Chuyện chiếc ống nhòm và vị tướng của Trường Sa

Trần Thanh Hằng |

Nhắc đến ông, cán bộ chiến sỹ Hải quân không chỉ nói về vị Đô đốc đầu tiên của Quân chủng mà thường nhắc đến “Tầm nhìn Giáp Văn Cương”, “Ý chí Giáp Văn Cương”. Ông là vị Tư lệnh có mặt ở Trường Sa nhiều lần nhất. Mỗi lần đi, ông đều mang theo chiếc ống nhòm. Giờ đây, nó là hiện vật quý đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mang số đăng ký 11980 QH-75.

Đô đốc Giáp Văn Cương (13/9/1921 - 23/3/1990) quê thôn Thép Thượng, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Từ một người lính bộ binh đầy kinh nghiệm trận mạc, ông trở thành một người chỉ huy hải quân lỗi lạc.

Từ tháng 3/ 1977 -1980, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Năm 1984, ông được bổ nhiệm là Tư lệnh Quân chủng Hải quân lần thứ 2 và giữ cương vị này đến khi qua đời năm 1990.

Suốt 9 năm gắn bó với biển cả, ông đã tận tâm, tận lực cùng đồng đội xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo - một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Tên tuổi của ông, sự nghiệp của ông nổi bật với vai trò Tư lệnh trong chiến dịch CQ-88 (Bảo vệ chủ quyền năm 1988 tại quần đảo Trường Sa). Năm 1988, ông được phong Đô đốc Hải quân nhân dân Việt Nam.

Năm 1984, trên biển Đông xuất hiện "diễn biến lạ". Hải quân Trung Quốc liên tục có những hoạt động khiêu khích làm tình hình biển Đông ngày một căng thằng.

Lúc này, Phó Đô đốc Giáp Văn Cương lần thứ hai được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Hải quân. Với tầm nhìn chiến lược, tư duy quân sự sắc bén, trên cương vị mới, ông dự báo: "Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân nhân dân Việt Nam".

Chuyện chiếc ống nhòm và vị tướng của Trường Sa - Ảnh 1.

Đô đốc Giáp Văn Cương.

Trong hai năm 1986 - 1987, một mặt ông yêu cầu bộ phận tác chiến soạn thảo gấp kế hoạch và phương án phòng thủ Trường Sa, mặt khác ông chủ động và kiên trì đề xuất với Bộ Chính trị và Đảng ủy quân sự Trung ương chấp thuận kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và thềm lục địa phía Nam.

Tháng 5/1987, tình hình biển Đông càng diễn biến phức tạp hơn khi Hải quân Trung Quốc diễn tập lớn ở khu vực quần đảo Trường Sa. Cũng thời điểm này, Đô đốc Giáp Văn Cương thường xuyên ra Trường Sa để kiểm tra thực địa. "Đồ nghề" ông mang theo ra biển ngoài súng ngắn, la bàn còn có chiếc ống nhòm do Liên Xô (cũ) sản xuất, vừa được Quân chủng Hải quân trang bị.

Đây là loại ống nhòm quân sự, vừa chống thấm nước, chống đọng sương, chống va đập, có khả năng dùng trong mọi điều kiện thời tiết và môi trường khắc nghiệt nhất.

Với Đô đốc Cương, chiếc ống nhòm này là "con mắt xa" giúp ông quan sát các đảo nổi, đảo chìm thuộc chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa. Từ những vị trí các đảo được định vị, ông cùng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân nghiên cứu đưa ra quyết sách giữ đảo.

Chuyện chiếc ống nhòm và vị tướng của Trường Sa - Ảnh 2.

Đô đốc Giáp Văn Cương kiểm tra bắn đạn thật ở Trường Sa năm 1988.

Ngày 6/11/1987, Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức phê chuẩn kế hoạch tác chiến bảo vệ chủ quyền Biển đảo 1987-1990 và ban hành Mệnh lệnh số 1679/ML-QP, giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đưa lực lượng ra giữ các bãi cạn. Ngày 30/11/1987, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra Nghị quyết 06-NQ/TW về đấu tranh bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thực thi mệnh lệnh của Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu đối với lực lượng bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; tăng cường phòng thủ quần đảo Trường Sa và điều lực lượng chốt giữ thêm một số đảo xung quanh các đảo đã đóng giữ, để tạo nên sức mạnh của một cụm đảo.

Đề phòng xung đột quân sự nhỏ trên khu vực Trường Sa có thể bùng nổ thành một cuộc chiến tranh lớn trên biển. Tư lệnh Giáp Văn Cương ra lệnh: Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết táo bạo, với phương châm "có người, có đảo; còn người, còn đảo".

Để chỉ huy quân chủng hoàn thành tốt nhiệm vụ, Tư lệnh Giáp Văn Cương thường xuyên ra Trường Sa kiểm tra, thị sát việc phòng thủ quần đảo Trường Sa, nắm tình hình nơi ăn, chốn ở, đời sống của những người lính làm nhiệm vụ nơi đảo xa để rồi tạo những điều kiện tốt nhất cho họ yên tâm làm nhiệm vụ.

Ông thấu hiểu cuộc sống đầy gian khổ của họ, đất liền khó khăn một thì nơi đầu sóng, ngọn gió này khó khăn lớn gấp nhiều, nhiều lần. Ngay đến nước ngọt nơi đây cũng pha muối mặn, chỉ đủ nấu chín cơm...

Chuyện chiếc ống nhòm và vị tướng của Trường Sa - Ảnh 3.

Tàu HQ505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14/3/1988.

Tình hình biển Đông càng phức tạp, ông càng quan tâm đến Trường Sa hơn và những chuyến đi Trường Sa của ông ngày càng dày hơn. Chiếc ống nhòm giúp ông nối tầm mắt xa hơn, dõi theo từng cọc tiêu, mốc biển, động tĩnh của biển…

Xung đột quân sự trên biển Đông giữa Hải quân nhân dân Việt Nam và Hải quân Trung Quốc đã diễn ra. Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng các chỉ huy Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã vào Bộ chỉ huy Vùng 4 trực tiếp theo dõi, chỉ huy. Vào dịp Tết năm 1988, ông đã ra lệnh: "Không có Tết, tất cả cơ quan báo động, toàn bộ cơ quan vào Cam Ranh".

Mặc dù điều kiện phương tiện, trang bị của Hải quân Nhân dân Việt Nam tại khu vực vùng 4 chỉ gồm các tàu cũ, chủ yếu là tàu vận tải, sức chở hạn chế, hỏa lực yếu nhưng Bộ Tư lệnh Quân chủng vẫn hạ quyết tâm đóng giữ cụm tam giác Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao trước khi các tàu chiến của Trung Quốc kéo đến đây.

Cho rằng "bằng mọi giá phải giữ được các đảo", ông ra lệnh cho toàn quân chủng: "Nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh, ra Trường Sa củng cố giữ đảo".

Đối với những đảo chìm thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng chưa có quân đồn trú, ông yêu cầu "kiên quyết đóng nhanh, đóng đồng thời tất cả các đảo, nếu cần có thể dùng mọi loại tàu để ủi bãi". Ủi bãi là cho tàu mở hết tốc lực lao thẳng lên cạn ở điểm đảo. Đó là một quyết định táo bạo vì ông coi chủ quyền lớn hơn tất cả.

Chuyện chiếc ống nhòm và vị tướng của Trường Sa - Ảnh 4.

Ống nhòm của Đô đốc Giáp Văn Cương - Ảnh Văn Tùng.

Tháng 3/1988, Hải quân Trung Quốc tấn công đảo Gạc Ma. Tư lệnh Giáp Văn Cương nói: "Dù phải hi sinh đến người cuối cùng vẫn phải giữ đảo! Chúng ta không được sợ! Phải nhanh chóng khẳng định chủ quyền ở các đảo chìm khác trước khi Trung Quốc đến! Không thể để họ cướp đảo như Gạc Ma lần nữa".

Theo lệnh của ông, ngày 14/3/1988, con tàu HQ505 của Hải quân Việt Nam đã lao thẳng lên đảo Cô Lin. Con tàu biến thành công sự thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.

Giờ đây, khi nhắc đến Trường Sa và nhà giàn DK1, không ai có thể quên được vị tướng luôn có mặt nơi khó khăn gian khổ nhất, cùng đồng cam cộng khổ, động viên các chiến sỹ Hải quân chắc tay súng để bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc.

Ông được bộ đội nơi đầu sóng ngọn gió vinh danh "Vị tướng của Trường Sa", "Tư lệnh Trường Sa năm 1988". Ngày 7/5/2010, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong một lần sưu tầm tại nhà cố Đô đốc Giáp Văn Cương, chúng tôi may mắn gặp chị Giáp Thị Minh là con gái ông. Chỉ về những kỷ vật của ông đặt trên ban thờ bên cạnh di ảnh của người cha, chị nói:

"Đây là những kỷ vật duy nhất còn lại của bố tôi. Đặc biệt là chiếc ống nhòm nó là vật bất ly thân ông luôn mang theo khi đi Trường Sa… Gia đình có bấy nhiêu thứ đó làm kỷ niệm". Bằng sự thuyết phục có tình, có lý, cuối cùng chị Minh đã đồng ý trao cho bảo tàng những kỷ vật của Đô đốc Giáp Văn Cương.

Trong đó, chiếc ống nhòm là một kỷ vật quý không chí gắn với vị đô đốc Hải quân đầu tiên mà còn là kỷ vật gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại