên quan xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiếp cận thị trường cho các HTX.

Do đó, đây là bước đầu và là bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số của nền nông nghiệp Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển một nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm và phát triển bền vững, ông Thịnh nhận định.

Theo ông Takahashi Akihiko, TGĐ Công ty Sorimachi, để thực hiện được những mục tiêu đó, cần sự hợp tác 3 bên giữa Chính phủ Việt Nam, các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp để nâng tầm cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Chuyển đổi số nền nông nghiệp: Câu chuyện của sự phát triển bền vững - Ảnh 3.

Chuyển đổi số, ứng dụng KHCN vào sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản Việt

Nông dân cũng phải… “4.0”

Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn giúp các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Đây là xu hướng tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng cho rằng, đối với nền nông nghiệp công nghệ cao, trong thời đại công nghiệp 4.0, làm nông nghiệp có thể không cần phải đầu tư và sở hữu nhiều đất, mà có thể tận dụng thế mạnh của nền kinh tế liên kết, kinh tế chia sẻ. Bộ trưởng Hoan cho rằng, ngoài hướng tập trung tích tụ đất đai hướng tới tăng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nông nghiệp cao, vẫn có những phương thức tập trung đất đai mềm, thích ứng với từng điều kiện ở từng địa phương, kết hợp nguồn lực nhà nước với nguồn lực xã hội để cùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, nền nông nghiệp cần chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp sinh thái để tạo ra giá trị xây dựng, xây dựng nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững. Đó cũng là hướng tiếp cận mới mang tính chiến lược mà chúng ta cần định hướng triển khai.

Theo ông Phạm Văn Kiên, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), ngành nông nghiệp cần áp dụng các giải pháp đồng bộ để thực hiện chuyển đổi số, như: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống tưới tự động, tem truy xuất nguồn gốc QR code...

Việc này giúp các HTX giảm tới 90% chi phí sử dụng nhân công, năng suất đạt cao hơn từ 15 đến 20% so với những mô hình sản xuất thông thường. Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp cho HTX mở rộng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và sự tương tác của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của HTX.

Chuyển đổi số nền nông nghiệp: Câu chuyện của sự phát triển bền vững - Ảnh 4.

Thương mại điện tử đang phát triển nhanh trong giai đoạn gần đây, giúp giảm thiểu các khâu trung gian

Ông Trần Huy Đường, Giám đốc công ty TNHH trang trại Langbiang (Lâm Đồng) cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân ứng dụng chuyển đổi số và đã gặt hái thành công, tạo ra các nông sản chất lượng cao, giá thành hạ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm... Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã làm "thay da đổi thịt" nông nghiệp như sử dụng công nghệ internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản và hợp lý hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp bằng các cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu Big data...

Hiện nay, các công nhân chỉ ngồi văn phòng "thăm" vườn, đọc dữ liệu quan trắc khí tượng, điều khiển nước tưới, phân bón, dinh dưỡng, độ ẩm, vừa không phải sử dụng nhiều sức lao động, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, ông Đường cho hay.

Theo các chuyên gia, ngoài việc ứng dụng KHCN để tạo ra chất lượng nông sản cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nông nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, HTX với các nhà cung ứng dịch vụ thương mại điện tử để nhanh chóng hòa cùng dòng chảy chung của thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng.

Mặt khác, sự kết nối chuỗi cung ứng ngắn từ sản xuất đến người tiêu dùng đã và đang trở thành "chìa khóa" hiện thực hóa mô hình quản trị nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam thông qua các sàn Postmart (Bưu điện), shopee, Tiki, Lazada,… Doanh nghiệp phải bắt tay nhau tạo ra giải pháp toàn diện, chỉ dẫn cho người nông dân, mở đường cho hoạt động giao thương của người bán trở nên thuận lợi hơn, tránh tình trạng phụ thuộc hoàn toàn vào một số đơn vị hay phải qua nhiều khâu trung gian.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại