Liêm Pha - võ tướng hết lòng vì quốc gia
Đời Huệ Văn Vương nước Triệu, thời Chiến quốc ở Trung Hoa, có một danh tướng là Liêm Pha.
Liêm Pha sinh vào khoảng năm 327 TCN trong một gia đình võ tướng. Lớn lên theo nghiệp nhà, ông học binh pháp và các phép bắn cung, cưỡi ngựa, múa đao... Ông gia nhập quân đội từ năm 18 tuổi, tỏ ra gan dạ, quyết đoán và có nhiều chiến công nên sớm được thăng chức.
Hơn nửa thế kỷ Nam chinh Bắc chiến, ông từng cầm quân xông pha mũi tên hòn đạn hàng trăm trận, đời binh nghiệp của ông chói lọi chiến tích. Để bảo vệ đất nước, có lần ông phải bán cả gia tài để mộ quân cảm tử chống quân Tần.
Ông đã thắng quân Tần hùng mạnh nhiều trận. Đối với các nước như Yên, Ngụy nếu phá bỏ minh ước, xâm phạm đất Triệu đều bị ông dạy cho những bài học đắt giá, nhưng sau đó lại cho giảng hoà, trả tù binh... Chức vụ cao nhất ở Triệu là ông từng được phong làm tướng quốc sau khi Bình Nguyên quân mất.
Liêm Pha là người cương trực, khảng khái, tướng sĩ dưới quyền rất kính trọng, vua Triệu và triều thần cũng đánh giá ông rất cao. Người thời đó truyền tụng rằng ông thuộc nhân dạng sư hình (hình dáng tựa sư tử):
Sư chấn sơn hà tá chủ trung
Đầu phương ngách quảng cách mi tùng
Trẩm long cốt khởi thiên đình đột
Liệt sĩ phân mâu lập đại công.
(Đầu vuông, trán rộng, mày rậm, xương gáy gồ lên, đỉnh đầu có gò cao. Đó là hình ảnh của bậc đại tướng trấn giữ biên cương, công lao hiển hách).
Nước Tần, nước mạnh nhất thời đó muốn công phá nước Triệu phá vỡ thế Hợp tung của các nước liên minh chống Tần nhưng Triệu có Liêm Pha nên các danh tướng Tần như Bạch Khởi, Mông Vụ, Vương Tiễn... chưa làm gì nổi.
Liêm Pha có một người bạn sinh tử là Lạn Tương Như. Tình bạn giữa 2 người luôn được đời sau nhắc đến. Lạn Tương Như làm Thượng đại phu nước Triệu là người đảm lược, tài cao, ứng xử nghĩa hiệp, cùng với Liêm Pha - một võ, một văn - làm nên bức tường thành vững chãi cho nước Triệu...
Đến đời Hiếu Thành Vương là Vua Triệu, năm 262 TCN, quân Tần đánh Triệu mãi không được nên dùng kế phản gián, tung tin rằng: Liêm Pha đã già, hay phòng thủ để mất cơ hội đánh địch, quân Tần chỉ sợ Triệu Quát (một tướng chỉ giỏi lý thuyết - đánh giặc trên giấy).
Cuối cùng vua Triệu mắc mưu, gọi Liêm Pha về, cho Triệu Quát ra thay. Quả nhiên, Quát không phải đối thủ của Bạch Khởi, năm 260 TCN, Triệu Quát trúng tên chết giữa trận, 40 vạn quân Triệu bị vây ở Trường Bình phải ra hàng bị Bạch Khởi chôn sống hết.
Sau này, được dùng lại, Liêm Pha vẫn đem hết sức bảo vệ nước Triệu làm cho kẻ thù sợ hãi, tức tối. Năm 244 TCN, Triệu Hiếu Thành Vương mất, con trai nối ngôi hiệu là Điệu Tương Vương.
Vua mới trọng dụng Nhạc Thừa (con trai danh tướng Nhạc Nghị), cho thay Liêm Pha làm tướng. Liêm Pha uất ức, giận, không phục đánh đuổi Thừa rồi ông buộc phải lánh sang đất Đại Lương nước Ngụy. Vua Ngụy là Cảnh Mân vương không hiểu Liêm Pha nên không tin dùng.
Trong khi đó, nước Triệu vẫn bị quân Tần o ép, Nhạc Thừa lại không đủ tài cự địch. Vua Triệu biết Liêm Pha yêu nước, muốn đắc dụng ở Triệu nên muốn mời về. Lúc đó Liêm Pha tuổi đã hơn 80, vua Triệu sợ rằng ông đã già yếu không còn phong độ nên sai sứ đi gặp để xem Liêm Pha liệu còn đảm đương việc lớn được không?
Gian thần Quách Khai kề cận vua Triệu vốn ghét Liêm Pha, hối lộ sứ giả nhiều vàng, ngầm bảo sứ giả nói xấu Liêm Pha với vua Triệu. Sứ giả vua Triệu đến Ngụy gặp Liêm Pha, ông sốt ruột muốn về báo quốc nên ra sức ăn một đấu gạo, mười cân thịt trong một bữa cơm, rồi ông mặc áo giáp phi ngựa chạy mấy vòng để chứng tỏ rằng mình còn sung sức.
Vì đã nhận vàng của Quách Khai nên sứ giả trở về nói dối với vua Triệu rằng: “Liêm tướng quân tuy già, ăn còn khoẻ, nhưng khi cùng thần ngồi một lát thì đi ra nhà vệ sinh mấy lần liền”.
Vua Triệu nghe vậy thất vọng cho rằng Liêm Pha đã già và có bệnh bèn quyết định không tuyên triệu ông về nước nữa. Vua Sở là Khảo Liệt vương nghe tin Liêm Pha tá túc ở Ngụy, bèn ngầm cho sứ đón về làm đại tướng.
Liêm Pha về Sở làm tướng, nhưng bọn người Sở dưới quyền không chịu nghe theo nên ông không thể lập công được, ông cảm khái nói: “Ta chỉ ước về cố quốc để dùng người Triệu thôi”. Tuy phải chạy sang Ngụy, Sở, lòng ông mãi hướng về Triệu, luôn muốn quay về quê hương, tận trung báo quốc.
Thế rồi, Liêm Pha - đại tướng danh tiếng lừng lẫy một thời, đành ôm hận, đau buồn uất ức vô cùng. Cuối cùng ông phải ngậm ngùi chết ở quê người (mất năm 243 TCN tại Thọ Xuân nước Sở).
Lạn Tương Như - văn tướng tầm cao
Minh họa/INT.
Lạn Tương Như (315 TCN - 262 TCN) là người học rộng, mưu trí, chí cao ở nước Triệu, nhưng lại xuất thân nghèo khó, phải làm xá nhân (môn khách) trong nhà hoạn quan Mục Hiền để chờ dịp tiến thân. Cuộc đời của ông giống như chim phượng khi đã cất cánh thì bay cao và cất tiếng hót vang xa.
Năm 283 TCN, vua Tần là Chiêu Tương vương đưa quốc thư cho vua Triệu yêu cầu đổi 15 toà thành trì lấy quốc bảo nước Triệu là viên ngọc quý do họ Hoà làm ra. Triều đình Huệ Văn vương nước Triệu run sợ vì lo nước Tần cậy mạnh ăn hiếp chứ không thực tâm trao đổi, mà không đồng ý thì lo Tần đánh.
May Mục Hiến tiến cử Lạn Tương Như và Lạn khẳng khái tâu vua Triệu rằng: “Tôi xin đi sứ nếu 15 thành của Tần không về tay Triệu thì sẽ bảo toàn ngọc quý mang về”.
Thế rồi Lạn Tương Như đến kinh đô Hàm Dương của Tần được vua Tần tiếp đãi ở biệt cung. Khi Tương Như dâng ngọc, Tần vương mừng lắm, liền đưa cho các quan hầu cùng các thị nữ thân cận cùng xem, cười đùa mà không nói gì đến việc đổi thành.
Tương Như biết họ không muốn đổi liền giả vờ nói: “Ngọc có vết, tôi xin chỉ cho các vị xem”, Tần vương tưởng thật liền trao lại ngọc cho Tương Như. Lấy được ngọc, Tương Như trợn mắt đến cạnh chiếc cột nhà, nói lớn: Nước tôi thành thật, còn đại vương không thật lòng, nếu nước Tần muốn bức tôi chiếm ngọc, tôi sẽ đập đầu cùng viên ngọc vào cột cho tan nát”.
Tần vương đành xin lỗi rồi sai mang bản đồ ra, chỉ đại 15 thành cho Tương Như xem. Tương Như biết chắc Tần vương có ý muốn chiếm không viên ngọc nên hoãn binh rằng: “Đại Vương nước tôi vì chuyện này đã trai giới 5 ngày, vì thế xin Tần vương hãy trai giới 5 ngày rồi cử đại lễ để nhận ngọc”.
Tương Như về đợi ở nhà khách và cử người tâm phúc mang ngay ngọc đi tắt về Triệu. Sau 5 ngày ông liền tâu rõ với Tần vương sự việc và nói: “Tần mạnh, nếu thực tâm hãy giao thành trước thì nước Triệu yếu mới dám giao ngọc”. Vua Tần giận lắm nhưng đành thả Tương Như về Triệu.
Năm 281 TCN, Tần vương lại giở trò khác. Ông ta mời vua Triệu hội kiến ở Dẫn Trì (Đất Tần chiếm được do Ngụy dâng). Vua Triệu cậy Liêm Pha ở nhà giữ nước, cử Lý Mục mang 5.000 quân hộ tống và Lạn Tương Như theo sát bên mình rồi miễn cưỡng đi theo hội kiến.
Rượu được vài tuần, Tần vương sai đưa đàn sắt cho vua Triệu gẩy rối gọi sử quan chép rằng: Tại hội kiến Dẫn Trì, ngày... tháng... năm 281 TCN, Vua Tần sai khiến vua Triệu đánh đàn sắt. Tương Như ứng phó bằng cách lấy một cái phẫu (vò sành đựng rượu) xin vua Tần gõ 1 điệu nhạc Tần để góp vui.
Đầu tiên vua Tần giận không chịu, nhưng Tương Như nói: “Đại Vương lấn át người khác quá, dù nước Tần mạnh nhưng trong vòng 5 bước chân tôi có thể lấy máu tưới lên người đại vương (ý là sẵn sàng đâm Tần vương)”.
Vua Tần đành phải cầm dùi gõ lên vò một cái, thế là Tương Như gọi sử quan nước Triệu ghi ngay sự việc này. Cuối cùng hội kiến kết thúc mà Tần chẳng uy hiếp nổi Triệu. Về nước, Lạn Tương Như được phong quan tước trên cả vị đại tướng nhiều công lao nhất nước Triệu là Liêm Pha, khiến ông này rất giận.
Tương truyền Tương Như có hình dáng như chim phượng (phượng hình):
Trường mi, trường nhãn cách trường đầu,
Bạt tụy siêu quần học vấn ưu,
Phú quý căn cơ hình dĩ định
Giao khan tha nhật tác vương hầu.
(Nghĩa là người hình chim phượng có đầu dài, trên mặt lông mày dài, mắt dài. Họ rất giỏi giang siêu quần, học vấn cao rộng. Sau này phú quý có phẩm tước đến vương, hầu).
Thấy Liêm Pha có vẻ giận dỗi ghen tức, mỗi khi triệu kiến, Tương Như né tránh tiếp xúc với Liêm Pha. Có lần đoàn của Tương Như ra đường gặp đúng đoàn xe của Liêm Pha tiến đến, Tương Như vội ra lệnh cho người nhà đánh xe rẽ sang hướng khác.
Về nhà, các môn khách của Tương Như thắc mắc, cho rằng Tương Như nhát sợ, không có khí phách trước Liêm Pha nên họ muốn bỏ đi. Tương Như giữ họ lại giải thích rằng: Oai dũng như vua Tần mà ta còn chẳng sợ nữa là.
Ta nhường nhịn Liêm Pha vì các nước sở dĩ không dám đánh nước Triệu vì Triệu có Liêm Pha và ta. Nếu hai con hổ chọi nhau tất kẻ địch sẽ nhân đó đánh nước ta. Ta nhẫn nhịn trước Liêm tướng quân là vì xã tắc đó. Mọi người hiểu ra càng khâm phục Tương Như.
Minh họa/INT
Chuyện đến tai Liêm Pha, ông xấu hổ quá vội cởi trần tự mang roi sai người nhà dẫn đến phủ Tương Như xin tạ lỗi. Tương Như ôm lấy Liêm Pha, hai người cảm động đều khóc. Từ đó hai người kết nghĩa sinh tử cùng nhau.
Tương Như thông minh, quyền biến, học rộng cùng với Liêm Pha một văn, một võ đã giữ cho nước Triệu được bình yên cả một giai đoạn dài. Sau đó sức khoẻ kém, Tương Như ốm nặng mất vào khoảng năm 262 TCN, thọ 53 tuổi.