Chụp cắt lớp xác ướp "chim ưng" Ai Cập bỗng nhiên phát hiện bất ngờ lớn

Nguyễn Hằng |

Các nhà nghiên cứu đã có một bước tiến lớn khi phát hiện bên trong xác ướp "chim ưng" 2.100 năm không giống như những gì họ vẫn nghĩ.

Theo đó, xác ướp Ai Cập 2.100 năm tuổi từng được cho là di cốt của một con chim ưng (hay còn được gọi là diều hâu), khiến các nhà khoa học bất ngờ khi chủ nhân thực sự là một bé trai chết từ trong bụng mẹ và mắc phải bệnh Anencephaly (hay còn gọi là não phẳng).

Hội chứng này rất hiếm gặp, trong đó một phần não và hộp sọ không phát triển. 

Chụp cắt lớp xác ướp chim ưng Ai Cập bỗng nhiên phát hiện bất ngờ lớn - Ảnh 1.

Kết quả từ chụp cắt lớp cho thấy, xác ướp 2.100 năm tuổi bị mắc bệnh não phẳng. Ảnh: Maidstone Museum UK/Nikon Metrology UK

Bằng cách tiến hành chụp cắt lớp trên vi tính (micro-CT scan), phát hiện bất ngờ này đã được các chuyên gia công bố tại hội thảo về xác ướp ở quần đảo Canary, Tây Ban Nha.

Cụ thể, Andrew Nelson, nhà khảo cổ sinh vật học và giáo sư ngành nhân chủng học tại ĐH Western Ontario (Canada), cho biết trong một tuyên bố:

"Toàn bộ phần phía trên của hộp sọ không được hình thành. Các đốt sống của bé trai này đã không khít với nhau và xương nhỏ trong tai lại nằm phía sau đầu".

Xác ướp của bé trai Ai Cập chết non này được một bác sĩ địa phương tặng cho Bảo tàng Maidstone ở Anh vào năm 1925.

Nhà nghiên cứu Nelson chia sẻ: "Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là xác ướp diều hâu dùng để tại ơn vì phát hiện vật liệu cartonnage mà người Ai Cập cổ đại thường dùng để bọc xác ướp".

Cartonnage là vật liệu bao gồm nhiều lớp vải lanh hoặc giấy cói phủ bằng thạch cao.

Chụp cắt lớp xác ướp chim ưng Ai Cập bỗng nhiên phát hiện bất ngờ lớn - Ảnh 2.

Lớp Cartonnage bao phủ bên ngoài khiến xác ướp trông giống diều hâu. Ảnh: Maidstone Museum

Nelson cùng các công sự trong nhóm nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra xác ướp bằng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, cho phép họ thu được những hình ảnh có độ phân giải cao về xác ướp Ai Cập bé nhỏ này mà không cần phải tháo bỏ lớp vỏ bọc ở bên ngoài.

Nhóm nghiên cứu phát hiện xác ướp là một bé trai đã chết từ trong bụng mẹ ở 23-28 tuần tuổi. Nelson nhận định: "Việc gia đình mất đi đứa con và sinh ra bào thai có hình dáng kỳ dị chắc hẳn là những giây phút bi kịch. Do đó, đây có thể là một cá thể hết sức đặc biệt".

Theo các nhà nghiên cứu, dù chết non, nhưng thi hài của đứa bé "văn số" này dường như được ướp xác rất cẩn thận.

Ngoài ra, trên lớp vỏ bọc cartonnage còn có hình Osiris - vị thần cai quản cõi âm của người Ai Cập, nằm trên khung quan tài (còn gọi là kiệu khiêng quan tài) cùng với hai nữ thần Iris và Nephthys đứng bên cạnh.

Hình tượng một con chim có đầu người, được vẽ đang bay qua thần Osiris và phía trên nó còn có con mắt Udjat (biểu tượng của sự bảo vệ và sức khỏe).

Chụp cắt lớp xác ướp chim ưng Ai Cập bỗng nhiên phát hiện bất ngờ lớn - Ảnh 4.

Đây là một trong hai xác ướp Ai Cập mắc bệnh não phẳng. Ảnh: Maidstone Museum

Đây thực sự là một trường hợp hiếm thấy vì ở Ai Cập cổ đại, bào thai chết yểu thường được chôn trong bình hoặc dưới sàn nhà.

Các nhà nghiên cứu cũng phỏng đoán, vì là một bào thai, nên xác ướp 2.100 năm tuổi có thể ẩn chứa mối liên hệ với "ma thuật" thời Ai Cập cổ đại.

Đây được coi là một trong hai xác ướp Ai Cập được xác nhận mắc phải hội chứng não phẳng. Trước đó, trường hợp đầu tiên mắc phải hội chứng đặc biệt này được Etienne Geoffroy Saint Hilaire, một nhà động vật học người Pháp tìm thấy ở Ai Cập vào năm 1826.

Tham khảo nguồn: Ancientorigins, Livescience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại