Với nhiều người, chuyển đến nhà mới là một điều tuyệt vời với vô số những điều mới mẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy. Mới đây, chia sẻ của một người phụ nữ ở bang Perak của Malaysia đã khiến cho nhiều người rùng mình sợ hãi.
Chuyển đến nhà mới được 3 tuần, cô gái chưa kịp mừng đã tá hỏa với "vấn nạn ruồi"
Thông tin trên tờ World Of Buzz của Malaysia, mới đây một phụ nữ tên là Farah đã lên MXH để chia sẻ câu chuyện của bản thân, qua đó cũng nhờ cộng đồng mạng có thể "mách nước" cho cô cách giải quyết vấn đề khiến cả gia đình cô đang phải đau đầu.
Theo đó, Farah tâm sự rằng gia đình cô mới chuyển đến căn nhà mới ở bang Perak này được có 3 tuần thôi, nhưng đã vô cùng sốc khi thấy ở đây nhiều ruồi đến mức đáng sợ. Từ hình ảnh người phụ nữ chia sẻ, có thể thấy phải có hàng nghìn con ruồi xuất hiện. Và dù cô đã dùng tới 30 tấm bẫy ruồi, hầu như tấm nào cũng kín đặc mà vẫn chưa hết, vẫn có những con ruồi đậu trên khung cửa sổ. Thậm chí cô còn không dám mở cửa vì sợ ruồi sẽ bay vào nhà.
Farah cho biết cô cũng áp dụng cả các biện pháp khác, ví dụ như lau sàn nhà bằng nước có mùi sả hoặc đốt nến có mùi sả nhưng hiệu quả vẫn khá hạn chế, vì lũ ruồi vẫn sẽ quay lại.
"Tôi quá là đau đầu với những con ruồi này. Mỗi ngày tôi phải dùng tới hơn 30 miếng bẫy dính rồi. Tôi cũng dùng thử nước lau sàn có mùi sả và cả nến có mùi sả nữa, nhưng cũng chỉ có tác dụng phần nào thôi, và lũ ruồi sau đó vẫn quay lại", Farah viết.
Ngoài ra, người phụ nữ chia sẻ thêm rằng ban đầu cô nghĩ chỉ mỗi nhà mình bị như vậy, nhưng hóa ra những người hàng xóm của cô cũng chịu cảnh ngộ tương tự.
Farah đoán rằng nguyên nhân có thể là do khu vực họ sinh sống ở gần một đồn điền cọ và một trang trại nuôi gà.
Khi câu chuyện của Farah trở nên viral trên MXH với gần 1 triệu lượt xem, đã có rất nhiều người vào bình luận bày tỏ sự đồng cảm với cô.
"Tôi tưởng chỉ mỗi gia đình mình phải chịu vấn nạn này, hôm nay hóa ra cũng có người giống mình rồi", một netizen viết.
"Một hôm, khi sang nhà hàng xóm, tôi đã thấy rằng ở đó nhiều ruồi đến mức chúng còn ngã cả vào cốc nước uống của mọi người", một người khác chia sẻ trải nghiệm tương tự.
"Có lẽ cô nên chuyển đến nơi khác sinh sống đi, chứ thế này thì ghê quá", một người nữa bình luận.
Diệt ruồi thế nào cho hiệu quả?
Hiện Farah đang không biết phải giải quyết vấn đề này như thế nào nên đã lên MXH để cầu cứu các netizen. Một số người cho rằng nếu ngày nào cô cũng dùng bẫy dính ruồi như vậy thì vấn đề sẽ được giải quyết thôi.
"Tôi đoán là nếu cả khu vực ấy, gia đình nào mỗi ngày cũng dùng tới 30 chiếc bẫy dính ruồi thì cuối cùng vấn đề sẽ được giải quyết. Vì lũ ruồi làm sao có thể sinh sôi nhanh đến thế được?", một người viết.
"Nếu quả thực tình trạng tồi tệ đến như vậy thì người dân nên khiếu nại với chính quyền để họ yêu cầu trang trại gà kia có những phương án tăng cường giải quyết để bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường", một người đưa ra cách giải quyết tận gốc vấn đề.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nếu gia đình bạn cũng gặp phải vấn nạn ruồi thì dưới đây là những cách giải quyết hiệu quả mà bạn có thể áp dụng.
1. Dùng bẫy dính ruồi
Chính là cách mà chị Farah đang áp dụng. Ưu điểm của phương pháp này là chi phí rẻ, hiệu quả cao và an toàn cho con người cũng như vật nuôi.
2. Bẫy ruồi làm từ mật ong và xà phòng
Bạn hha nước cùng với xà phòng, sau đó, cho thêm mật ong vào trong một chiếc chén lớn. Bạn đặt chén đựng hỗn hợp này vào nơi ruồi thường tập trung đến và quan sát kết quả mà mình nhận được. Mật ong sẽ có tác dụng thu hút sự chú ý của ruồi, còn xà phòng sẽ khiến chúng mắc bẫy và không thể thoát ra được.
3. Làm bẫy ruồi bằng chai nhựa và mật ong hoặc đường và chuối chín
Bạn sử dụng lại những chai nhựa cũ, bạn cắt một phần ba chai nhựa, quay đầu chai nhựa xuống dưới đáy. Tiếp theo, bạn cho một ít mật ong, hoặc đường và nửa quả chuối dưới đáy chai, ruồi rất dễ bị thu hút bởi những hợp này và dễ dàng bị sa bẫy.
4. Dùng giấm táo
Bạn đổ một ít giấm vào cốc, hòa thêm chút nước rửa bát, mùi thơm chua của giấm táo sẽ thu hút ruồi. Vì vậy, sau khi hoà trộn bạn đặt lên trên miệng cốc một chiếc phễu nhựa, phễu có lỗ đủ lớn để ruồi chui vào nhưng khó để trốn thoát. Khi mắc kẹt ở trong cốc xà phòng sẽ tiêu diệt chúng.
Ngoài ra, để hạn chế việc ruồi sinh sôi, bạn cần giữ cho không gian sinh sống luôn sạch sẽ. Cụ thể, bạn cần dọn dẹp những thức ăn thừa, sau khi ăn nên rửa sạch chén bát, không để quá lâu vì ruồi sẽ đánh hơi và bay đến.
Bên cạnh đó, bạn hãy sử dụng những thùng đựng rác có nắp đậy để không thu hút ruồi và cho những thức ăn, thực phẩm bảo quản kỹ lưỡng trong tủ lạnh.