Cái chết đau lòng
Bác sĩ Trung chia sẻ, một nữ đồng nghiệp anh tháng trước phải vĩnh biệt đứa con gái 11 tuổi. Trước khi qua đời, bé vẫn khoẻ mạnh, tung tăng và chơi cùng mẹ. Mẹ bé là bác sĩ chuyên khoa về hô hấp.
"Bé mất đột ngột vì một lý do rất vô lý. Vô lý đến mức không chấp nhận được. Vô lý đến mức người mẹ không dám đối diện với sự thật. Người mẹ không dám nhớ, không dám nghĩ rằng tử thần đã mượn tay của mẹ để lấy đi sinh mạng của con.
Và không phải chỉ một bà mẹ đau khổ như vậy mà có thể đã có rất nhiều bà mẹ như vậy. Chính sự đau khổ, cố giấu sự thật sẽ tiếp tục mở cửa cho những cái chết và sự đau khổ tương tự cho những đứa con và những bà mẹ khác" – bác sĩ Trung viết.
Hạt trân châu dẻo, dai dễ hóc
Câu chuyện đau lòng xảy ra khi hai mẹ con vui vẻ cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Đây là món ăn vặt ngon cả hai mẹ con bé cùng thích.
Hạt trân châu bằng bột, dẻo dẻo, dai dai, dính dính. Nước trà sữa ngọt ngào, thơm ngon. Chiếc ống hút to bự để hút trà sữa cùng những hạt trân châu vào miệng.
Khi đang hút thì có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở. Bé chới với vì nghẹn thở. Bé không thể hít vào hay thở ra.
Thấy bé bị dị vật, mẹ bé thực hiện mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Nghiệm pháp Heimlich cũng vô hiệu. Hạt bột dính chứ không trơn như hột me hay hòn bi. Người mẹ không thể làm gì trong cơn hoảng loạn đó.
Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé không còn cơ hội sống.
"Có lẽ nỗi đau này sẽ còn kéo dài đến vô tận cho người mẹ. Tôi có lỗi khi chạm vào nỗi đau của bạn tôi nhưng tôi sẽ có lỗi nhiều hơn khi không cảnh báo cho mọi người về tai nạn chết người này".
Cuối câu chuyện bác sĩ Trung cho rằng nên đề phòng bằng và hãy cảnh giác với ống hút và hạt bột trân châu.
Dị vật đường thở nguy hiểm như thế nào?
Dị vật đường thở hay gặp là hạt lạc, ngô, hạt dưa, hạt na, hạt chôm chôm, hạt nhãn, mẩu xương, đốt xương cá, đồ chơi… Dị vật đường thở xảy ra do ăn uống bị sặc, nghẹn, chất nôn trào ngược vào đường thở và vô cùng nguy hiểm vì gây bít tắc đường thở bệnh nhân có thể tử vong ngay do không thở được.
Khi bị hóc, nghẽn đường thở, người bị nạn thường có những biểu hiện ho sặc sụa, tím tái mặt mày, khó thở do dị vật mắc vào thanh quản. Nhiều trường hợp giãy giụa, mặt đỏ bừng, ngã vật xuống vì thiếu ôxy.
Khi hóc dị vật cần tránh cố gắng móc dị vật ra khỏi miệng vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn.
Sơ cứu bằng thủ thuật Heimlich
Thủ thuật Heimlich là thủ thuật dùng để cấp cứu khi có dị vật lọt vào đường thở và choán gần hết diện tích của đường thở. Nguyên tắc của Heimlich là tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài.
Việc sơ cứu khi hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ không nguy hiểm đến tính mạng. Nếu không kịp thời chỉ sau 5 phút, dị vật chèn đường thở sẽ dẫn tới ngừng thở, suy hô hấp.... Với vật có hình dáng góc cạnh cần có sự can thiệp của các bác sĩ chuyên khoa Tai - Mũi - Họng.
Để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra. Cần làm động tác nhanh và dứt khoát.
Khi nạn nhân ngã xuống phải lật nghiêng người hoặc nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Sau đó lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép dùng 2 - 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa.
* Với trẻ nhỏ:
Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi cần đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên một cánh tay, dùng lòng bàn tay kia vỗ lưng 5 lần mạnh và nhanh vùng giữa 2 xương bả vai, sau đó lật ngửa trẻ lại. Nếu còn khó thở, dùng 2 ngón tay ấn ngực 5 lần. Trẻ 5 – 7 tuổi thì đặt em bé vắt qua đùi, vỗ 5 cái vào vùng lưng phía sau phía trên ngực.
Trong trường hợp như trên nữa mọi biện pháp sơ cứu đều vô hiệu hoá, bác sĩ Trung cho rằng dù "hơi mạnh tay" nhưng chúng ta cũng nên tự cứu con mình bằng cách dùng vỏ bút bi vót nhọn và chọc thủng vào vùng hõm ức để thông đường thở cho nạn nhân và nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu.