Chuyện của nam doanh nhân mê nấu ăn đang gây "sốt" trên hội Yêu Bếp

Hương Nguyễn - Minh Châu |

Người đàn ông mê nấu ăn, hay cụ thể, một nam doanh nhân mê nấu ăn sẽ có gì thú vị?

Những ngày “cách ly xã hội”, khi hàng quán đóng cửa và người ta phải ở nhà nhiều thì nhu cầu nấu ăn tại nhà bỗng tăng đột biến. Các Hội nhóm như Yêu Bếp mỗi ngày thu hút đến 10.000 thành viên mới. Điều đáng nói là những người đàn ông vốn không quen chuyện bếp núc, lại trở thành lực lượng đông đảo và tích cực nhất.

Người đàn ông mê nấu ăn, hay cụ thể, một nam doanh nhân mê nấu ăn sẽ có gì thú vị?

Đây là câu chuyện của anh Thân Hồng Nam - một "Ngôi sao đang lên" trên hội Yêu Bếp với lời giới thiệu "Mình là Nam, doanh nhân và yêu nấu nướng". Anh là chủ của chuỗi nhà hàng Gia đình BB (BB Home-Cook) tại Hà Nội.

"Yêu nấu ăn chắc từ yêu con mà ra"

Anh bắt đầu có sở thích nấu ăn từ khi nào?

Tôi bắt đầu nấu ăn từ cách đây 10 năm thôi, còn trước đó chỉ đóng vai trò là người được ăn.

Từ bé, tôi đã sống trong một gia đình có truyền thống nấu ăn. Bé tí thì có ông ngoại nấu ăn rất ngon. Ông là lão thành Cách mạng đi rất nhiều nơi, đặc biệt giỏi các món Trung Hoa.

Mẹ tôi và các cô bác trong nhà cũng là những tay nấu điêu luyện trong bếp. Bà có niềm đam mê với các loại bánh và món Âu, nên chắc tôi có sự ảnh hưởng không nhỏ. Pizza, mỳ Ý, bò hầm, bánh táo, bánh chuối… cái gì cũng được ăn nên cũng nhanh biết nấu.

Có ai thắc mắc với anh là tại sao một người đàn ông lại thích nấu ăn?

Nhiều người thắc mắc lắm. Lúc mới lập gia đình, hai vợ chồng đã ở riêng và phải tự lo việc cơm nước hàng ngày nên tôi chủ động làm luôn. Có thể lúc đó cũng do bản năng mình hiểu biết về việc ăn uống bếp núc hơn vợ.

Rồi tôi có cháu gái đầu tiên. Con ăn uống kém lắm. Đi khám dinh dưỡng, bác sỹ nói cháu không đạt chỉ số bình thường. Tôi rất lo và quyết tâm vào bếp nhiều hơn, tìm hiểu kỹ hơn. Tìm hiểu nhiều lại khám phá ra rất nhiều thứ hay ho trong thế giới ẩm thực.

Về sau tiếp tục có hai cháu nữa thì ngay từ đầu, tôi đã năng vào bếp để nấu các bữa cơm gia đình. Nếu bận công việc thì tôi cũng hướng dẫn bác giúp việc làm theo công thức của mình. Còn rảnh là tôi vào bếp nấu cả hai bữa hàng ngày luôn.

Yêu nấu ăn chắc từ yêu con mà ra.

Chuyện của nam doanh nhân mê nấu ăn đang gây sốt trên hội Yêu Bếp - Ảnh 1.

Món lẩu gà khô mà anh Nam tự tay nấu tại nhà

"Các nhà hàng lớn trên thế giới cũng xuất phát từ một nhà hàng địa phương nhỏ bé"

Phải chăng, từ niềm đam mê nấu ăn mà nhà hàng BB Home-Cook ra đời?

"Home Cook" trong tiếng Anh là nấu ăn tại gia. Còn BB là tên viết tắt của con gái lớn đầu lòng ở nhà - Bảo Bối.

Vì bao tâm huyết cho việc tìm hiểu ẩm thực để cải thiện cho con mà mình yêu nấu ăn hơn, rồi muốn kinh doanh về ẩm thực hơn. Tôi lấy tên này để làm thương hiệu Gia Đình BB như bây giờ.

Tôi còn nhớ, địa điểm đầu tiên của Gia đình BB là một quán ăn rất nhỏ ở Cửa Đông (Hà Nội)?

Khi bắt đầu muốn kinh doanh về ẩm thực, tôi và mẹ mở cửa hàng đó, nhỏ thôi, với suy nghĩ "làm thử xem có bán được không". Thực đơn chỉ có xôi gà nướng, bún trộn gà, bánh Crepe.

Không ngờ quán bé vậy mà đông khách quá, 6 tháng sau phải chuyển sang địa điểm khác, to hơn. Và sau 1 năm thì mở ra nhiều nhà hàng hơn.

Các chuỗi nhà hàng lớn trên thế giới cũng từ một nhà hàng địa phương nhỏ bé như thế này mà ra. Tôi rất tự hào.

Tôi nghĩ, cứ làm có tâm và đam mê là sẽ đến đích.

Chuyện của nam doanh nhân mê nấu ăn đang gây sốt trên hội Yêu Bếp - Ảnh 2.

Cửa hàng nhỏ tại Cửa Đông - Nơi xuất phát của chuỗi BB Home-Cook

Gia Đình BB khác gì so với các nhà hàng khác?

Khác ở chỗ mọi công thức nấu ăn đều xuất phát từ căn bếp gia đình, nơi công thức được hình thành từ tình yêu thương, cái gì ngon nhất, chất lượng nhất, an toàn nhất thì mình phổ biến nó cho mọi người cùng sử dụng. Con mình ăn thế nào, khách hàng ăn thế ấy.

Vậy nên khách của BB chủ yếu là các gia đình, rất đông các gia đình. Có thể họ cảm nhận được tinh thần của tôi.

Việc tham gia chương trình MasterChef Việt Nam có đem lại cho anh kinh nghiệm gì trong nấu ăn và trong việc đáp ứng khẩu vị của nhiều người không?

Chương trình đó dạy cho tôi một kinh nghiệm. Đó là luôn dùng những thứ bình thường nhất với điều kiện kém nhất để thực hiện được món ăn ngon nhất.

Còn về khẩu vị của nhiều người thì tôi tự theo cảm quan vị giác của mình thôi. Từ nhỏ đến lớn, tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nơi có nền ẩm thực lâu đời nhất cả nước. Khi mình trải nghiệm và sống đủ lâu nơi đây thì việc hiểu vị giác của mọi người là điều không khó.

Nếu là một thực khách, anh đánh giá chất lượng món ăn tại nhà hàng mình mấy điểm?

Nếu là thực khách, tôi đánh giá món ăn nhà mình hiện tại là 6 điểm vì hệ thống tồn tại khá lâu, đã có phần lạc hậu trong cách chế biến, xử lý nguyên liệu, công nghệ quản lý…

Trong thời gian tới, tôi sẽ nâng điểm lên bằng các cách thức mới, công nghệ mới và nhận diện thương hiệu mới.

Chuyện của nam doanh nhân mê nấu ăn đang gây sốt trên hội Yêu Bếp - Ảnh 3.

'Trong thời gian tới, tôi sẽ nâng điểm lên bằng các cách thức mới, công nghệ mới và nhận diện thương hiệu mới"

Sự ra đời của các sản phẩm đóng gói "chế biến nhanh, ship tận nơi"

Những người nấu ăn ngon chưa chắc đã thành công với việc mở nhà hàng. Có vẻ như anh đạt được cả 2 điều đó. Bí quyết quản lý nhà hàng của anh là gì?

Trước khi kinh doanh ẩm thực, cả hai vợ chồng tôi đã làm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc công nghiệp hơn mười năm, xuất khẩu đi các thị trường lớn như Châu Âu và Mỹ.

Vợ tôi học Ngoại Thương mà, nên cũng có kinh nghiệm quản lý công nhân, năng suất, định mức và bán hàng.

Còn kinh doanh nhà hàng thì bí quyết vẫn phải bằng cái tâm. Khách hàng cảm nhận rõ lắm.

Chuyện của nam doanh nhân mê nấu ăn đang gây sốt trên hội Yêu Bếp - Ảnh 4.

Anh Thân Hồng Nam cùng đội ngũ tại một nhà hàng BB

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) rơi vào tình trạng khó khăn. Gia Đình BB thì sao?

Khi đại dịch xảy ra, mọi nhà hàng trong hệ thống đều tê liệt. Lúc đó tôi cũng khá hoang mang.

Sau khi nghiên cứu nhanh thì các loại sản phẩm đóng gói "chế biến nhanh, ship tận nơi" đã ra đời. Trước mắt đây là giải pháp tình thế nhưng về lâu dài, BB sẽ xây dựng trung tâm sản xuất riêng cho dòng sản phẩm này để cung cấp cho đối tượng khách hàng là các gia đình bận rộn.

Sau đại dịch này, anh cho rằng xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống sẽ ra sao?

Sau đại dịch này ngành F&B sẽ sống dậy ngoạn mục vì đang ở đáy rồi!

Thị trường như hình sin vậy, xuống đáy là lên cao, đây là quy luật thị trường. Nhưng có một số cách thức tiêu dùng sẽ thay đổi.

Mọi người sẽ ưa công nghệ hữu ích hơn (tức loại công nghệ giúp nhanh và tiết kiệm). Họ sẽ tối giản mọi thứ, tiết kiệm hơn, sống xanh và lành mạnh hơn, yêu gia đình và người thân hơn nữa. Giá trị nhân văn sẽ lên ngôi.

Tôi đã chuẩn bị đủ để đón nhận một thị trường như thế. Hiện tại Gia Đình BB đang làm việc với một số quỹ đầu tư lớn để triển khai kế hoạch phát triển các Trung tâm sản xuất thực phẩm đóng gói, 65 điểm Nhà hàng trong nước và 35 điểm tại Hàn Quốc, Nhật và Úc. Hy vọng mọi người cùng đón nhận và ủng hộ trong tương lai.

Cảm ơn anh vì những chia sẻ này!

Chuyện của nam doanh nhân mê nấu ăn đang gây sốt trên hội Yêu Bếp - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại