Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong

Huệ Bình - Lê Duy |

Ông Kazuo Odachi, 93 tuổi, là một số ít các phi công cảm tử Thần Phong (kamikaze) còn sống sót và đã giữ kín bí mật của mình trong hơn 60 năm.

Năm 17 tuổi, ông trở thành phi công kamikaze, một trong hàng ngàn thanh niên Nhật Bản được giao nhiệm vụ hy sinh mạng sống trong các cuộc tấn công tự sát gần cuối Thế chiến thứ 2.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 1.

Bức chân dung của ông Kazuo Odachi năm 18 tuổi trong bộ đồng phục phi công. Ảnh: New York Times

Khi xây dựng gia đình và sự nghiệp với tư cách là cảnh sát Tokyo, ông Odachi giữ kín bí mật quá khứ với hầu như tất cả mọi người, kể cả vợ ông. Bà ấy chỉ biết rằng ông từng là một phi công hải quân Nhật Bản. Ông cảm thấy quá khó để giải thích quá khứ đó với một xã hội chủ yếu coi phi công Thần phong là những kẻ cuồng nhiệt vì một sự hy sinh khó lý giải.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 2.

Theo tờ The New York Times, qua nhiều năm, khi mối quan hệ phức tạp của Nhật Bản với chiến tranh dần thay đổi, ông Odachi bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình với một nhóm nhỏ bạn bè. Vào năm 2016, ông xuất bản hồi ký, kể lại việc bản thân từng mất ngủ hàng đêm và tự hỏi liệu ngày mai có đến lượt mình chết rồi bị tuyên bố mất tích hay không.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 3.

Trung úy Lục quân Mỹ Mary Jensen nhìn lỗ thủng trên boong tàu bệnh viện Hải quân Comfort. Một phi công cảm tử Nhật Bản lao vào con tàu ở ngoài khơi Okinawa bằng chiếc máy bay chở đầy bom. Ảnh: Bảo tàng Quốc gia về Chiến tranh Thái Bình Dương

Thần phong (kamikaze) là biểu tượng mạnh mẽ nhất của cuộc chiến tranh ở Nhật Bản, một ví dụ sinh động về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành và chủ nghĩa cuồng tín võ thuật. Với những ai kinh qua chiến tranh, kamikaze biểu trưng cho các đức tính truyền thống và tinh thần hy sinh bản thân mà họ tin rằng không còn trong xã hội Nhật Bản hiện đại.

Cũng có quan điểm cho rằng những phi công này thuộc thế hệ bị tiêu diệt bởi chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản và là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc duy trì chủ nghĩa hòa bình sau chiến tranh của đất nước.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 4.

Ông Kazuo Odachi tại nhà riêng ở Tokyo. Ảnh: New York Times

Bản thân ông Odachi ít quan tâm đến chính trị. Giờ đây, ông chào đón những vị khách đến thăm nhà ở ngoại ô Tokyo và có hứng thú nghe ông kể lại chiến trận năm xưa. Ông kiên quyết chống chiến tranh và cho rằng hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của Nhật Bản vẫn ổn. Tuy nhiên, ông vẫn là một người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự vệ của đất nước.

Ông Odachi không hối tiếc về quyết định nhập ngũ của mình năm xưa. Ông đến thăm đền Yasukuni - nơi chôn cất nhiều thế hệ liệt sĩ của Nhật Bản cùng với một số tội phạm chiến tranh khét tiếng nhất - vài lần mỗi năm để an ủi linh hồn của những người bạn đã chết trong chiến đấu.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 5.

Lớn lên trong một ngôi làng gần căn cứ không quân, ông Odachi bị mê hoặc bởi những chiếc máy bay. Khi chiến tranh bắt đầu, ông nhất quyết một ngày nào đó mình sẽ điều khiển một chiếc. Ông gia nhập lực lượng vũ trang Nhật Bản vào năm 1943.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 6.

Món quà từ một phụ nữ trẻ mà ông Odachi gặp ở Đài Loan: chiếc khăn lụa có thêu hoa anh đào và chiếc mỏ neo màu xanh. Ảnh: New York Times

Ông Odachi cho biết các thành viên kamikaze được tôn vinh như hoa anh đào, một loài hoa có vẻ đẹp ngây ngất và nổi tiếng bởi sự tồn tại ngắn ngủi của nó. Ngay cả những chiếc cúc áo trên đồng phục của kamikaze cũng được in nổi hình bông hoa, tựa hồ lời nhắc nhở về cái chết sắp xảy ra trong trận chiến.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 7.

Chân dung ông Kazuo Odachi hồi còn trẻ

Khi ông đến Đài Loan vào tháng 8-1944 (lúc ấy đã bị Nhật Bản chiếm đóng), cuộc chiến đang bước vào giai đoạn kết thúc. Lực lượng Nhật Bản thất bại trước ưu thế công nghệ của Mỹ và năng lực sản xuất vượt trội của cỗ máy chiến tranh Mỹ. Chiến thắng của quân đồng minh là điều có thể dự liệu và chiến thuật của Nhật Bản bắt đầu đòi hỏi sự hy sinh con người nhiều hơn.

Trong các trận không chiến, các phi công đã được hướng dẫn "nhắm mục tiêu để tiêu diệt kẻ thù bằng các cánh quạt". Ông Odachi viết trong hồi ký: "Tất nhiên, cái chết là điều chắc chắn nếu điều này xảy ra nhưng ít nhất chúng ta cũng sẽ kéo kẻ thù chết chung". Chiến thuật dựa trên niềm tin rằng các phi công Nhật Bản sẵn sàng từ bỏ mạng sống.

Sức mạnh của niềm tin đó đã được đưa vào thử nghiệm vào tháng 10-1944, khi Hải quân Nhật Bản quyết định đánh cược mọi thứ để ngăn chặn cuộc tấn công của Mỹ vào lực lượng của họ ở Philippines, trong trận hải chiến vịnh Leyte (Philippines).

Các sĩ quan Nhật Bản giải thích cho ông Odachi và đồng đội về nhiệm vụ cảm tử và yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện. Khi biết tin này, họ choáng váng và im lặng. Ông viết: "Về cơ bản, chúng tôi bị lừa dối để tự tử".

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 8.

Ngày 25-10, ông Odachi chứng kiến ​​cuộc xuất kích thành công đầu tiên của các chiến binh cảm tử cất cánh từ một đường băng bị đánh bom ở Philippines. Ông Odachi và các đồng đội nhanh chóng nhận thấy mình bị kìm kẹp tại đảo quốc này khi các máy bay ném bom của Mỹ phá hủy nhiều máy bay còn lại của phi đội ông.

Nhiều tháng sau, ông và nhiều người khác trốn thoát đến Đài Loan. Ngày 4-4-1945, ông được lệnh thực hiện nhiệm vụ đầu tiên trong 10 tháng làm phi công cảm tử. Chiếc Zero của ông Odachi - máy bay chiến đấu Nhật Bản thống trị bầu trời Thái Bình Dương trong những năm đầu chiến tranh – tải theo một quả bom gần 500 kg, nặng đến mức không thể bay qua mặt kẻ thù.

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 9.

Nhóm bạn (từ phải sang trái): Shigeru Ohta, Alexander Bennett, Kazuo Odachi và Hiroyoshi Nishijima gặp nhau thông qua niềm đam mê kiếm đạo và cùng nhau xuất bản cuốn "Hồi ký của Odachi" với phiên bản tiếng Nhật và tiếng Anh. Ảnh: Japan Times

Khi các máy bay chiến đấu của Mỹ phát hiện, ông thả quả bom xuống biển và tìm cách trốn thoát. Trong lần xuất kích tiếp theo, đội ông không tìm được mục tiêu. Sáu nhiệm vụ tiếp theo cũng kết thúc trong thất bại. Sau mỗi lần thử, đội của ông sẽ phải đợi hàng tuần cho nhiệm vụ tiếp theo. Mỗi đêm, các sĩ quan thông báo ai sẽ bay vào trận chiến vào ngày hôm sau.

Ông viết: "Có cảm giác giống như nhận án tử hình, thật đau đớn". Nhưng rồi cuối cùng, ông và đồng đội "trở nên lãnh cảm với chuyện sống chết. Mối quan tâm duy nhất của chúng tôi là làm cho khoảnh khắc cuối cùng có ý nghĩa".

Chuyện chưa kể của phi công Thần Phong - Ảnh 10.

Bìa sách cuốn hồi ký của ông Kazuo Odachi

Khoảnh khắc đó chưa đến với ông Odachi. Trong nhiệm vụ cuối cùng, máy bay của ông chuẩn bị cất cánh thì một thành viên của đội mặt đất chạy lên đường băng, la hét và vẫy tay yêu cầu phi đội dừng lại. Nhật hoàng vừa tuyên bố Nhật Bản đầu hàng. Ông Odachi được về nhà.

Kỷ vật thời chiến tranh của ông Odachi là một số ít bức ảnh và món quà từ một phụ nữ trẻ mà ông gặp ở Đài Loan: Một chiếc khăn lụa có thêu hoa anh đào và chiếc mỏ neo màu xanh. Ông Odachi chưa bao giờ tiết lộ danh tính của người phụ nữ. Đó là một trong số ít những điều về cuộc chiến mà ông mãi không muốn nhắc đến.

Ông Odachi nói mọi người thường nhận xét rằng kamikaze "không coi trọng mạng sống của chính họ". Thế nhưng qua cuốn hồi ký của mình, ông không chỉ nói về cái giá phải trả của chiến tranh mà còn về tính nhân văn của những người trẻ tuổi đã hy sinh mạng sống.

"Chúng tôi ở cùng độ tuổi với học sinh trung học và sinh viên năm nhất đại học ngày nay. Không có một người nào trong số chúng tôi có thể tự mình quyết định cái chết".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại