Trong cùng khoảng thời gian ấy, những người tiền nhiệm của ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ kể từ Jimmy Carter đều đã để lại phía sau nhiều sứ mệnh ngoại giao ở bên ngoài nước Mỹ.
Những điểm đến thăm đầu tiên của họ đều là hai nước láng giềng gần là Canada và Mexico. Ông Trump lại chọn Ả rập Xê út ở tận vùng Vịnh làm nơi đến thăm đầu tiên, sau đó là Israel và Palestine, rồi Toà thánh Vatican, cuối cùng là tham dự hai sự kiện ở châu Âu - là hội nghị cấp cao NATO ở Brussels (Bỉ) và hội nghị cấp cao nhóm G7 ở Sicily (Italy), chứ không thăm chính thức quốc gia nào trên châu lục này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắt đầu chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tại Ả Rập Saudi. Ảnh: Twitter
Ả rập Xê út, Israel và Palestine, Toà thánh Vatican đều là thánh địa của những tôn giáo khác nhau. Hai hội nghị cấp cao ở châu Âu đòi hỏi sự hiện diện của cá nhân Tổng thống Mỹ nếu không thì có diễn ra cũng chẳng thể mong đợi đạt được kết quả thực chất gì hoặc Mỹ để lại một vai trò và ảnh hưởng hiện có trong liên minh quân sự và khuôn khổ diễn đàn này.
Rất có thể nếu không vì hai hội nghị cấp cao này, ông Trump chưa thực thi chuyến công du nước ngoài hiện tại. Vì không thể không tham dự hai sự kiện ấy, ông Trump phải tính chuyến đi nước ngoài đầu tiên và buộc phải tìm câu trả lời cho câu hỏi đi đến đâu đầu tiên.
Tân quan tân chính sách vốn là chuyện rất bình thường và vì tân chính sách nên phải có cách hành xử mới - cả điều này cũng rất bình thường. Cái không bình thường ở đây là chúng không chỉ khác mà còn lạ.
Ông Trump luôn phê phán và bác bỏ mọi chính sách của người tiền nhiệm, mọi cam kết và tuyên ngôn chính sách đều khác biệt người tiền nhiệm.
Người tiền nhiệm này bị đánh giá là sao nhãng khu vực Trung Đông và vùng Vịnh để tập trung và ưu tiên cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, làm cho quan hệ của Mỹ với các đồng minh ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh, cụ thể là với Israel, Ả rập Xê út và những vương triều Ả rập khác, không còn được mật thiết và tin cậy như được coi là bản chất của truyền thống.
Ông Trump chọn đến những nơi này đầu tiên để thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm nhưng cũng còn để tranh thủ họ cho việc thực hiện những mục tiêu đề ra là làm những gì mà người tiền nhiệm không thành công ở nơi đây là tiêu diệt Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Làm như thế, ông Trump kỳ vọng còn có thể rũ bỏ được hình ảnh và sự cảm nhận của thế giới Hồi giáo về mình là người thâm thù Đạo Hồi. Trong vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ, ông Trump đâu có dùng ngôn từ tốt đẹp gì khi đề cập đến người theo Đạo Hồi.
Sau khi nhậm chức, chẳng phải người này đã gấp rút dùng sắc lệnh hành pháp cản trở, thậm chí cấm công dân của 6 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ đó sao. Ông Trump cần Ả rập Xê út và Israel cùng những quốc gia Ả rập khác ở vùng Vịnh cho cuộc chiến chống IS và đối phó Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết hợp đồng bán vũ khí trị giá 350 tỷ USD với Ả Rập Saudi. Ảnh: AP
Ông Trump thân thiện và thiện chí với Israel hơn nhiều so với người tiền nhiệm và sẵn sàng thiên lệch hẳn về phía Israel, nhưng đồng thời đến giờ chắc cũng đã nhận ra rằng không có phía Palestine thì cũng chẳng thể có được giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc xung đột dai dẳng lâu nay này. Cho nên ông Trump tới Israel nhưng cũng đồng thời trao đổi với cả lãnh đạo Palestine.
Vấn đề chỉ ở chỗ ông Trump cần và có thể có được tác động chính trị và tâm lý của những biểu hiện bề ngoài ấy chứ đâu có đem theo cùng ý tưởng hay định hướng chiến lược mới nào có thể giúp Mỹ thành công hơn trong cuộc chiến chống IS và trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Tương tự như thế có thể thấy được tại hội nghị cấp cao NATO và Nhóm G7. Ả rập Xê út, Israel, NATO và G7 đều chủ ý đón tiếp trọng thị và không làm ông Trump khó xử bởi hiện ở Mỹ, ông đang rất khó xử, thậm chí còn có thể cả nguy hiểm về chính trị nội bộ.
Họ cần ông Trump nhưng cũng thừa biết rằng không thể dựa cậy được hoàn toàn vào người đang bị rối trí bởi chuyện nội bộ trong nước như ông Trump hiện tại. Hội nghị cấp cao sẽ diễn ra, nhưng kết quả cũng sẽ chỉ rất hạn chế.
Vì thời thế nhưng cũng còn cả về tình trạng hiện tại của ông Trump mà cả NATO lẫn G7 cả sau hội nghị cấp cao này cũng chưa thể thoát được ra khỏi cái vòng luẩn quẩn hiện tại giữa tham vọng và khả năng thực hiện.
Còn chặng dừng chân ở Toà thánh Vatican là chiêu thức ông Trump dùng để đề cao cá nhân và tạo sự cân bằng giữa các tôn giáo, đồng thời giải thoát khỏi tình thế buộc phải quyết định bên trọng bên khinh là thăm đối tác nào đầu tiên ở châu Âu.
Giáo hoàng Francis từng phê phán chủ định của ông Trump xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Hội kiến Giáo hoàng và trang trải nhau chuyện ấy chỉ có lợi cho ông Trump.
Chuyến đi này giúp ông Trump thoát xa áp lực trong nước được mấy ngày nhưng kết quả của nó không có tác dụng nhiều giúp ông Trump đối phó với áp lực ấy. Người này rất hay nhanh chóng thay đổi quan điểm nên thật ra bên ngoài nên rất thận trọng với những thông điệp mà ông Trump muốn phát đi từ đó.