Chút sĩ diện "đáng yêu" giúp vua Lý Thánh Tông đánh tan Chiêm Thành!

Gabe |

Đầu năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành. Cuộc chiến tương đối khó khăn nhưng cuối cùng quân ta vẫn giành thắng lợi cuối cùng.

Đôi nét về vị minh quân yêu dân như con

Lý Thánh Tông tên thật là Lý Nhật Tôn, là vị vua thứ 3 của nhà Lý, sau Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông. Cũng giống như cha mình, Lý Thánh Tông văn võ song toàn, thương dân như con, là vị minh quân đức độ trong lịch sử Việt Nam.

Đại Việt Sử ký Toàn thư có miêu tả ông như sau: "Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về thu phục người xa, đặt khoa bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, đáng gọi là bậc vua tốt".

Không những thế đến ngày giá rét, vua Thánh Tông có bảo các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung ngự sưởi than thú, mặc áo hồ cừu mà còn rét thế này. Huống chi những tù phạm giam trong ngục, phải trói buộc, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc; vả lại có người xét hỏi chưa xong, gian ngay chưa rõ, nhỡ rét quá mà chết thì thật là thương lắm". 

Chút sĩ diện đáng yêu giúp vua Lý Thánh Tông đánh tan Chiêm Thành! - Ảnh 1.

 Sau đó ban cho tù nhân trong ngục chăn chiếu và ngày được hưởng 2 bữa ăn. Quả thật, đây là bậc minh quân, yêu dân thực lòng, lấy nhân từ mà cai trị đất nước nên được trăm họ mến phục. Hơn nữa, thời kỳ Lý Thánh Tông cai trị giặc giã, can qua, chiến tranh cũng ít, nhân dân có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế.

Nhưng ít chứ không phải không có, và đó là việc "phá Tống - bình Chiêm", cũng là những chiến công lẫm liệt của vua Thánh Tông.

Thân chinh phạt Chiêm Thành

Lại nói đến việc bình Chiêm, lúc bấy giờ, quan hệ giữa nước ta và nhà Tống không mấy tốt đẹp. Nhà Tống riết ráo chuẩn bị để xâm lược nước ta. Không chỉ tập trung lực lượng, tích trữ lương thảo mà còn phái nhiều sứ giả đến các nước lân bang, xíu giục họ phối hợp, quấy phá, tấn công Đại Việt.

Điển hình chính là Chiêm Thành. Họ không chỉ đoạn tuyệt giao hảo với Đại Việt mà còn âm thầm bắt tay, thần phục nhà Tống với mưu đồ tạo thành thế gọng kìm, trên đánh xuống, dưới đánh lên. 

Trước tình hình lúc bấy giờ, nhà Lý buộc phải nhanh chóng đưa ra đối sách và đi đến quyết định sẽ lần lượt đối phó, bẻ gẫy từng bên một, từ đó, đập tan toàn bộ âm mưu xâm lược của nhà Tống.

Đầu năm Kỉ Dậu 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn đại quân chinh phạt Chiêm Thành, giao quyền khiển chính cho Nguyên phi Ỷ Lan và thái sư Lý Đạo Thành.

Chút sĩ diện đáng yêu giúp vua Lý Thánh Tông đánh tan Chiêm Thành! - Ảnh 2.

Nguyên Phi Ỷ Lan. Hình minh họa. Bào An Giang.

 Thực tế Chiêm Thánh thời bấy giờ không phải nước lớn nhưng địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công, để thắng được cũng không phải dễ dàng gì. 

Quả đúng như vậy, "trận này vua đánh chiêm thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp.

Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?". Bèn quay lại đánh nữa, thắng được". (trích Đại Việt Sử ký Toàn Thư, kỷ nhà Lý, quyển III).

Như nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có nói: "...Lý Thánh Tông chợt thấy mình thua kém, thua kem ai còn được, thua vợ mình thì còn ra thể thống gì nữa. Thánh Tông vì sĩ diện mà đánh đến cùng. Chiêm Thành thua, gọng kềm phía Nam tan nát... Chút sĩ diện ấy đáng yêu biết ngần nào".

Sau trận này, quân ta bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ cùng hơn 5 vạn tù binh. Vua Chiêm buộc phải dâng ba châu Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (hiện nay là tỉnh Quảng Nam) để chuộc tội mới được tha cho về nước.

Chiêm Thành thua trận, gọng kềm với nhà Tống cũng mất, sau này quân ta cũng phá tan quân xâm lược trong trận chiến trên dòng sông Như Nguyệt lịch sử. 

Tham khảo từ:

- Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ nhà Lý.

- Việt Sử Giai Thoại, Nguyễn Khắc Thuần, NXB Giáo Dục, tr. 25-26.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại