Năm 1919, Chia Ek Chor chuyển tới Bangkok và mở 1 cửa hàng nhỏ bán các loại hạt giống nhập khẩu từ quê nhà Quảng Đông (Trung Quốc). Sau 2 thế hệ, Charoen Pokphand (CP) Group hiện là tập đoàn hàng đầu Thái Lan, bán mọi thứ từ thịt gà, thịt lợn đến xe ô tô và điện thoại. Ông tổ của tập đoàn, người qua đời năm 1983, đã chuyển họ sang tiếng Thái Lan là Chearavanont. Nhưng ông vẫn luôn hướng đến quê cha đất tổ. Khi dịch sang tiếng Mandarin, những chữ cái đầu trong tên của 4 người con trai của ông – Zhengmin, Daimin, Zhongmin, Guomin – có ý nghĩa là "Trung Quốc vĩ đại, tươi đẹp".
Mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa gia tộc Chearavanont và quê nhà Trung Quốc không chỉ là cảm xúc. 2/5 trong số 68 tỷ USD doanh thu hàng năm của CP đến từ hàng trăm chi nhánh ở Trung Quốc gồm các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, siêu thị và nhiều thứ khác. CP còn nắm 1 lượng lớn cổ phần tại ông lớn bảo hiểm Ping An của Trung Quốc. Và tập đoàn cũng là đối tác ưa thích của các nhà đầu tư Trung Quốc ở Thái Lan, trong đó có SAIC, 1 công ty ô tô phối hợp với CP sản xuất những chiếc xe ô tô thể thao và xe pickup.
Quá khứ và hiện tại của gia tộc Chearavanonts phản ánh câu chuyện của những gia tộc gốc Hoa giàu có khác đang bành trướng ở khắp Đông Nam Á. Mặc dù chiếm chưa đến 10% dân số khoảng 650 triệu người của khu vực này, họ đứng sau những công ty đang thống trị nhiều mảng của nền kinh tế quy mô 3.000 tỷ USD.
Nhiều gia tộc thịnh vượng nhờ có mối quan hệ với Trung Quốc và ngược lại. "Trung Quốc nuôi dưỡng họ và họ cũng nuôi dưỡng Trung Quốc", George Yeo, cựu Ngoại trưởng Singapore nhận xét.
Theo phân tích của The Economist dựa trên dữ liệu từ tạp chí Forbes, năm ngoái hơn 3/4 trong số 369 tỷ USD tài sản của các tỷ phú ở Đông Nam Á được kiểm soát bởi huaren – tức những người gốc Hoa đang là công dân của nước khác. Nhóm này tập trung đông nhất ở Singapore, nhưng cũng nằm rải rác trên khắp Đông Nam Á từ Indonesia, Philippines đến các nước nằm trên bán đảo Đông Dương.
Ở Malaysia, tỷ phú Quách Hạc Niên (Robert Kuok) "cai quản" đế chế bao trùm mọi thứ từ đường tinh luyện đến hệ thống khách sạn Shangri-La. Ở Indonesia, tập đoàn Lippo Group của gia tộc Riady hoạt động sôi nổi trong các ngành ngân hàng, bất động sản và y tế. Năm ngoái, 15 trong số 17 tỷ phú Philippines là người gốc Hoa. SM Group – điều hành bởi gia tộc Sy – cũng có những trung tâm thương mại cao cấp trên khắp Trung Quốc.
Myanmar chưa có tỷ phú USD gốc Hoa, nhưng rất nhiều doanh nhân hàng đầu là người gốc Hoa như Serge Pun (ông chủ tập đoàn bất động sản và ngân hàng Yoma) hay Aik Htun (ông chủ tập đoàn Shwe Taung chuyên về cơ sở hạ tầng và bất động sản).
Những doanh nhân này khiến Đông Nam Á vượt qua Liên minh châu Âu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong năm nay. Toàn cầu hóa chậm lại và thái độ e dè trước Trung Quốc của phương Tây – do ảnh hưởng từ Covid-19 và những diễn biến ở Hồng Kông – càng tạo điều kiện cho các huaren và Trung Quốc thắt chặt mối quan hệ.
Tất nhiên điều này không hề dễ dàng. "Giấc mộng Trung Hoa" nhằm khôi phục lại sự vĩ đại của Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đòi hỏi lòng trung thành nhiều hơn, trong khi quê hương thứ hai của các huaren ngày càng hoài nghi về người hàng xóm khổng lồ ở phương Bắc. Để có thể cân bằng giữa hai bên, các huaren phải phát huy hết sức các kỹ năng chính trị của mình.
Mặc dù những người gốc Hoa đầu tiên đến Đông Nam Á từ thế kỷ 15, rất nhiều trong số các gia tộc huaren hàng đầu hiện nay di chuyển đến phía Nam để trốn tránh tình trạng nghèo đói và bạo lực thời kỳ đầu những năm 1900. Hầu hết đều đổi họ giống như Chia. Họ giàu lên nhờ kinh doanh, sau đó không ít trường hợp tận dụng mối quan hệ với các chính trị gia để phất lên nhanh chóng. Ví dụ, Liem Sioe Liong, ông chủ của Salim Group đặc biệt thân thiết với cựu Tổng thống Indonesia Suharto và đã có được vị trí độc quyền trong nhiều ngành.
Trên khắp Đông Nam Á, các mối liên kết như vậy đã giúp các tỷ phú xây dựng những nền móng vững chãi của những tập đoàn đa ngành trong thời kỳ kinh tế châu Á bùng nổ trong những năm 1990. Các tập đoàn này cùng tạo nên thứ được miêu tả là "mạng lưới cây tre" gồm các công ty có gốc gác Trung Quốc, gắn kết với nhau bởi "keo dính" là các giá trị Nho giáo về sự cần cù và căn cơ. Mạng lưới này thống trị nhiều ngành từ nông nghiệp đến tài chính.
Các tập đoàn do những huaren sáng lập cũng được hưởng lợi lớn từ quá trình kinh tế Trung Quốc mở cửa. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bắt đầu mở cửa vào những năm 1980, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm tiền bạc và kinh nghiệm từ các tỷ phú huaren. Nguồn vốn từ các huaren đóng vai trò quan trọng không kém so với vốn từ phương Tây. Năm 1979, CP trở thành doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên bước vào đặc khu kinh tế Thâm Quyến, nơi các doanh nghiệp được hưởng các chế độ đãi ngộ đặc biệt của thị trường tự do. Ngoài bán đường, Kuok sớm bắt đầu mở chuỗi khách sạn Shangri-La ở Trung Quốc, cung cấp chỗ ở thoải mái và quen thuộc cho các doanh nhân. Hiện ở Trung Quốc đã có vài chục khách sạn Shangri-La.
Trong khi đó Genting Group, một tập đoàn huaren khác đến từ Malaysia, đang xây dựng khách sạn hạng sang phục vụ thế vận hội mùa đông sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2022. Trung Quốc vẫn mua lượng lớn các mặt hàng như cao su và dầu cọ từ các tập đoàn huaren Đông Nam Á. Sinar Mas, tập đoàn của Indonesia được điều hành bởi gia tộc Widjaja, là một trong những nhà cung cấp giấy lớn nhất cho Trung Quốc.
Theo John Riady, người có ông nội là nhà sáng lập tập đoàn Lippo (có 20% doanh thu đến từ Trung Quốc), ngày nay Trung Quốc muốn vượt ra khỏi những thứ cơ bản như đã nói ở trên. Đang dẫn dắt mảng bất động sản của Lippo, Riady cho rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và những tập đoàn huaren đang bước sang một giai đoạn mới. Trung Quốc thèm muốn những khoản đầu tư lớn, đặc biệt là từ những công ty có công nghệ tiên tiến nhất, và các tập đoàn huaren coi mối quan hệ với Trung Quốc là 1 nguồn ý tưởng mới.
Mới đây CP đã xây dựng 1 nhà máy xử lý thịt gia cầm khổng lồ và tân tiến nhất ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi hàng triệu con gà được xử lý bằng những cánh tay robot. CP cũng đã rót khoảng 400 triệu USD vào các startup Trung Quốc trong các mảng công nghệ sinh học, dữ liệu và logistics. Còn Lippo thì mới mua cổ phần của Tencent.
Trung Quốc càng trở nên giàu có hơn, các huaren cũng tìm cách mang các khoản đầu tư của Trung Quốc về quê nhà. CP mới đạt được thỏa thuận với các ông lớn như China Mobile và Alibaba để phát triển những mảng liên quan đến công nghệ. Ant Financial của Alibaba còn phối hợp với Emtek, tập đoàn truyền thông của 1 huaren khác là Eddy Sariaatmadja, để đầu tư vào mảng thanh toán qua di động và thương mại điện tử.
Tiền Trung Quốc đang đổ vào thế hệ huaren mới. Grab và Sea Group, hai "kỳ lân" công nghệ có trụ sở ở Singapore đều được thành lập bởi những doanh nhân trẻ gốc Hoa và nhận được sự hậu thuẫn của Didi Chuxing cùng với Tencent.
Trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai con đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc cũng đang đầu tư tiền của vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á. Hầu hết các dự án BRI đều được thực hiện bởi các tập đoàn nhà nước Trung Quốc, nhưng vẫn có cơ hội dành cho các công ty nhanh nhẹn ở địa phương. Ở Indonesia, nhà Riadys đang làm việc với các đối tác Trung Quốc để phát triển dự án township trị giá 18 tỷ USD bên ngoài Jakarta. Ở Myanmar, tập đoàn Yoma đứng sau dự án xây dựng thành phố mới nằm cạnh thủ đô Yangon với sự giúp đỡ của Trung Quốc. CP sẽ sớm bắt đầu triển khai dự án đường sắt mới ở Thái Lan, hợp tác với tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc.
Những sáng kiến như vậy – và rộng hơn là những mối quan hệ thương mại với Trung Quốc – đang ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận trong nước và không phải tất cả đều là tích cực. Từ lâu những người gốc Hoa ở Đông Nam Á đã bị chỉ trích vì không trung thành. Năm ngoái, cộng đồng Hồi giáo ở Malaysia đã triển khai chiến dịch "mua hàng của người Hồi giáo" để tẩy chay các doanh nghiệp của người gốc Hoa. Ở Indonesia, nơi virus corona khiến nền kinh tế lún sâu vào suy thoái, cộng đồng người gốc Hoa có thể dễ dàng trở thành mục tiêu chỉ trích.
Bên cạnh đó, các tỷ phú huaren còn phải cư xử khéo léo để không khiến Bắc Kinh mếch lòng. Năm ngoái First Pacific, công ty tài chính có một phần thuộc sở hữu của Salim Group, đã có bài học xương máu khi Albert Del Rosario, cựu quan chức ngoại giao Phillipines, bay tới Hồng Kông tham dự cuộc họp cổ đông. Vì là người phê phán hệ thống chính trị của Trung Quốc, Del Rosario bị từ chối nhập cảnh và ông đã ngay lập tức rời khỏi hội đồng quản trị.
Một số nghĩ rằng mối kết nối với Trung Quốc giúp cho cuộc sống dễ thở hơn. "Tất nhiên điều đó hữu ích. Các tập đoàn gốc Hoa đã được hưởng lợi lớn từ đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc", Yeo – người đang làm việc cho Kerry Logistics (thuộc đế chế của tỷ phú Quách Hạc Niên) nói.
Tuy nhiên cũng không ít người bác bỏ việc gốc gác Trung Quốc tạo ra lợi thế kinh doanh. "Gốc gác Trung Quốc" hiếm khi là lý do chính để 1 công ty nước ngoài tìm kiếm cơ hội kiếm tiền ở Trung Quốc, Marleen Dieleman, học giả chuyên nghiên cứu về công ty gia đình tại ĐH quốc gia Singapore nói.
Trên thực tế, hầu hết các huaren là những người theo chủ nghĩa thực dụng. Họ coi lịch sử gia tộc là thứ hữu ích nhưng không phải là điều quyết định. Nhiều người cho rằng tập đoàn của họ hội nhập với kinh tế toàn cầu chứ không phải riêng Trung Quốc.
CP hiện sử dụng tổng cộng 325.000 lao động tại 21 quốc gia, và tập đoàn không còn tuyển dụng người chủ yếu từ Chinatown như trước mà là từ các trường đại học danh giá ở Mỹ và Trung Quốc. Suphachai cũng hào hứng kể về những mối quan hệ với các đối tác trên khắp thế giới, từ Nhật Bản đến Anh. Và CP cũng đang mở rộng hoạt động ở ngay tại Thái Lan. Hồi tháng 3, CP mua đứt các siêu thị của Tesco ở Thái Lan và Malaysia với giá 10,6 tỷ USD.
Trong khi đó ngài Riady cho rằng ngày nay Lippo giống với các tập đoàn đa quốc gia như Ford hay Goldman Sachs – những ông lớn nước ngoài phát triển tốt tại thị trường Trung Quốc dù không có bất cứ mối quan hệ nào về văn hóa.
Điều quan trọng hơn là nhiều tập đoàn đang bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực cho thế hệ tiếp theo. Những người trẻ tuổi hầu hết đi du học Mỹ và nói thứ tiếng Mandarin chắp vá có lẽ sẽ khó thích nghi với gốc gác hơn. Dẫu vậy, chắc chắn họ vẫn thừa hưởng những mối quan hệ, sự nhạy bén và cả sự thận trọng của gia đình. Giống như nhà sáng lập đã qua đời năm 2012 của Salim Group từng nói "cây to thì thường hút gió lớn", trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á ngày càng tăng lên như hiện nay, sự thận trọng không bao giờ thừa.