Tuần trước em dâu tôi mới sinh em bé đầu lòng, khỏi phải nói ông bà nội mừng đến thế nào. Bà thì chạy ra chạy vô sờ má cháu nội, ông thì đứng nhìn rồi cười khà khà như ông tiên. Bế cháu trên tay, mẹ tôi vừa nựng vừa tâm sự:
"Hồi xưa sinh chúng bay giá mà được tiện nghi như bây giờ thì tốt biết mấy. Lấy chồng sớm, lại chẳng có sách vở dạy dỗ gì, lúc mang bầu mày mẹ còn chẳng biết nữa là chăm sóc bồi bổ. Sinh đứa con tưởng dễ mà cũng lắm nhiêu khê".
Nhọc nhằn chuyện sinh nở
"Ngày ấy sát ngày sinh rồi mẹ vẫn còn lì lắm, bụng vượt mặt nhưng vẫn nằng nặc làm ngoài xưởng. Đến chiều tự nhiên nhâm nhẩm đau thì mấy bác làm cùng mới hò đưa mẹ đi ra trạm xá. Lúc đấy còn chẳng có xe máy, xe đạp thì không đèo nổi, các bác mới chế một cái cáng rồi khiêng mẹ đi.
May mà không đẻ rơi, bố mày thì về quê lo cho bà ốm chưa kịp lên, mẹ mày tự sinh một mình đấy." - Mẹ tôi chậm rãi kể.
Một trạm xá điển hình thời bấy giờ (Ảnh: Internet).
"Giờ nghĩ lại thì đúng là chưa bao giờ liều như thế, có độc bộ quần áo trên người, không tiền không quần áo sơ sinh. Đến nơi đã đau vã mồ hôi hột rồi mẹ còn bị mắng, y tá trưởng cứ xa xả mắng rồi lại quát: cởi ra, nằm xuống, hít thở chứ không có chuyện nhẹ nhàng đâu.
Cả đời không quên được cái giường bệnh viện, chúng mày cứ biết giường sắt không đệm đã lạnh lẽo thế nào rồi, mà đây lại thêm cái chiếu bẩn. Vừa ngứa vừa khó chịu, thân thể cứ như bị vặn xoắn từng hồi từng hồi không còn phân biệt nổi là đau vì cái gì nữa.
Cũng may mà đẻ thằng đầu tiên dễ đấy, bế con trên tay mà người bã ra như cái khăn bị vắt kiệt nước. Lúc đấy bác Sang con nhà bà trẻ mới tất tả xách phích nước, tã xô rồi nào cốc nào chậu đến cho mẹ".
Tã bằng vải xô và phích Rạng Đông đỏ rượu - Hai vật bất ly thân của phụ nữ đi đẻ (Ảnh: Internet).
Ám ảnh chuyện ngày xưa nên trước khi sinh cháu một tháng đã giục em dâu nghỉ làm ở nhà dưỡng thai rồi sốt sắng kéo cả nhà vào viện túc trực. Tính bà là thế, dù đã có ba đứa cháu rồi nhưng chưa bao giờ quên chuyện đi đẻ cáng năm nào.
Sự cố trao nhầm con
Mẹ tôi sinh anh cả ở trạm xá, đến khi tôi ra đời thì cả nhà đã chuyển ra thành phố rồi. Ba mấy năm nay bà vẫn nhắc về sự cố trao nhầm con như một dấu mốc lịch sử.
Các y tá đang chăm em bé sinh thiếu tháng (Ảnh: Internet).
Bệnh viện thành phố nên một ngày biết bao nhiêu đứa trẻ ra đời, tôi thì còi dí còi dị được có hai cân ba. Sinh xong mẹ đã kịp đặt tên đâu, nghĩ bừa tên là Thanh để người ta điền vào giấy chứng sinh.
Được hai ngày, trong lúc mẹ tôi nằm nghỉ thì bà nội để y tá bế tôi đi tắm. Đến khi mẹ tôi tỉnh dậy đòi bế con thì bà nhảy dựng lên: "Đây không phải Thanh tèo nhà tôi!", rồi bà đi khắp lượt soi xét mấy đứa trẻ trong phòng.
"Tã nhà tôi cái nào cũng thêu hai chữ X màu đỏ, con bé có cái vệt hồng hồng sau gáy chứ đây không có. Các chị xem lại hết lượt đi trời ơi con tôi...". Mẹ tôi bù lu bù loa lên rồi cả y tá y sĩ đi tìm khắp khoa sản. May mắn làm sao nhà kia cũng vừa mới nhận ra là nhầm con, hai mẹ hớt hơ hớt hải như kẻ mất hồn trao lại con giữa hành lang bệnh viện mà nước mắt ngắn nước mắt dài...
Không có thẻ tên cho mẹ và bé như bây giờ nên nhầm lẫn hoàn toàn có nguy cơ xảy ra (Ảnh: Internet).
Bác sĩ, y tá ngày đấy cũng khổ lắm, phải bóc lạc, dán bao bì cao sao vàng, dầu con hổ để kiếm thêm thu nhập. Thiết bị thì thiếu thốn đủ bề chứ không được hiện đại như bây giờ, càng không có các gói dịch vụ từ thường đến VIP. Trách người ta không tập trung vào công việc thì biết trách đến bao giờ...
Sinh con với các gói dịch vụ và thiết bị hiện đại gần như là không tưởng với các bà mẹ thời ấy (Ảnh: Internet).
"Mẹ còn may đấy, chứ có những nhà hơn bốn mươi năm không tìm được con đẻ thì người ta biết sống sao. Chuyện nhầm con không phải hiếm, có khi là vô tình nhầm, còn có khi là cố tình tráo con gái lấy con trai cũng khó mà biết được.
Nhìn mấy đứa chúng mày giờ đi sinh hiện đại quá, vòng tay có số hiệu, tên mẹ tên con đủ cả nên tao cũng an tâm. Sinh con ra còn biết chính xác đến từng phút, thế so với thời mẹ là quá hạnh phúc rồi!" - Bố tôi trầm giọng.
Chỉ được bốn lon sữa tiêu chuẩn!
Sinh xong thì hậu sản, máu ra rất nhiều. Giờ còn có băng vệ sinh mà dùng chứ xưa thì hoàn toàn chỉ có vải xô thôi. Cứ gấp thành miếng thấm hết thì lại phải giặt. Sinh con vào mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè nóng bức khó chịu, vừa thiếu vệ sinh vừa bức bối. Thế mà vẫn sống, vẫn qua được cái thời ấy mới tài.
Sữa Thảo Nguyên, loại sữa quý giá có tiền cũng không mua được (Ảnh: Internet).
"Chúng bay bây giờ cứ gọi là như ông hoàng bà chúa, mẹ mày đẻ ba anh em vào cái thời tiêu chuẩn chỉ có bốn hộp sữa đặc một tháng thôi. Mà đấy là còn phải xin xỏ mãi mới được cái suất trẻ sơ sinh thành thị có mẹ bị mất sữa một phần mới được phiếu B đấy.
Giờ thì trăm ngàn loại sữa nội ngoại, chỉ sợ không có tiền mua, chứ xưa thì một lon sữa bò, sữa Thảo Nguyên của nông trường Mộc Châu là tốt lắm, tốt đến phát khóc rồi ấy. Dẫu có vón cục, có đọng lại cả nửa ở dưới là đường thì vẫn cứ là ước ao.
Mỗi lần pha là phải bóc hết lớp vỏ ngoài đi, rồi luộc kỹ, luộc mãi rồi mới đục hai lỗ, rót ra một chút dính đáy bình, thêm đường thêm nước sôi. Gọi là sữa cho sang mồm chứ chỉ được tí màu thôi mấy đứa ạ".
Khó khăn thiếu thốn trăm bề, bố tôi thở dài bảo kể đến vài năm nữa cũng không hết. "Lắm khi đến năm mới hỏi thằng Đoàn, cái Thanh, thằng Vinh có điều ước gì, chúng nó chỉ ước bị ốm, ốm thì sẽ được cân đường hộp sữa đến thăm.
Nghĩ mà vừa thương vừa giận, nhưng bố mẹ nào có thay đổi được thời thế! Sinh con thì vất vả, nuôi con còn khổ hơn. Thế mà rau cháo qua ngày rồi cũng êm đẹp cả...".