“Dịp này, đa số bệnh nhân vào viện là nặng, rất nặng, vì nếu cầm cự được không có bệnh nhân nào muốn vào viện dịp nghỉ lễ Tết”, đây là chia sẻ của BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt-Xô trong những ngày cuối năm 2022, khi chuẩn bị bước vào những ngày trực trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
BS Khiêm cho biết, sau dịch COVID-19, bệnh nhân đến viện nhiều hơn. Đáng chú ý, sau thời gian ảnh hưởng dịch, phải giãn cách, nhiều bệnh nhân có bệnh mạn tính tiến triển nặng hơn. Hậu COVID-19 cũng ảnh hưởng tới các bệnh tim mạch, hô hấp… nên bệnh nhân vào viện cũng nặng hơn. Cùng với đó, sau COVID-19, dịch sốt xuất huyết, cúm… diễn biến phức tạp và Khoa Cấp cứu “gánh thêm” một phần công việc.
BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt-Xô.
Cấp cứu sinh tử
Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt-Xô có 32 nhân viên, với 20 giường. Cấp cứu là khoa duy nhất trong bệnh viện không bao giờ được báo hết giường, không bao giờ được phép từ chối người bệnh. Kể cả nằm hành lang hay nằm cáng thì có bệnh nhân là bác sĩ phải đón.
BS Khiêm chia sẻ về một ca trực cấp cứu sinh tử quen thuộc của mình cùng các đồng nghiệp, đó là khi có 1 bệnh nhân được đưa vào vì nhồi máu cơ tim, có dấu hiệu sốc tim. Việc đầu tiên là phải điều trị sốc cho bệnh nhân, gồm đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, nội khí quản, cho thở máy... Cùng lúc đó, lại có một bệnh nhân chấn thương được đưa vào. Bác sĩ vừa phải đưa ra y lệnh cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim, vừa phải quan sát bệnh nhân chấn thương, đánh giá mức độ tổn thương sơ bộ.
“Sau khi đặt đường truyền cho bệnh nhân chấn thương để truyền thuốc giảm đau, sơ cứu vết thương, chúng tôi quay vào làm cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Xong lại quay sang đánh giá tình trạng bệnh nhân bị chấn thương. Lúc đó, phải thêm một khâu là giải thích cho người nhà cả hai bệnh nhân về tình trạng bệnh. Nếu người nhà không hiểu, khi xảy ra biến cố bất thường họ rất dễ phản ứng, cho rằng bác sĩ lơ là không cấp cứu cho người nhà họ. Những việc ấy đan xen nhau, mình phải sắp xếp thời gian hợp lý mà vẫn đảm bảo công việc”, BS Khiêm nói.
Với các bác sĩ cấp cứu, người bệnh bình phục chính là niềm vui, nuôi dưỡng lòng yêu nghề của họ. Khi cấp cứu một ca ngừng tuần hoàn thành công mà không ảnh hưởng tới não, đưa họ từ cõi chết trở về, niềm vui của người nhà đôi khi đơn thuần là tình cảm gia đình, còn với nhân viên y tế, đó không chỉ là tình cảm mà còn là sự thành công trong nghề, nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng.
“Có cụ vào viện không đi lại được, xác định cuộc sống chấm hết, chất lượng cuộc sống không còn. Nhưng sau một thời gian, bệnh nhân đi lại được, phục hồi và trở lại bệnh viện không phải để khám mà để nói lời cảm ơn bác sĩ… Đó là những giá trị không thể đong đếm được. Đó là động lực, là điều chứng minh nghề của mình hoàn toàn có ích, việc mình làm, sự vất vả của mình được đền đáp xứng đáng”, BS Khiêm nói.
Bi hài tại phòng cấp cứu
“Các dịp lễ Tết, bi hài nhất là cấp cứu các trường hợp say rượu. Lúc đó, bác sĩ phải dỗ, lựa theo bệnh nhân. Hay có những bệnh nhân muốn bác sĩ truyền thuốc, truyền nước theo ý họ, khi đó dù họ 70-80 tuổi cũng phải dỗ như trẻ nhỏ”, BS Khiêm kể lại.
Theo BS Khiêm, thuyết phục bệnh nhân khó 1 thì người nhà bệnh nhân khó 10. Khi đặt vấn đề làm thủ thuật cho người bệnh, đôi khi người nhà bệnh nhân lo sợ vì họ đọc trên mạng thấy nhiều nguy cơ, nhiều rủi ro. Nhưng nếu không làm thủ thuật thì bệnh nhân sẽ tử vong.
“Cấp cứu vốn đã rất gấp, nhưng lúc đó phải cử 1 người cứng nhất tua trực đứng ra giải thích cho người nhà rằng thủ thuật đó cực kỳ cần thiết để cứu bệnh nhân. Tai biến có thể xảy ra là về lý thuyết. Khi bác sĩ làm thủ thuật sẽ cố gắng tối đa để không xảy ra tai biến. Khi đó, bác sĩ cấp cứu mất thời gian hơn nhiều. Nếu cùng lúc có nhiều bệnh nhân cấp cứu thì thời gian giải thích gần như không đủ. Đó vừa là bi, hài cũng là khó khăn”, BS Khiêm nói.
Không hiếm các trường hợp, bác sĩ, nhân viên y tế bị dọa nạt, bị hành hung ngay tại phòng cấp cứu… Cấp cứu có nguyên tắc chỉ ưu tiên bệnh, không ưu tiên người, bệnh nặng ưu tiên trước, nhẹ trì hoãn sau. Có thời điểm 2-3 ca tai nạn vào cùng lúc và cấp cứu luôn phải ưu tiên đánh giá ban đầu là bệnh nhân nào phải cấp cứu ngay, bệnh nhân nào có thể trì hoãn. Nhưng người nhà đôi khi không hiểu việc đó, họ chỉ biết họ vào trước hoặc người nhà họ quan trọng hơn nên đòi hỏi phải cấp cứu trước.
“Vậy bác sĩ cấp cứu có bao giờ nổi cáu với người nhà bệnh nhân?” Trả lời câu hỏi này, BS Khiêm khẳng định: “BS khoa cấp cứu chỉ cáu với nhau thôi!”.
Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Hữu nghị Việt-Xô nhìn nhận rằng, người ta càng quan tâm tới người nhà đang phải cấp cứu thì họ càng sốt ruột. Và nhu cầu chính đáng của họ là được hiểu về bệnh và được giải thích. Nên việc cáu với người nhà bệnh nhân là sai lầm, vô hình chung đẩy quan hệ căng thẳng hơn, không giải quyết được công việc, thậm chí có thể nảy sinh xung đột.
“Đây là kinh nghiệm phải mất cả chục năm mình mới rút ra được. Nên mình cũng động viên, chia sẻ với nhân viên rút kinh nghiệm từ mình. Nhưng bác sĩ cáu với nhau thì có vì áp lực căng thẳng quá”, BS Khiêm chia sẻ.
Khó khăn và lòng yêu nghề
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành y tế sau hơn 2 năm chống đại dịch COVID-19, không ít nhân viên y tế đã nghỉ việc, chuyển sang bệnh viện tư làm vì áp lực, vì lương thấp… Với các bác sĩ cấp cứu, họ luôn động viên chia sẻ với nhau để xác định rằng phục vụ người bệnh luôn là nghề cao quý, đáng được trân trọng.
“Thật ra có người đã gắn bó với bệnh viện 10-20 năm, nhưng họ cũng ra đi. Đó là nỗi buồn của ngành. Với nghề y phải yêu nghề mới làm được. Lúc này phải nâng tình yêu ấy lên, yêu nghề, yêu công việc thì mới vượt qua được. Nếu chỉ xác định đây là một nghề để kiếm sống thì như những nghề khác, người ta sẽ đi theo quy luật của cuộc sống là chỗ nào lương cao thì sẽ tìm đến. Lúc này phải đề cao tính nhân văn của nghề y”, BS Khiêm chia sẻ.
Cũng theo BS Khiêm, ở bất cứ môi trường làm việc nào, điều quan trọng là giữ được tập thể đoàn kết, có sự chia sẻ trong cuộc sống, trong công việc, giúp mọi người vững vàng hơn và giữ chân mọi người ở lại: “Nhưng cuộc sống phải có đủ điều kiện mới sống được. Rất mong sau này chế độ đãi ngộ cải thiện hơn sẽ làm lòng yêu nghề vững vàng, tốt đẹp hơn”.
Bên cạnh đó, “hậu phương” hiểu được, thông cảm được thì lòng yêu nghề của người trong ngành y thì sẽ được củng cố hơn. Với BS Khiêm, việc cả gia đình đang đi chơi phải quay lại để “ba” đến viện gấp là điều rất bình thường. Chính BS Khiêm cũng thường xuyên chia sẻ về nghề của mình để các con hiểu, bởi nếu không có sự cảm thông của gia đình thì không ai có thể đi tiếp.
“May mắn vợ mình làm ngành y nên cũng động viên “thôi ba cố gắng ba đi”, chứ có thể trong lòng cũng buồn lắm. Các con khi còn bé cũng trách, sao đang đi chơi ba lại đi làm. Sau này lớn lên, các con đã rất ngưỡng mộ ba, tự hào khi nói chuyện với bạn bè, đặc biệt có ba làm cấp cứu…”, BS Khiêm chia sẻ./.
Chuyện buồn vui của bác sĩ cấp cứu