Theo hãng tin Yonhap, ngoài bà Kim, Tổng tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong-chon cũng bị điều tra về vụ phá hủy văn phòng liên lạc chung Kaesong hồi tháng trước. Đây là cuộc điều tra chưa từng có nhưng bị xem là "mang tính biểu tượng", diễn ra sau khi một luật sư Hàn Quốc đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại hai người này.
Cụ thể, hôm 8-7, luật sư Lee Kyung-jae ở Seoul đệ đơn khiếu nại lên Văn phòng Công tố viên quận trung tâm Seoul. Khiếu nại được bộ phận điều tra công khai của văn phòng công tố tiếp nhận hôm 13-7.
Các công tố viên Seoul đang lên kế hoạch xem xét khiếu nại của luật sư Lee trước khi quyết định có áp đặt cáo buộc đối với cô Kim và ông Pak hay không. Các chuyên gia pháp lý nói rằng công tố viên Hàn Quốc gần như không thể trừng phạt giới chức Triều Tiên, đồng thời có thể phải bỏ cáo buộc vì khó khăn trong việc thu thập bằng chứng. Ngay cả khi hai người bị kết tội tại tòa án địa phương, Seoul không có cách nào để thi hành phán quyết đó.
Luật sư Lee cũng thừa nhận giới hạn vừa nêu nhưng cho biết ông muốn gây sự chú ý của công chúng đối với hành động của Triều Tiên. Ông lưu ý việc cố ý phá hủy tài sản nhà nước có thể bị kết án hơn 10 năm tù giam hoặc tù chung thân dựa theo luật hình sự Triều Tiên.
Vào ngày 7-7, Tòa án quận trung tâm Seoul yêu cầu nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Triều Tiên bồi thường cho hai cựu tù nhân chiến tranh vì "bị cưỡng bức lao động trong thời gian họ bị giam cầm ở miền Bắc".
Phán quyết này có thể ảnh hưởng đến một số trường hợp khác chống lại nhà lãnh đạo Triều Tiên đang chờ xử lý tại cơ quan công tố Hàn Quốc.