"Trong chiến tranh thương vong vì bom đạn là bình thường, dân thường còn dưới làn bom đạn huống chi là công an, bộ đội. Nhưng trong thời bình như thế này mà phải để cho dân, các chiến sĩ công an chịu ảnh hưởng bởi bom đạn là một điều cực kì đau lòng", Đại tá Phùng Tiến Triển – Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La chia sẻ sau khi kết thúc chuyên án đấu tranh với hai trùm ma túy Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận.
Đại tá Phùng Tiến Triển - Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La. Ảnh: Như Hoàn.
Tuân và Thuận ở đâu khi Tàng Keangnam vẫn là "ông trùm" ?
Hơn 4 năm trước, Công an tỉnh Sơn La và lực lượng Biên Phòng còn đang vất vả, tập trung toàn bộ lực lượng đấu tranh với đối tượng cộm cán Tráng A Tàng (tức Tàng Keangnam) cùng đồng bọn.
Tàng Keangnam khi đó nổi lên như một "ông trùm" có thể chi phối địa bàn, vị thế ngày càng lan tỏa ở khu vực Mai Châu, Mộc Châu và nhiều địa phương biên kia biên giới.
Sau khi mua bán nhiều chuyến hàng ma túy lớn, Tàng thu được rất nhiều tiền, mua nhiều vũ khí và sức lan tỏa vì thế ngày càng lớn. Trước khi bị bắt vào năm 2013, "ông trùm" này đang tìm một con đường mới để tiêu thụ ma túy. Hắn lên kế hoạch đi Mỹ để khảo sát địa bàn, khảo sát tuyến để vận chuyển hàng cấm sang tiêu thụ.
Thời điểm Tráng A Tàng còn là biểu tượng, niềm tự hào trong mắt người dân Lóng Luông (huyện Vân Hồ) về sự giàu có, hào phóng thì hai cái tên Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận chưa hề có trên địa bàn. Lúc đó, chúng đang trong tầm ngắm của C47 và Công an tỉnh Quảng Ninh khi phá chuyên án 006N.
Nguyễn Thanh Tuân (34 tuổi, quê ở Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội) có bốn lệnh truy nã đặc biệt về hành vi Mua bán trái phép chất ma túy, Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Nguyễn Văn Thuận (35 tuổi, quê ở Liêm Cầu, Thanh Liêm, Hà Nam) cũng có hai lệnh truy nã của cơ quan cảnh sát điều tra công an các tỉnh Quảng Ninh và Sơn La.
Căn nhà của Thuận và Tuân ẩn náu. Ảnh: Hoàng An.
Khi đường dây trong chuyên án 006N bị triệt phá, Tuân và Thuận trốn lên bản Tà Dê (xã Lóng Luông) xây dựng "đại bản doanh" rồi thu nạp đàn em chủ yếu là đối tượng nghiện, tiếp tục điều hành đường dây tuồn ma túy từ biên giới vào Việt Nam rồi vận chuyển về các tỉnh miền xuôi hoặc đưa sang nước thứ ba tiêu thụ.
Ở Tà Dê, chúng mua hoặc thuê lại nhà của người dân bản địa rồi tiến hành gia cố, đào hầm, xây tường bao quanh vững chắc. Lắp camera giám sát tứ phía, nuôi nhiều chó và thường xuyên cắt cử đàn em canh gác nên mọi hành động tiếp cận nơi ở của chúng gần như bất khả kháng.
Cứ thấy người lạ là nổ súng
Suốt 4 năm trời, Tuân, Thuận cùng đám đàn em đã reo rắc nỗi khiếp sợ cho người dân Tà Dê. Chúng nổ súng mọi lúc, kể cả đêm lẫn ngày hoặc mỗi khi say là chúng lại đem súng ra nổ.
Có những ngày, đàm em của hai ông trùm khoác AK ngồi trên chiếc xe bán tải đi diễu hành quanh bản rồi bắn lợn, gà thả rông của người dân. Chúng mua chuộc hoặc đe dọa những ai không chịu nghe lời, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng bị chúng vô hiệu hóa.
Lối vào thánh địa Tà Dê hướng từ ngã ba Vân Hồ. Ảnh: Hoàng An.
Thánh địa Tà Dê cách mặt Quốc lộ 6 không xa, để vào bản có 3 tuyến đường chính, con đường gần nhất dài hơn 5km nhưng phải đi bộ. Hai cung đường khác dài gần 20km có thể di chuyển được bằng xe máy, ô tô nhưng phải đi vòng lên ngã ba Vân Hồ hoặc men theo sườn núi treo leo qua địa phận Hang Kia của huyện Mộc Châu, tỉnh Hòa Bình rồi mới vòng lại.
Có những thời điểm hoạt động thương mại, giao lưu ở Tà Dê với thế giới bên ngoài gần như bị cắt đứt. Nhiều người dân trồng được nông sản không thể bán vì không ai dám vào mua. Họ chỉ còn cách duy nhất là tập trung vài hộ thu gom cùng lúc, rồi thuê phương tiện vận chuyển ra bên ngoài.
Người ở nơi khác nếu có quan hệ họ hàng với dân trong bản mỗi lần đến chơi đều phải có người đưa đón. Bất kỳ bước chân lạ nào lạc vào gần "đại bản doanh" đều có thể lĩnh đạn.
"Đến mình vào làng cũng không được mặc quần áo công an xã, chỉ dám mặc bộ đồ bình thường thôi. Mình nói chuyện với họ thì không sao, nhưng nếu mặc quần áo công an hoặc dẫn người lạ vào là họ nổ súng. Nổ súng nhiều lần lắm rồi", ông Thào A Sùng – người có 27 năm làm Trưởng công an xã Lóng Luông đã phải thốt lên như vậy.
3 lớp bao vây, tấn công thẳng vào "sào huyêt"
Xe bọc thép tại hiện trường. Ảnh: CAND - Hoàng An.
Để đấu tranh, truy bắt hai đối tượng đặc biệt nguy hiểm này, Công an tỉnh Sơn La đã xác lập chuyên án mang các bí số 18TN với Tuân và 19TN với Thuận.
Từ ngày 27 - 30/6/2018, khoảng 300 cán bộ chiến sĩ thuộc Công an tỉnh Sơn La và Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động (Bộ Công an) được trang bị hỏa lực, sáu xe bọc thép tiến vào bản Tà Dê bao vây hai "sào huyệt" của hai ông trùm đang ấn náu.
Vài giờ đồng hồ trước cuộc tấn công, cấp ủy, chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 100 hộ dân trong bản Tà Dê đến nhà văn hóa ở bản Lóng Luông cách đó hơn 1km để đảm bảo an toàn.
Trước đó, cảnh sát cũng từng bước ngăn chặn người thân của chúng từ ngoài vào. Đưa mười đối tượng đã có hành vi phạm tội trú ngụ tại nhà Nguyễn Thanh Tuân về trại giam. Việc đưa được chúng ra ngoài là một thành công ban đầu của ban chuyên án nhằm hạn chế con số thương vong cho cả hai bên. Bởi mười đối tượng này là mười tay súng.
Qúa trình tác chiến, lực lượng đặc nhiệm chia làm ba lớp để vây bắt. Trong đó: Lớp một, làm nhiệm vụ áp sát nhà, tấn công truy bắt kẻ phạm tội. Lớp hai, ở vòng ngoài vận động, kêu gọi tội phạm ra đầu thú. Lớp ba, lập chốt canh gác trên mọi ngả đường vào Tà Dê cách hiện trường vài trăm mét kiểm tra toàn bộ phương tiện, cấm người lạ đi lạc nhằm hạn chế thương vong, đồng thời, ngăn chặn đồng bọn của chúng đến giải cứu.
Hai căn hầm trú ngụ trong nhà Tuân, Thuận. Ảnh: Hoàng An.
Trong ngày thứ nhất, một tổ cảnh sát vũ trang cùng xe bọc thép tiếp cận căn nhà của Nguyễn Văn Thuận. Lực lượng đã tiêu diệt tên này sau cuộc thương thuyết, yêu cầu đối tượng ra đầu hàng nhưng không thành.
Cùng lúc đó, một tổ đặc nhiệm khác bao vây căn nhà của Nguyễn Thanh Tuân nhưng "ông trùm" cùng đám đàn em đã cầm súng bắn, ném lựu đạn chống trả quyết liệt. Chúng chuẩn bị bình gas, bình nhựa đựng xăng xếp quanh các lối đi, sẵn sàng cho nổ tung nếu lực lượng tiến vào bên trong.
Ở bên ngoài, từ xe bọc thép cảnh sát cũng đồng loạt nổ súng bắn trả liên tiếp làm sập tường bao và một phần ngôi nhà. Cho bớm nước vào căn hầm trú ngụ nhưng gặp khó khăn bởi khung nhà kiên cố, bên trên có mái tôn che chắn vững chắc.
Những ngày tiếp theo, cảnh sát mời mẹ của một trong số các đối tượng lên. Khi có mặt tại hiện trường, người mẹ này ngồi trong xe bọc thép nói qua chiếc loa: "Con ơi, con đầu thú đi. Con không đầu thú, con sẽ chết. Con chết, mẹ sống cũng chẳng khác gì con". Nhưng gọi đến khàn cổ các đối tượng ở bên trong vẫn ôm vũ khí quyết tử thủ.
Sau hơn ba ngày vây ráp, dùng hỏa lực công phá, lực lượng chức năng đã tiêu diệt ba người trong đó có Tuân và Thuận, bắt sống ba đối tượng khác.
Cảnh sát phải dùng thiết bị kỹ thuật để vô hiệu hóa toàn bộ vũ khí có thể phát nổ, gây sát thương để đảm bảo an toàn cho tổ công tác gồm cán bộ Pháp y, Viện kiểm sát… vào khám nghiệm hiện trường.
Những chiếc két sắt chỉ có vài ngàn đô la cháy, tiền lẻ và vũ khí
Thu giữ lượng lớn vũ khí, gố quý tại hiện trường. Ảnh: Hoàng An.
Tại hiện trường hai "sào huyệt" bị triệt phá, cảnh sát thu số lượng lớn vũ khí gồm: 49 khẩu súng các loại (AK, AR15, SămPlêch, K54, K59, Colt); 17 quả lựu đạn; hơn 7.000 viên đạn; 31 hộp tiếp đạn; 29 ống giảm thanh, ống ngắm súng; 3 ống nhòm; nhiều vỏ đạn các loại; 11 căn xăng dầu; 23 bình gas; 1 bộ máy ép thủy lực, 2 ô tô; 5 xe máy.
Ngoài ra, còn thu giữ tại hiện trường khoảng 25m3 gỗ Sến, Bách Xanh, ô tô, xe máy cùng nhiều tang vật liên quan khác.
Trước cuộc tấn công, cả Tuân và Thuận đều biết đang bị bao vây nên đã tìm cách tẩu tán tài sản, chuyển số lượng lớn tiền về cho gia đình qua ngân hàng. Chủ động không cho các đối tác vận chuyển ma tuý cho mình.
Qua kiểm tra hai két sắt tại hiện trường, két thứ nhất có chứa vài nghìn đô la đã cháy, còn phần lớn là tiền lẻ mệnh giá 1.000 và 2.000 đồng. Ở két sắt thứ hai chứa rất nhiều vũ khí, súng đạn.
Căn nhà của Nguyễn Văn Thuận vẫn chưa được tháo dỡ. Ảnh: Hoàng An.
Lực lượng chức năng mất khá nhiều thời gian kiểm kê, vận chuyển số tang vật tại hiện trường về trụ sở phục vụ công tác mở rộng điều tra.
Sau khi công tác khám nghiệm hiện trường hoàn tất, ngay trong đêm 30/6, lực lượng chức năng đã huy động máy xúc, máy ủi san phẳng căn nhà của Nguyễn Thanh Tuân. Riêng căn nhà của Nguyễn Văn Thuận do đối tượng thuê của người bản địa, nên lực lượng chức năng địa phương vẫn chờ hướng chỉ đạo của ban chuyên án.