Ừ thì trọng tài nói… tiếng Pháp
Chúng ta sẽ "quay chậm" lại hai tình huống mà Đình Trọng phải nhận thẻ vàng, để rồi bị trọng tài đuổi khỏi sân.
Ở phút thứ 6, ông trọng tài người Tahiti Norbert Hauata đã cho U20 Pháp được hưởng quả đá phạt đền sau khi Đình Trọng phạm lỗi với Harit trong vòng cấm. Đồng thời ông "tặng" cho cầu thủ đang khoác áo Sài Gòn FC 1 chiếc thẻ vàng.
Cách xử lý tình huống của Norbert Hauata được cho là "hơi nặng tay" với Đình Trọng và U20 Việt Nam. Rất may, cú đá phạt đền kiểu Panenka của Augusine lại đi đúng xà ngang.
Ở tình huống thứ 2, Đình Trọng đã có pha chơi cùi chỏ với cầu thủ U20 Pháp và trung vệ này phải nhận thẻ vàng thứ 2, đồng nghĩa với một thẻ đỏ.
Đến lúc này, có rất nhiều ý kiến cho rằng điều khiển trận U20 Việt Nam và U20 Pháp là trọng tài đến từ Tahiti, một quốc gia nói tiếng Pháp nên ít nhiều ông này sẽ "có cảm tình" với các cầu thủ Pháp.
Trọng tài chính người Tahiti Norbert Hauata truất quyền thi đấu của Đình Trọng vì phải nhận 2 thẻ vàng (Ảnh: FIFA).
Lập luận đó đã được nhiều người ủng hộ. Thậm chí, nhiều cư dân mạng Việt Nam đã truy lùng ông này trên mạng xã hội để tặng ít "gạch đá" xây nhà.
Song nói đi nói lại, dù có một vài tình huống ông Norbert Hauata thổi chưa thật chính xác nhưng rõ ràng, trọng tài này đã làm tốt nhiệm vụ của mình nếu nhìn lại 90 phút thi đấu.
Chiếc thẻ đỏ gián tiếp của Đình Trọng cũng như 4 chiếc thẻ vàng của Trần Thành, Đức Chinh, Tấn Sinh, Trọng Đại là chính xác.
Vì thế, chúng ta không nên vin vào cái cớ ông trọng tài đến từ quốc gia nói tiếng Pháp đã phá hỏng, hay tác động đến kết quả trận đấu vì đẳng cấp của U20 Việt Nam và U20 Pháp là một trời một vực.
Tại sao Đình Trọng nhận thẻ đỏ gián tiếp?
Năm nay vừa tròn 20 tuổi, Trần Đình Trọng đã có 2 mùa đá chính ở V-League cho Sài Gòn FC. Và dưới đây là thông số khiến nhiều người phải ngạc nhiên về Đình Trọng, nhân vật bị xem như "tội đồ" của U20 Việt Nam vì sẽ vắng mặt trong trận chiến sinh từ với U20 Honduras do "đá láo" kiểu "Võ League".
Ở mùa giải đầu tiên (2016), Trọng đá chính 24 trận, chỉ phải nhận 3 thẻ vàng. Ở mùa này, anh đã chơi 12 trận và cũng mới phải nhận 2 thẻ vàng. Rõ ràng, chơi vị trí trung vệ, lại là một cầu thủ nội phải thường xuyên đối mặt các ngoại binh cao to thì việc "ăn" thẻ là điều rất dễ xảy ra, nhưng Trọng lại khác.
Chính Trọng từng thừa nhận rằng: "Với bất lợi về thể hình, nếu đứng không đúng chỗ cũng như phán đoán không tốt thì dễ bị các tiền đạo ngoại qua mặt. Ở trong tình huống bất đắc dĩ, chúng tôi buộc phải phạm những lỗi cần thiết". Thế nhưng, Trọng thực tế vẫn luôn truy cản rất tốt các ngoại binh và hạn chế được tối đa số thẻ phải nhận.
Đình Trọng được xem là một trong những cầu thủ kinh nghiệm nhất của U20 Việt Nam bên cạnh Quang Hải. Ngay cả ở V-League, Trọng cũng đã được đánh giá cao là chơi bóng thông minh, kinh nghiệm và ít phạm lỗi ngớ ngẩn, thô bạo.
Vậy nhưng nhiều người đã "quy chụp" những pha vào bóng của Đình Trọng hay của U20 Việt Nam là như muốn triệt hạ đối thủ, là na ná như thứ "văn hóa" mang thương hiệu V-League, vốn được gọi bằng cái tên rất xấu hổ … "Võ League".
Thua U20 Pháp, các cầu thủ U20 Việt Nam bị chỉ trích vì dính quá nhiều thẻ (Ảnh: FIFA).
Thực ra, chúng ta cần phải nói lại cho rõ, chẳng ai dạy các cầu thủ chơi thứ bóng đá xấu xí. Ở U20 Việt Nam, gần như cũng chẳng cầu thủ nào có "tiền án" phải nhận thẻ đỏ vì hành vi bạo lực.
Tuy nhiên, trong mỗi hoàn cảnh, tính chất thì cần có những phương pháp, phương án chiến thuật nhằm giúp cho kết quả trận đấu tốt hơn. Trong cuộc đối đấu với Pháp, chúng ta rất dễ nghe những tiếng nhắc nhở "đá mạnh lên" từ bên ngoài đường biên.
Thực tế, so với trận U20 New Zealand, U20 Việt Nam đã chơi quyết liệt hơn rất nhiều. Có thể thấy đó là chủ trương của BHL nhằm hạn chế những cầu thủ chơi bóng nhanh, khỏe và kỹ thuật bên kia chiến tuyến.
Tiếc thay trước một đội bóng quá đẳng cấp, U20 Việt Nam đã không có được điều mình muốn và những chiếc thẻ vô tình lại biến thành tiêu điểm của sự chỉ trích.
HLV Hoàng Anh Tuấn không dạy các học trò thứ bóng đá xấu xí và có lẽ ông cũng không muốn mang hình ảnh đó đến với đấu trường World Cup, nơi U20 Việt Nam đại diện cho bộ mặt của một nền bóng đá.
Chúng ta cũng không cổ súy cho bạo lực, cho thứ bóng đã từng xuất hiện ở V-League. Dẫu vậy, đôi khi cũng cần nhìn nhận đúng sự việc, tính chất của một trận đấu thay vì "quy chụp" ở lăng lính tiêu cực.
U20 Việt Nam vẫn còn một cơ hội để viết nên lịch sử. Vậy thì hãy ủng hộ họ bằng sự những sự động viên thay vì dùng "đao to búa lớn" để chỉ trích.