Chuyến công du của ông Tập Cận Bình: Bước ngoại giao đột phá làm thay đổi tầm nhìn của lục địa già

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau 5 năm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm chính thức châu Âu từ ngày 5 - 10/5/2024, gồm Pháp, Serbia và Hungary. Ông đã có các cuộc gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau 5 năm.

Bối cảnh và mục đích chuyến thăm

Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) trong những năm gần đây trở nên căng thẳng. Cuộc chiến thương mại giữa hai phía bùng nổ gay gắt khi các nhà lãnh đạo EU cáo buộc Trung Quốc trợ cấp cho các công ty của mình, đặc biệt cho ngành năng lượng xanh, từ ô tô điện, pin lithium-ion đến tua-bin gió và một số sản phẩm khác tràn ngập châu Âu trong cuộc cạnh tranh mà EU cho là không công bằng, gây tổn hại cho châu Âu.

Gần đây, Ủy ban Châu Âu (EC) bắt đầu điều tra xe điện của Trung Quốc. Tại châu Âu, xe ô tô điện của Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Các nước EU cho rằng chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho việc sản xuất loại xe này, tạo ra lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng cho các sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc tại thị trường châu Âu.

Cuối tháng 4/2024, EU đã mở một cuộc điều tra khác về hoạt động mua sắm thiết bị y tế của chính phủ Trung Quốc, trái với các thỏa thuận song phương, các công ty châu Âu bị mất quyền tiếp cận bình đẳng để có được hợp đồng tại thị trường Trung Quốc.

Sự mất cân bằng thương mại giữa hai phía lên tới hơn 200 tỷ euro, mà châu Âu cho rằng là do hàng hóa châu Âu bị loại ra khỏi thị trường Trung Quốc. Năm 2023, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với EU, đối tác thương mại lớn thứ hai của Bắc Kinh lên tới 782,9 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước EU là 500 tỷ USD và nhập khẩu từ EU chỉ ở mức 281,7 tỷ USD.

Brussels đang tăng cường áp dụng các biện pháp chống Trung Quốc về chính sách bảo hộ thương mại.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình: Bước ngoại giao đột phá làm thay đổi tầm nhìn của lục địa già- Ảnh 1.

Tại châu Âu, xe ô tô điện của Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu xe điện của Trung Quốc. Ảnh: CNN

Cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba, quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu căng thẳng do Bắc Kinh tăng cường quan hệ “hợp tác không giới hạn” với Moscow. Brussels cáo buộc Trung Quốc cung cấp nguồn lực kinh tế và quân sự lớn cho Nga. Theo các nguồn tin của Pháp, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga máy móc chính xác cho ngành công nghiệp quốc phòng, chip điện tử và động cơ dùng trong chế tạo máy bay không người lái (UAV), xây dựng lại các cơ sở sản xuất vũ khí được sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine.

Tháng 2/2024, EU lần đầu tiên đưa vào danh sách đen bốn công ty Trung Quốc bị cáo buộc giúp Nga tiếp cận các hàng hóa quân sự và dân sự lưỡng dụng được sản xuất ở châu Âu và đang xem xét đưa thêm các công ty khác của Trung Quốc vào danh sách này.

Quan hệ giữa châu Âu và Mỹ bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Tổng thống Macron thường kêu gọi châu Âu “tự chủ chiến lược”, cho rằng EU nên độc lập hơn với Washington, tự mình xây dựng sức mạnh quân sự để trở thành một “siêu cường thứ ba” ngang hàng với Mỹ và Trung Quốc. Châu Âu đặc biệt lo ngại khả năng cựu Tổng thống D. Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới sẽ đặt lục địa già trước nhiều thách thức mới về kinh tế và an ninh với những hậu quả khó lường.

Ông Macron nói, châu Âu không nên đi theo Mỹ trong vấn đề Đài Loan, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ bảo vệ hòn đảo này về mặt quân sự nếu Trung Quốc Đại lục tìm cách sáp nhập.

Quan hệ Trung Quốc - Mỹ căng thẳng cả về chính trị, kinh tế lẫn quân sự. Washington thi hành chính sách bao vây, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc ở hầu hết các khu vực chiến lược trên thế giới.

Nội bộ châu Âu đang có những bất đồng về cách đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và về quan hệ với Nga và Trung Quốc. Nhiều nước châu Âu phản đối việc tịch thu khối tài sản 300 tỷ USD của Nga bị đóng băng ở các nước G7 và châu Âu, cho đây thuộc thẩm quyền của từng nước, Ủy ban châu Âu không có quyền áp đặt các biện pháp này. Nhiều nước quyết định cắt giảm viện trợ tài chính cũng như quân sự cho Ukraine.

Serbia và Hungary duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh, trong khi Pháp có quan điểm khác biệt đối với Trung Quốc, mục đích chuyến thăm của ông Tập Cận Bình nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Trung Quốc và châu Âu trên bình diện chính trị và kinh tế, trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời tái khẳng định Trung Quốc vẫn là đối tác đáng tin cậy của châu Âu và sẵn sàng tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi.

Châu Âu và Trung Quốc là thị trường lớn của nhau, có quan hệ kinh tế bền chặt, với kim ngạch thương mại giữa hai phía ước tính khoảng 2,3 tỷ euro mỗi ngày, trong chuyến thăm này ông Tập quyết tâm xây dựng lại và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nhà lãnh đạo châu Âu sau một thời gian trầm lắng do đại dịch Covid-19.

Ông Tập Cận Bình chọn Pháp, Serbia và Hungary cho chuyến thăm châu Âu

Việc Tập Cận Bình chọn Pháp, Serbia và Hungary cho chuyến thăm lần này không phải ngẫu nhiên. Chuyến đi của ông Tập Cận Bình trùng với dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, 75 năm quan hệ ngoại giao với Hungary, 25 năm vụ NATO ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade trong cuộc chiến ở Kosovo năm 1999. Trung Quốc coi chuyến thăm này là cơ hội để nâng tầm quan hệ song phương.

Pháp là nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có vai trò to lớn ở châu Âu và thế giới, ít chịu ảnh hưởng của Mỹ hơn các nước khác, Trung Quốc có mối quan hệ tốt nhất với Hungary và Serbia trong số tất cả các nước EU. Cả ba nước này ở mức độ khác nhau, ủng hộ mong muốn của Bắc Kinh về một trật tự thế giới mới, coi Trung Quốc là đối tác cần thiết và tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình: Bước ngoại giao đột phá làm thay đổi tầm nhìn của lục địa già- Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chuyến công du châu Âu. Ảnh: Reuters

Pháp là nước phương Tây đầu tiên công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiện nay Pháp trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU và đóng vai trò dẫn đầu trong hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU. Ngược lại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ tư của Pháp trên thế giới, sau Đức, Bỉ và Ý.

Trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái của Tổng thống Macron, các bên đã nhất trí phát triển hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Các công ty Pháp bắt đầu tích cực làm việc tại Trung Quốc.

Khác với nhiều nước châu Âu, Serbia và Hungary là những nước duy trì quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh và Moscow. Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và Thủ tướng Hungary Viktor Orban là các nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất dự hội nghị thượng đỉnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” lần thứ ba của Trung Quốc tháng 10/2023 tại Bắc Kinh và ủng hộ nhiệt tình nhất sáng kiến này.

Kết quả chuyến thăm

Tại Pháp: Đầu năm nay, Bộ Thương mại Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm rượu của EU, nhằm đáp trả các cuộc điều tra của EU về trợ cấp của Trung Quốc đối với xe điện. Để tỏ thiện chí đối với Paris, Trung Quốc đã đồng ý "thỏa thuận đình chiến" đối với rượu cognac của Pháp. Đồng thời, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc và Pháp đã ký 18 thỏa thuận hợp tác song phương.

Tại Paris, ông Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen. Ngoài vấn đề thương mại giữa Trung Quốc và EU, ba nhà lãnh đạo còn thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Macron và bà Ursula von der Leyen đã tìm cách gây áp lực kêu gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Nga chấm dứt hoạt động quân sự ở Ukraine. Ông Macron cũng đề nghị Trung Quốc tham gia hội nghị hòa bình về Ukraine do Thụy Sĩ đăng cai vào tháng 6/2024 tới.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thay đổi lập trường của mình được nêu trong sáng kiến 12 điểm ngày 24/2/2023 cho rằng đối thoại và đàm phán hoà bình là biện pháp duy nhất để giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine và cho rằng hội nghị bàn về cuộc xung đột Ukraine mà không mời Nga tham dự sẽ không giải quyết được vấn đề.

Điều hết sức quan trọng là Tổng thống Macron, người nổi tiếng ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu, nhấn mạnh rằng Pháp và “EU cần tăng cường hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh, vì tương lai của châu Âu phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Tại Hungary: Chính giới Hungary đánh giá cao kết quả chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và cho rằng “quan hệ Hungary - Trung Quốc đang ở một tầm cao chưa từng thấy”.

Hai bên đã ra "Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới". Tại Budapest, một buổi lễ kỷ niệm long trọng 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã đưc tổ chức. Thủ tướng V. Orban gọi Trung Quốc là một trong những nền tảng của trật tự thế giới mới, quyết định hướng đi của nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu.

Hãng sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, BYD Auto Co., Ltd. đã công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất xe chở khách đầu tiên của BYD ở châu Âu tại Hungary. Đây cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất lớn nhất của tập đoàn Huawei bên ngoài Trung Quốc để thúc đẩy quá trình số hoá của Hungary, công nghệ mà EU luôn luôn tìm cách ngăn cản.

Trung Quốc thoả thuận sẽ đầu tư hiện đại hóa mạng lưới đường sắt lỗi thời của đất nước và xây dựng tuyến đường nối sân bay Budapest với trung tâm Thủ đô.

Hãng sản xuất ô tô Great Wall Motor Limited (GW), Công ty sản xuất pin lithium-ion dùng cho ô tô điện Contemporary Amperex Technology Co., Limited (CATL) của Trung Quốc cũng sẽ mở nhà máy ở Hungary trị giá 7,6 tỷ USD, tạo ra hơn 9.000 việc làm. Đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử Hungary.

Hungary là thành viên của EU nên các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc hoạt động ở Hungary có thể bán hàng trực tiếp vào thị trường chung châu Âu. Điều này sẽ giúp các công ty Trung Quốc tránh được các loại thuế phát sinh từ các cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đầu tư của Trung Quốc vào Hungary hiện vượt quá 16 tỷ euro. Các thỏa thuận về các dự án cơ sở hạ tầng chung, bao gồm cả các dự án trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Tại Budapest, Hungary và Trung Quốc đã ký 18 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, năng lượng hạt nhân, kiểm soát hải quan, nông nghiệp, khoa học, văn hóa và du lịch. Ông Tập Cận Bình cũng hứa sẽ xúc tiến dự án đường sắt cao tốc trị giá 2,1 tỷ USD kết nối thủ đô Budapest của Hungary với thủ đô Belgrade của Serbia. Dự án này được tài trợ bằng khoản vay từ Trung Quốc, là một phần của “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Tại Serbia: Tổng thống Aleksandar Vucic đã tổ chức một buổi chào đón ông Tập Cận Bình hoành tráng với sự tham gia cả hàng chục nghìn người hô vang “Trung Quốc, Trung Quốc” và vẫy cờ Trung Quốc trước dinh Tổng thống.

Tại Belgrade, ngày 8/5, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã ký 30 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, khoa học, sinh thái, công nghệ, văn hóa, thể thao và thông tin. Đặc biệt, các bên đã ký kết một hiệp định thương mại tự do giữa Serbia và Trung Quốc. Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Serbia. Chỉ riêng năm ngoái, kim ngạch thương mại tăng 23%, đạt 4 tỷ USD. Tổng thống Vucic tuyên bố không có giới hạn nào trong hợp tác giữa hai nước.

Chuyến công du của ông Tập Cận Bình: Bước ngoại giao đột phá làm thay đổi tầm nhìn của lục địa già- Ảnh 4.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Ảnh: Reuters

Một trong những dự án hợp tác nổi bật nhất giữa Trung Quốc với hai nước này là tuyến đường sắt cao tốc nối Thủ đô Belgrade của Serbia với Thủ đô Budapest của Hungary do Trung Quốc xây dựng, được coi là một phần trong “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Về chính trị, ông Tập Cận Bình và Tổng thống Vucic đã ký một thỏa thuận nhằm xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh” giữa hai nước. Serbia trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ủng hộ nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một liên minh thách thức trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo.

Hiệp định thương mại tự do được ký kết với Serbia sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2025, đồng thời Trung Quốc sẽ mở rộng nhập khẩu nông sản của Serbia và tăng các chuyến bay thẳng Bắc Kinh - Belgrade. Serbia cũng cho biết họ sẽ giữ một phần dự trữ ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ, tương ứng với khoản nợ ngày càng tăng của nước này đối với Trung Quốc.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng địa chính trị gia tăng, bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm thuyết phục các đồng minh phương Tây “giảm thiểu rủi ro” và “tách rời” khỏi Trung Quốc, kết quả chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình là một thành công lớn của ngoại giao Trung Quốc. Chuyến thăm này đã góp phần làm thay đổi bức tranh địa - chính trị và tầm nhìn của châu Âu trong quan hệ với Bắc Kinh, đồng thời gửi đi một thông điệp tới Washington rằng châu Âu có chính sách độc lập của mình trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại