Ở nơi xứ miệt vườn vùng Giá Rai (Bạc Liêu), người đàn ông có nước da ngăm đen, lối nói chuyện cởi mở gây ấn tượng với nhiều người ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên.
Đó là ông Phạm Văn Thắng, ở vùng quê nghèo ấp 19, xã Phong Thạnh, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Nhiều năm qua, bất kể lúc làm ăn có lãi hay thua lỗ, ông Thắng luôn giúp người nghèo bằng tất cả tấm lòng.
Bởi, hơn ai hết, bản thân ông từng quá thầm nhuần sự nghèo đói trong tủi hổ. Sự nghèo đói của ông được đúc kết qua câu nói: “Đến người thân trong gia đình chết đi cũng không có đủ tiền mua một chiếc hòm đưa tang”.
Không có đất sản xuất, từ nhỏ ông Thắng đã phải đi làm thuê kiếm sống nên không được học hành đến nơi đến chốn. Bốn người em của ông chỉ học đến lớp 3, lớp 4, riêng ông cố gắng học được hết lớp 8.
Với vốn kiến thức ít ỏi, không có nghề nghiệp ổn định, không đất đai dù ở giữa vùng sản xuất nông nghiệp. Khi lập gia đình, sinh con, cuộc sống càng thêm khó khăn, ông Thắng phải vay mượn tiền người quen để đi thu mua tôm.
Khoảng năm 2001, tình trạng bơm tạp chất vào tôm nở rộ nên ông Thắng không tránh khỏi vòng xoáy thị trường tôm ngày đó. Bị cơ quan chức năng bắt, tịch thu nhiều lần dẫn đến hết vốn, nợ nần chồng chất, phải bỏ xứ ra đi.
“Hồi đó, trong lúc không lối thoát, tôi đã dắt vợ con đi Hà Tiên (Kiên Giang) thuê căn chòi nhỏ sống. Hàng ngày ai kêu gì làm nấy, cuộc sống lúc đó còn khó khăn hơn cả cha mẹ tôi ngày xưa”, ông tâm sự.
Cuộc sống phiêu bạt, bấp bênh theo người đàn ông xứ bưng biền kéo dài hơn 4 năm ở vùng đất Hà Tiên. Buồn và tuyệt vọng, ông quyết định quay về quê làm lại từ đầu.
Năm 2007, trở về quê và được tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng, ông Thắng trở lại nghề thu mua tôm nguyên liệu.
Nhờ cần cù, chịu khó, công việc làm ăn ngày càng phát đạt, ông thành lập công ty tư nhân chuyên thu mua và sơ chế tôm nguyên liệu. Cơ sở của ông đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nghèo ở địa phương.
“Những người làm cho tôi đều là dân nghèo, chủ yếu là làm công nhật. Do đó, những lúc khan hiếm tôm nguyên liệu tôi ăn ngủ không yên vì bà con không có việc làm.
Tôi phải tìm mọi cách, liên hệ nhiều nơi để có tôm cho bà con làm để kiếm sống”, ông kể.
Quá trình làm việc với những công nhân nghèo, ông Thắng càng thêm thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của họ nên sẵn sàng giúp đỡ vô điều kiện.
Ở trong xóm, nhà nào nghèo không tiền chữa bệnh ông đều chủ động giúp, hay lúc có hữu sự mà không tiền mua hàng gương ông cũng sẵn sàng giúp đỡ.
“Không chỉ ở xóm, tôi đi đâu thấy nhà nào có đám tang nghèo đều tự động ghé cho tiền.
Điều đó xuất phát từ tấm lòng của tôi. Ngay cả khi đi đám, tôi luôn chọn bàn có nhiều người nghèo ngồi chung để hỏi han, chia sẽ, thấy cần thiết thì giúp đỡ.
Bởi vì thấy hoàn cảnh của họ tôi nhớ đến những ngày tháng cơ cực của gia đình tôi”, ông bộc bạch.
Hàng năm, vào dịp Tết, ông Thắng đều tổ chức buổi tiệc cho hàng trăm người nghèo, rồi tặng mỗi người một suất quà ăn Tết.
Vừa qua, ông đã tổ chức buổi tiệc cho khoảng 400 người nghèo địa phương với 400 suất quà. “Dù tổ chức tiệc rất tốn kém nhưng tôi muốn thể hiện sự tôn trọng khi tặng quà cho bà con.
Để bà con thoải mái, không có cảm giác mặc cảm khi nhận quà từ thiện. Sau khi ăn tiệc xong, tôi trân trọng gửi cho mỗi người một suất quà mang về.
Làm được việc đó cho bà con tôi cảm thấy rất thanh thản và hành phúc sau một năm lao động cực nhọc”, ông nói.
Không chỉ làm từ thiện ở quê nhà, mà ở đâu có người khó khăn, chính quyền kêu gọi giúp đỡ, ông Thắng đều sẵn lòng trong điều kiện có thể.
Ông cho biết, trong năm qua, do giá tôm tăng giảm thất thường nên doanh nghiệp của ông bị lỗ lã. Mặc dù vậy ông vẫn không quên làm từ thiện, giúp người nghèo ít quà ăn Tết.
“Doanh nghiệp của tôi không lớn, không thuộc diện giàu có gì. Mục tiêu của tôi là cố gắng làm ăn để nuôi sống gia đình, giúp đỡ anh em trong nhà có cuộc sống ổn định và có tiền làm từ thiện. Có nhiều thì giúp nhiều, có ít giúp ít.
Tôi luôn coi việc làm từ thiện là niềm vui và động lực để tôi phấn đấu làm ăn”, ông nói. Giờ khi cuộc sống tạm thời đủ đầy nhưng ông không bao giờ quên được thuở cơ hàn năm nao.
Ông bảo, cuộc sống này nên biết chia sẻ, bởi bản thân quá hiểu cảnh người dân sống trong hoàn cảnh cơ cực như thế nào.
Đồng thời, thông qua những việc làm từ thiện, ông cũng muốn tích phúc đức cho con cái sau này, dạy cho con cái những bài học về sự yêu thương, sẻ chia.