Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tiến hành chuyến công du tới Trung Đông từ ngày 5 - 8/2/2024 gồm Ả Rập Saudi, Ai Cập, Qatar, Israel và Bờ Tây. Đây là chuyến công du thứ năm của ông A. Blinken tới Trung Đông kể từ khi bùng nổ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ngày 7/10/2023.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, trọng tâm chuyến thăm này là đàm phán nhằm đạt được thoả thuận ngừng bắn, thả tất các con tin còn bị Hamas giam giữ và cho phép đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời tìm cách ngăn chặn xung đột lan rộng ra toàn bộ khu vực.
Bối cảnh chuyến thăm Trung Đông
Các nhóm vũ trang tăng cường tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq, Syria và mới đây nhất căn cứ "Tháp 22" của Mỹ ở Jordan bị tấn công làm 3 lính Mỹ bị thiệt mạng và hơn 40 người khác bị thương. Lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tấn công các tàu Mỹ, Anh, Israel ở Biển Đỏ. Mục tiêu của các cuộc tấn công này là để thể hiện tình đoàn kết với Hamas và gây sức ép buộc Israel phải ngừng chiến dịch quân sự ở Gaza.
Tình hình Trung Đông ngày càng leo thang căng thẳng kể từ khi cuộc xung đột Israel - Hamas bùng nổ ngày 7/10/2023. Các bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề nhân đạo ở Gaza và ngăn chặn xung đột lan rộng hơn nữa.
Lo ngại bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn trong khu vực, chính quyền Mỹ đang tìm cách giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là cuộc chiến tại Gaza trước cuộc bầu cử đang đến gần và Tổng thống J. Biden có tham vọng thắng cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Washington đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quân sự ở Trung Đông. Gần đây, Mỹ đã tấn công hàng trăm mục tiêu của các nhóm vũ trang thân Iran bên trong lãnh thổ Iraq, Syria và Yemen.
Tại thủ đô Paris của Pháp, các quan chức Mỹ, Israel Qatar và Ai Cập đã gặp nhau và đưa ra đề xuất ngừng bắn trong sáu tuần, phong trào Hamas sẽ trả con tin để đổi lấy việc Israel thả tù nhân Palestine và mở đường đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza. Hamas xác nhận đã nhận được đề xuất này và đang trong quá trình nghiên cứu, nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc Israel chấm dứt các hành động quân sự và rút quân khỏi Gaza.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani, đã thảo luận với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres về nỗ lực chấm dứt chiến sự ở Gaza, thả những người bị giam giữ và hỗ trợ các hoạt động nhân đạo.
Tại Israel, bất đồng trong nội bộ chính quyền ngày càng tăng liên quan đến việc trao đổi tù nhân, lệnh ngừng bắn ở Gaza và các thỏa thuận sau chiến tranh đang đe dọa sự sụp đổ của Hội đồng chiến tranh. Thành viên Hội đồng chiến tranh Benny Gantz nói sẽ rút khỏi chính phủ khẩn cấp của Israel nếu ông B. Netanyahu từ chối thỏa thuận trao đổi tù nhân và cai trị quân sự ở Gaza.
Thủ tướng B. Netanyahu không chấp nhận ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh trước khi giành được chiến thắng hoàn toàn và không đồng ý thả hàng nghìn tù nhân Palestine, cũng như không cho phép quân đội rút khỏi Dải Gaza.
Ngoài sự chia rẽ trong chính phủ của mình, ông Netanyahu còn phải đối mặt với sự phẫn nộ của người dân về số phận của các con tin vẫn nằm trong tay Hamas ở Gaza. Ngày 3/2/2024, hàng nghìn người đã biểu tình ở Tel Aviv đòi bầu cử sớm.
Mục đích chuyến thăm
Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Trung Đông Barbara Leaf cho biết, mục tiêu chính chuyến đi của Blinken đến khu vực là tiếp tục các cố gắng nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, làm dịu căng thẳng trong khu vực, cho phép mở rộng hoạt động đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza, thả các con tin bị Hamas giam giữ và thảo luận khả năng thành lập nhà nước Palestine.
Các nguồn tin của Mỹ cho biết Blinken mang theo những yêu cầu cụ thể hơn đối với Israel và Palestine. Ông yêu cầu Israel đàm phán với phong trào Hamas để đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân trong khuôn khổ đề xuất của Qatar, Ai Cập và Mỹ đưa ra tại cuộc gặp gỡ Paris ngày 30/1/2024, nhằm chấm dứt các hành động quân sự của Israel ở Gaza, cho phép đưa hàng cứu trợ nhân đạo vào tất cả các khu vực của Dải Gaza và chuẩn bị cho một tiến trình chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước, thành lập một nhà nước Palestine chung sống bên cạnh Israel.
Blinken cũng đưa ra các yêu cầu đối với giới lãnh đạo Palestine, bao gồm việc thực hiện cải cách nghiêm túc, thành lập một chính phủ mới chuyên nghiệp và mang tính đại diện hơn, có khả năng quản lý Dải Gaza sau chiến tranh và chuẩn bị cho một tiến trình chính trị mới hướng tới việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Một mục tiêu khác không kém phần quan trọng đối với Washington trong chuyến công du của Ngoại trưởng Blinken là tìm cách duy trì ổn định và ngăn chặn chiến tranh lan rộng ra khu vực với sự tham gia của các bên khác, đặc biệt là Iran và các nhóm vũ trang được Teheran hậu thuẫn.
Ngoài ra, việc thúc đẩy các cuộc đàm phán bình thường hoá quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel cũng là một trong những mục tiêu được ưu tiên trong chuyến đi của ông Blinken.
Chính quyền Biden hy vọng thuyết phục được Ả Rập Saudi nối lại các cuộc thương lượng dưới sự trung gian của Mỹ nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Washington coi việc bình thường hóa giữa Ả Rập Saudi và Israel là một bước quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc xung đột ở Gaza và góp phần vào ổn định tình hình ở Trung Đông.
Với sự trung gian của Mỹ, các cuộc đàm phán về một thỏa thuận bình thường hoá giữa Ả Rập Saudi và Israel đã được khởi động vào đầu năm 2023, nhưng bị Riyahd đình chỉ sau khi bùng nổ cuộc xung đột Israel - Hamas ngày 7/10/2023.
Nỗ lực của Blinken chưa có thành quả
Giống như trước đây, chuyến công du lần này của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Trung Đông đã không đạt được kết quả mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại. Ông Blinken đã không gây được áp lực lên Israel để đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Tại Jerusalem, Thủ tướng Israel B. Netanyahu nói với người đứng đầu ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục chiến tranh cho đến khi giành được chiến thắng tuyệt đối trước Hamas. Ông bác bỏ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập và khẳng định Tel Aviv sẽ không từ bỏ toàn quyền kiểm soát an ninh của Israel đối với toàn bộ Bờ Tây.
Ngay trước khi Blinken rời khu vực, các lực lượng Israel đã không kích thành phố Rafah miền Nam Gaza giáp biên giới Ai Cập, nơi có hơn nửa triệu người tị nạn Palestine đang sinh sống, máy bay Israel lần đầu tiên không kích vào các vị trí của Hezbollah ở thành phố Al- Nabatiya bên trong lãnh thổ Lebanon.
Chính quyền Mỹ hoàn toàn đứng về phía Israel. Ngay sau khi bùng nổ xung đột Hamas - Israel, Washington đã thông qua gói viện trợ khẩn cấp cho Tel Aviv trị giá 14,3 tỷ USD, đưa 2 tàu sân bay và các phương tiện quân sự đến khu vực.
Tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Mỹ luôn luôn dùng quyền phủ quyết bác bỏ các dự thảo nghị quyết ngừng bắn ở Gaza. Cùng với gói viện trợ khẩn cấp, Mỹ còn cung cấp cho Israel nhiều vũ khí tiên tiến. Mới đây, chính quyền Mỹ còn đề nghị Quốc hội thông qua khoản viện trợ bổ sung 14 tỷ USD nữa. Với thái độ như vậy, sứ mệnh của ông A. Blinken rất khó thành công.
Tại Riyahd, trả lời để nghị của Mỹ về việc bình thường hoá Ả Rập Saudi - Israel, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan tuyên bố:
“Lập trường trước sau như một của Vương quốc là sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trừ khi nhà nước Palestine độc lập được thành lập bên trong đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem, hành động gây hấn của Israel nhằm vào Dải Gaza phải chấm dứt và tất cả lực lượng chiếm đóng Israel phải rút khỏi Dải Gaza”.
Triển vọng bình thường hoá quan hệ giữa Ả Rập Saudi trở nên mờ mịt.
Không thể giảm căng thẳng trong khu vực trừ khi chấm dứt xung đột ở Gaza. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống J. Biden đến nay vẫn tránh gây áp lực lên Israel để đạt được một lệnh ngừng bắn. Ông Biden đang chịu áp lực trong nội bộ chính quyền, một mặt muốn có thái độ quyết đoán hơn đối với Tel Aviv, mặt khác lại muốn tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Do Thái vốn có ảnh hưởng rất lớn trong chính quyền Mỹ trọng bầu cử tổng thống tháng 11 tới.
Trong tình hình như vậy, chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Blinken là nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden hơn là mối quan tâm thực sự tới việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Các nhà quan sát cho rằng, ông Biden có khả năng thất cử do đang phải chịu sức ép lớn trong nội bộ chính quyền và bị chỉ trích gay gắt về sự yếu kém trong chính sách Trung Đông. Các thành viên của đảng Cộng hoà cho rằng, các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq, Syria và Jordan vừa qua cho thấy chính sách của Tổng thống J. Biden ở Trung Đông đã thất bại hoàn toàn.
Mục tiêu chuyến thăm Trung Đông của Blinken là tìm cách giảm căng thẳng, nhưng Mỹ vẫn tăng cường tấn công nhằm vào các nhóm thuộc phong trào kháng chiến ở Syria, Iraq và các mục tiêu của Houthi ở Yemen. Nếu không đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza trong tháng Ramadan của người Hồi giáo sắp tới, một làn sóng phẫn nộ mới trong thế giới Hồi giáo sẽ bùng nổ, hậu quả sẽ hết sức thảm khốc.