Đời người, tất cả mọi chuyện chẳng thể tính toán được, mà do chữ thiện mà đến; cũng chẳng thể cầu mà được, mà do chữ tu mà có. Mỗi thứ ta có trong đời, đều có một cái giá, buộc ta phải đánh đổi.
Những câu chuyện dưới đây, tôi tin rằng chỉ cần đọc xong, bạn sẽ "thu hoạch" được không ít lợi ích cho chính mình.
Sói hoang và chó nhà
Có một hôm, chó nhà hỏi sói hoang: Anh có nhà, có xe không?
Sói trả lời không có.
Chó lại hỏi: Vậy anh có ngày ba bữa ăn và hoa quả không?
Sói lại trả lời không có.
Chó lại hỏi: Thế anh có người trêu đùa, rồi dắt anh đi dạo phố không?
Sói đáp không có.
Lúc này, chó nhìn sói với anh mắt coi thường: Anh thật vô tích sự, tại sao cái gì cũng không có vậy?
Sói cười đáp: Tôi có tính không ăn phân, tôi có mục tiêu để theo đuổi, tôi có tự do mà anh không có, tôi là một con sói đơn độc còn anh chỉ là một con chó tự cho mình đang hạnh phúc mà thôi.
Lời bình
Đoạn hội thoại giữa sói hoang và chó nhà muốn phản ánh một điều, rằng trong xã hội này, con người với con người sẽ có những tiêu chuẩn làm người không giống nhau. Thực ra, sói và chó vốn dĩ là một nhà, vì bị con người "vừa ép vừa dụ" mà chó trở nên biết nghe lời, trở thành vật nuôi của con người.
Chó và sói có sự khác biệt lớn nhất, đó là sói có sự tự do của bản thân, nó dám nói "không" với người, niềm vui của nó là thể hiện sự hoang dã của loài trong môi trường tự nhiên rất ác liệt, còn chó thì phục tùng chủ, niềm vui của nó là cố gắng thể hiện hết "tài năng" của mình để chủ nhân hài lòng.
Cuộc hội thoại giữa chó và sói giúp chúng ta hiểu thêm một đạo lý ở đời, rằng mọi vật đều có hai mặt và cái gì cũng có giá của nó.
Cái giá của tự do là tính không xác định và thiếu cảm giác an toàn. Ngược lại, sự an toàn, được đảm bảo sẽ phải trả giá bằng tự do của chính bản thân. Chó cho rằng nó hạnh phúc nhưng trong mắt sói, nó chỉ là kẻ tự nhận rằng nó hạnh phúc mà thôi.
Chính bởi lẽ đó, đừng vội huênh hoang khoe mẽ bản thân, tự cao tự đại trước người khác, bởi chưa biết, ai mới hơn ai trong xã hội này.
Cốc nước và biển cả
Một giọt mực rơi vào một cốc nước tinh khiết, cả cốc nước lập tức bị biến màu, không thể uống được nữa.
Một giọt mực rơi xuống biển cả, nước biển vẫn mang màu xanh vốn dĩ của nó, chẳng thay đổi gì.
Tại sao lại như vậy?
Câu trả lời, đó là bởi có sự khác nhau về "độ lượng".
Bông lúa khi chưa chín, nó sẽ ngạo nghễ hướng thẳng lên trên, nhưng khi đã chín, nó lại chúc đầu xuống dưới.
Tại sao lại như vậy?
Câu trả lời là bởi vì trọng lượng không giống nhau.
Khi chúng ta khoan dung với người khác, đó là độ lượng; khi bản thân ta khiêm tốn, đó là lúc chúng ta đã đạt đến độ trưởng thành, có giá trị và sức nặng riêng, hợp hai thứ lại với nhau, đó chính là "chất lượng" của một con người.
Buông bỏ
Sư phụ hỏi học trò: Nếu như con phải đun một ấm nước, lửa cháy một lúc rồi con mới phát hiện ra rằng củi không đủ dùng, con sẽ làm thế nào?
Một đệ tử nói rằng, phải nhanh chóng chạy đi tìm thêm củi. Một người khác lại nói sẽ đi mượn tạm củi của người khác. Có người lại đề xuất ý kiến đi mua củi về rồi đun tiếp.
Lúc này, sư phụ mới nói: Tại sao không đổ bớt nước trong ấm đi?
Các đệ tử lúc này mới ngộ ra ẩn ý của thầy. Ví dụ nhỏ này cho thấy, con người thường không nỡ bỏ đi thứ gì, thay vào đó, chúng ta sẽ tìm cách giữ thật chặt hoặc ôm thêm những gì có thể ôm vào người.
Nhưng sự thật là, ở đời luôn có những việc không như ý, rất nhiều khi, chấp nhận buông tay, bỏ thứ này, chúng ta mới có được thứ khác.
Điều này đặc biệt đúng với những thứ cảm xúc tiêu cực.
Buông bỏ khổ đau, buông bỏ thù hận, buông bỏ tranh cãi, buông bỏ ảo tưởng, buông bỏ dục vọng, buông bỏ sự dối trá khoa trương... Chỉ có dũng cảm “buông” hết thảy những gì chấp nhất, thế giới nội tâm của chúng ta mới trở nên rộng mở, quang đãng, cuộc đời mới vì thế mà trở nên tươi đẹp và đáng sống.