Chị Hoàng Thị Xuân Hương, hiện đang là nghiên cứu sinh năm cuối tại Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) vừa trở về Việt Nam hôm 23/11 đã chia sẻ với Báo Điện tử Trí Thức Trẻ về những trải nghiệm trong những tháng qua ở Hồng Kông., khi các cuộc biểu tình bắt đầu trở nên căng thẳng.
---
Cuộc biểu tình chuyển sang giai đoạn mới sau khi Hội đồng lập pháp bị đập phá
Khi các cuộc biểu tình bắt đầu diễn ra ở Hồng Kông, tôi đang ở Việt Nam thu thập số liệu phục vụ cho luận văn của mình. Qua thông tin trên truyền thông, tôi được biết, khi đó các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa và lịch sự, không đập phá. Vì vậy, sau khi kết thúc việc thu thập số liệu, tôi tiếp tục quay trở lại Hồng Kông để hoàn thành luận văn.
Hoàng Thị Xuân Hương trong khuôn viên trường Đại học Bách khoa Hồng Kông. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Điều duy nhất gây ảnh hưởng là khi người biểu tình tập trung quá đông ở một nơi thì cảnh sát sẽ phải chặn các tuyến đường xung quanh lại, một số tuyến bus ngừng hoạt động và mọi người sẽ phải đi bộ đến nơi làm việc hoặc đi vòng qua đường khác.
Hồng Kông có 2 đảo chính, tôi ở đảo Hồng Kông, còn trường thì nằm bên bán đảo Cửu Long, giữa 2 đảo này có 3 đường hầm dành cho phương tiện đi lại. Nếu các cuộc biểu tình diễn ra tại các hầm này thì các phương tiện sẽ không đi lại được, hoặc cảnh sát sẽ đóng làn tàu điện nếu người biểu tình tập trung quá đông ở một điểm nào đó.
Tôi sang đúng vào hôm người biểu tình đập phá tòa nhà hội đồng lập pháp. Buổi chiều máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay thì hệ thống xe sân bay (airport express) thông báo, xe sẽ không chạy đến đảo Hồng Kông do tình hình lộn xộn. Tôi quyết định chọn đi taxi vì không biết với tình hình tắc đường thế này thì các tuyến bus công cộng có hoạt động không. Tối hôm ấy, xe taxi có đi qua khu vực mọi người biểu tình nhưng có xe đến thì mọi người vẫn dạt ra nhường đường, tôi vẫn về đến nhà bình thường nên nghĩ tình hình vẫn không quá căng thẳng.
Người biểu tình chặn một tuyến đường giao thông ở Hồng Kông. Ảnh: NYT.
Nhưng thời điểm đó cũng đánh dấu việc cuộc biểu tình chuyển sang giai đoạn mới, có vẻ bạo lực hơn, cảnh sát cũng mạnh tay hơn. Ngay sau đó là bắt đầu một chuỗi ngày dài cứ đến cuối tuần là biểu tình.
Có một hôm tôi và các bạn hẹn nhau ở khu Mong Kok. Trước đấy cũng biết là sẽ có biểu tình ở khu vực này nhưng nghĩ tình hình không quá đáng ngại, nên tôi cùng mấy người bạn quyết định đi xem phim. Ra khỏi rạp, thấy đường vắng tanh, thì ra người biểu tình đã chặn tất cả các đường, chuẩn bị để phản ứng lại với cảnh sát.
Trong mấy tháng sống ở Hồng Kông, chứng kiến các cuộc biểu tình diễn ra thì tôi nhận thấy, trong cuộc biểu tình, ở tuyến đầu thì có thể rất kinh khủng, y hệt như trên báo đưa tin. Nhưng khoảng 1km phía đằng sau chỉ là hậu cần, còn phía sau đấy nữa thì hầu như không có gì, người dân vẫn sinh hoạt bình thường.
Vì cũng đã trải qua mấy tháng diễn ra biểu tình nên tôi cũng không lo ngại. Đến khoảng 11g30 đêm, các chuyến tàu hoạt động trở lại, tôi bắt chuyến quay về nhà.
Một lần "dính" khí gas của cảnh sát
Đúng hôm người biểu tình tập trung trước tòa nhà Văn phòng liên lạc Bắc Kinh tại Hồng Kông, ném trứng, nhựa đường vào Quốc huy Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên tôi được biết thế nào là khí gas của cảnh sát.
Nhà tôi chỉ cách Văn phòng liên lạc 4 phố, đến tối đi ra ngoài ăn thì nhân viên bảo vệ có vẻ hốt hoảng, khuyên tôi không nên ra ngoài. Nhìn ra ngoài, thấy có rất nhiều người biểu tình mặc quần áo đen, đứng ở cách đấy 2 phố chạy ngược lên. Đi thêm một đoạn thì bắt đầu ngửi thấy mùi khét, sau đấy thì thấy cay mắt.
Do địa hình Hong Kong là đồi dốc, gió biển thổi ngược lại khiến khí gas cảnh sát bắn dưới đường bay ngược lên. Khí gas dính hết lên tay, càng dụi thì càng cay mắt. Sau đó, có một số người biểu tình đi qua, họ cũng đưa nước cho tôi để rửa tay, rửa mặt. Sau "quả" khí gas ấy, tôi quyết định về nhà, không ăn uống gì nữa.
PolyU trở thành điểm nóng
Ngày 11/11, người biểu tình xông vào chiếm trường và bắt đầu có đụng độ với cảnh sát thì cũng là hôm tôi có tham dự hội thảo ở trường. Sáng hôm ấy, mặc dù đi rất sớm nhưng phải mất 1 tiếng rưỡi mới đến nơi, trong khi ngày thường chỉ có 45 phút.
Đến trường, mở điện thoại ra kiểm tra thông báo mới biết các bạn học nhắn tin trong trường đang xảy ra đập phá. Khi tôi đến, tất cả các cửa vào đều bị chặn bởi bàn ghế, chỉ có lối cổng chính rất rộng là chưa bị chiếm.
Tòa nhà M, là nơi tổ chức hội thảo, tập trung nhiều phòng học, bị đập phá toàn bộ cửa kính tầng 1, một phần của thư viện và lối lên cầu thang cũng bị đập phá. Kiosk Starbuck ở trong trường bị đập vỡ hết cửa kính nhưng người biểu tình không lấy đồ gì mang đi.
Kiosk Starbuck trong trường bị đập phá. Ảnh: SCMP.
Hôm đấy là thứ Hai, chúng tôi vẫn lên văn phòng làm việc như bình thường. Cùng phòng với tôi có một anh bạn Palestine, anh ấy rất bình tĩnh, còn rủ tôi đi một vòng quanh trường xem tình hình thế nào. Nhưng cô bạn Trung Quốc cùng phòng thì sợ run lên, chỉ dám ở trong văn phòng, không dám ra ngoài một mình, kể cả đi ăn cũng phải cả 3 người cùng đi. Đến thời điểm căng thẳng, một số người Trung Quốc mà tôi quen còn không dám nói tiếng Quan Thoại ở nơi công cộng vì sợ nếu bị phát hiện là người đại lục thì sẽ bị tấn công. Ai nói được tiếng Quảng Đông thì nói tiếng Quảng Đông, ai nói được tiếng Anh thì sẽ nói tiếng Anh.
Đến ngày tiếp theo, tôi đến trường làm việc thì thấy vẫn có 1-2 người đến, lối vào vẫn bình thường, nên tôi nghĩ chắc tình hình không căng thẳng lắm.
Nhưng sáng thứ Tư, đọc tin biết tin PolyU bị người biểu tình chiếm đóng, thông tin dồn dập xoay quanh PolyU thì tôi bắt đầu lo lắng vì toàn bộ nghiên cứu của tôi vẫn để trong văn phòng. Cả văn phòng của tôi cũng cùng chung tâm trạng vì tất cả giấy tờ, kết quả nghiên cứu đều để ở trường. Nếu không lấy kịp thì kết quả nghiên cứu mấy tháng ròng có thể bị mất hết. Tôi cứ "nhấp nhổm" như vậy trong mấy ngày trời.
Đến ngày thứ Bảy, buổi sáng, ga tàu ở trường vẫn đóng cửa nhưng may mắn là đến chiều, sau nhiều ngày mệt mỏi vì lo lắng, tôi chuẩn bị đi ngủ thì thấy báo ga tàu ở trường đã mở, tôi quyết định phải đi ngay đến trường.
Hôm đó, đi cùng tôi còn có một bạn sinh viên ở trường Trung Văn đến ở nhờ sau khi trường này cũng bị chiếm đóng. Đến trường, các cửa đều đã bị chặn, chỉ có duy nhất một cửa còn mở, ai muốn vào phải trình thẻ sinh viên của trường và kiểm tra đồ đạc.
Bên trong trường, vỉa hè bị cậy hết gạch lên, bàn ghế được lôi ra chặn lối lên cầu thang. Trên đường đi vào văn phòng, tôi gặp một số nhân viên trường mình cũng dọn đồ đi ra.
Nhưng chỉ 2 tiếng sau mọi chuyện khác hẳn, đến tối bắt đầu có tin người biểu tình ném bom xăng đáp trả cảnh sát, trường PolyU trở thành nơi nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Người biểu tình đu dây thoát ra khỏi PolyU. Ảnh: SCMP.
Theo cảm nhận của tôi, chưa bao giờ Hồng Kông hỗn loạn như thế này. Nhiều hoạt động kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tôi được biết một số khách sạn còn buộc nhân viên phục vụ phòng 1 tuần phải nghỉ làm 3 ngày vì không có tiền trả lương.
Quá trình học của tôi đang ở giai đoạn cuối, nếu theo đúng lịch thì muộn nhất cũng chỉ trong tháng 1 năm sau là có thể bảo vệ luận văn. Vì nơi tôi ở vẫn an toàn nên nếu Giáo sư hướng dẫn yêu cầu ở lại làm thì tôi cũng sẽ ở lại.
Nhưng Giáo sư hướng dẫn cũng rất bận, trong khi đó, PolyU cũng khuyến cáo các sinh viên quốc tế cân nhắc đi về, các lớp học cũng đã ngưng hết, chuyển sang hình thức học trực tuyến nên tôi quyết định về nước. Thời điểm đó, tôi là sinh viên Việt Nam cuối cùng rời PolyU.
Đến giờ thì trường vẫn cập nhật tình hình mỗi ngày qua email cho các sinh viên. Theo cập nhật của trường, ngày 26/11, còn có khoảng 30 - 50 người biểu tình còn cố thủ trong trường. Và đến thời điểm ngày 29/11, 18 ngày PolyU bị chiếm đóng đã chấm dứt.
Trước đó thì ngày nào cũng có một nhóm các thầy cô, tổ chức xã hội vào thăm, mang nhu yếu phẩm, chăm sóc vết thương và thuyết phục người biểu tình ra ngoài. Tinh thần của những người còn ở lại rất tệ, chủ yếu là những người trẻ tuổi nên chịu đựng bế tắc như vậy, họ gần như suy sụp, tinh thần hoảng loạn, đã có một số người nghĩ đến chuyện tự tử.
Các thầy cô của trường cũng cắt cử nhau nghỉ lại khách sạn ngay cạnh trường để khi có sinh viên nào đi ra trình diện cảnh sát, nhìn thấy các thầy cô, mọi người có thể cảm thấy yên tâm hơn.
Trong dư luận Hồng Kông thì cũng vẫn còn tranh cãi về cuộc biểu tình này. Khi cuộc biểu tình trở nên manh động hơn, có một số người cũng không ủng hộ biểu tình nữa hay có một số người đã từng tham gia cuộc biểu tình từ đầu tháng 6, cũng đã rút lui.
Từ trước đến giờ lực lượng cảnh sát Hong Kong là lực lượng cảnh sát được yêu thích nhất trên toàn châu Á nhưng vì cuộc biểu tình này mà họ bị gọi là "the most beloved become the most hated" (những người được yêu mến nhất trở thành đáng ghét nhất).
Cá nhân tôi, với tư cách là một nghiên cứu sinh, chỉ đến nơi này một thời gian rồi đi, và hầu như các hoạt động đều chủ yếu ở trong trường, những hệ lụy từ các cuộc biểu tình này không quá ảnh hưởng. Nhưng đến thời điểm này, bản thân tôi cũng phải chịu tác động, chứng tỏ là sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội Hồng Kông.
Tôi nghĩ có lẽ cả cảnh sát và người biểu tình đều phải trải qua một sự căng thẳng về mặt tinh thần. Nhưng tính cách người Hồng Kông là vậy, cứng rắn, và khi người ta tin là đúng thì người ta sẽ tìm đủ mọi cách để thực hiện. Có lẽ cả hai bên phải bình tĩnh lại để tìm cách giải quyết.
Khoảng giữa tháng 11, PolyU gần như là "điểm nóng" trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông khi nhiều sinh viên và người biểu tình cố thủ trong trường. Cảnh sát dùng xe bọc thép và vòi rồng trấn áp người biểu tình và đe dọa sẽ sử dụng các biện pháp vũ lực và thậm chí là đạn thật.
Đáp trả, người biểu tình sử dụng gạch, đá, bom xăng và cung tên đáp trả lại cảnh sát. Đặc biệt, trong ngày từ 17-19/11, hàng nghìn người ủng hộ người biểu tình cố thủ trong PolyU đã tập trung xuống đường ở Jordan và Tsim Sha Tsui, trong nỗ lực nhằm phân tán sức ép từ vòng vây của cảnh sát đối với trường học để những người bên trong có thể thoát ra.
Những người này đã đối đầu với cảnh sát chống bạo động trên các tuyến phố ở khu Kowloon trong đêm. Hai phía người biểu tình và cảnh sát đã "giao tranh" bằng bom xăng và đạn hơi cay.
Đây cũng là ngôi trường cuối cùng bị những người biểu tình chiếm đóng kể từ đầu tháng 11.