Một chiến dịch gần đây của Tổ chức Bảo vệ Động vật thế giới (WAP) đã kêu gọi khách du lịch hạn chế việc ôm ấp, chơi đùa và sử dụng động vật để làm nền cho những bức ảnh selfie trên mạng xã hội.
Những bức hình như thế này có thực sự vui?
Nghiên cứu xuất phát từ điều tra của những nhà hoạt động xã hội tại các khu vực gần rừng nhiệt đới Amazon như thành phố Manaus, Brazil hay Puerto Alegria, Peru. Đây vốn là những địa điểm phổ biến của những người yêu khám phá, bởi có hệ sinh thái đa dạng và các loại động thực vật phong phú. Và ở đó, động vật hoang dã thường xuyên bị bóc lột làm vật mua vui cho khách du lịch.
Những con lười bị trói vào thân cây bằng dây thừng, và khi có khách muốn chụp ảnh thì người ta lại nhấc bổng chúng lên để chơi đùa; những con trăn bị biến thành đồ chơi quàng lên cổ du khách, còn chim vẹt thì được đặt lên đầu để tạo nên những bức ảnh selfie độc đáo.
Có thể bên trong, con lười đang cảm thấy cực kỳ khó chịu
Thoạt nhìn thì những hành động này tưởng như hoàn toàn bình thường, nhưng WAP đã tuyên bố rằng đây là những hành vi ngược đãi động vật và cần phải được loại bỏ.
Trong khi việc tách động vật hoang dã khỏi môi trường sống tự nhiên và nuôi nhốt trong các công viên vẫn còn gây nhiều tranh cãi, thì bản thân việc động chạm và sử dụng chúng làm công cụ cho những hoạt động giải trí đã được xem là một hình thức bóc lột.
Theo tiết lộ trong báo cáo của WAP, những con lười bị trói thường không sống nổi tới 6 tháng sau khi bị bắt. Vẹt xuất hiện những vết thương nghiêm trọng ở chân, còn các loài thú ăn kiến có những dấu hiệu tổn thương về thể chất và tâm lý.
Những con trăn thì bị mất nước, kèm theo đầy vết thương trên cơ thể. Cá sấu bị trói bằng dây cao su quanh hàm, còn ngựa bị nhốt trong các khu chuồng chật hẹp.
Một con thú ăn kiến bị nhấc bổng lên để chụp ảnh
Trào lưu chụp ảnh selfie cùng động vật đang ngày một phổ biến. Theo số liệu từ năm 2014 cho đến nay, số lượng những bức ảnh tương tác với động vật hoang dã trên Instagram tăng đến 292%. Tuy nhiên, người ta không hề biết rằng đằng sau những tấm ảnh nhiều like ấy lại là cuộc sống khổ sở của những cá thể động vật.
Thông thường, trước khi được sử dụng để mua vui cho khách du lịch, động vật hoang dã bị tách khỏi môi trường tự nhiên, và thậm chí là từ mẹ chúng ngay từ khi mới còn lọt lòng. Chúng sau đó bị giam giữ trong điều kiện sống chật hẹp và bẩn thỉu.
Các loài vật đáng thương lớn lên với những chấn thương tâm lý và thể chất nghiêm trọng. Vào ban ngày, chúng không hề được nghỉ ngơi mà liên tục phải phục vụ cho các hoạt động vui chơi, giải trí và chụp ảnh của khách tham quan.
Cũng theo báo cáo của WAP thì tại Mỹ Latin, có đến 40% động vật hoang dã bị sử dụng cho các hoạt động du lịch mà không được pháp luật bảo vệ.
Các chuyên gia tại WAP đã kêu gọi chính quyền địa phương chú trọng hơn đến việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, và đề nghị đưa ra luật kiểm soát các công ty du lịch để tránh tình trạng bóc lột động vật diễn ra.
Thậm chí, WAP dự tính sẽ làm việc với đại diện Instagram nhằm tuyên truyền và thảo luận về chính sách ngăn chặn những tấm ảnh selfie ngược đãi động vật đang lan truyền trên mạng xã hội nổi tiếng này.
Tham khảo: The Culture Trip