Vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên hôm 4/7 khiến không ít chuyên gia thế giới về chương trình vũ khí của nước này phải giật mình.
Chiến lược không giống ai
Sự sửng sốt không dừng lại ở thành công của cuộc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên có khả năng vươn tới bang Alaska (Mỹ) của quốc gia bị cô lập này - điều mà không lâu trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tuyên bố rằng chắc chắn không bao giờ xảy ra.
Theo trang Interpreter thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy Institute (Úc), một số chi tiết ít ai để ý từ cuộc thử nghiệm lần này cho thấy bóng dáng một chương trình phát triển tên lửa lạ lùng chưa từng có tiền lệ ở đất nước bí ẩn nhất thế giới. Dường như Bình Nhưỡng đi theo một chiến lược rất khó nắm bắt bởi nó không giống với một nước nào khác.
Để có thể làm rõ vấn đề này, trước tiên cần lưu ý tới tên lửa mới được phóng mang tên Hwasong-14 (HS-14), khác hoàn toàn những ICBM từng được Triều Tiên công bố trước đây và điều lý thú là nó cũng khác xa với một tên lửa được nước này gọi là HS-14 từ trước.
Nguyên nhân là vì có tới hai loại tên lửa cùng tên HS-14 như vậy nên tạm gọi phiên bản xuất hiện trước là HS-14 đời đầu để phân biệt với HS-14 mới phóng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát cuộc phóng tên lửa Hwasong-14 hôm 4/7 Ảnh: KCNA
Giới chức Lầu Năm Góc hôm 5/7 nói rằng HS-14 mới phóng của Triều Tiên là phiên bản tên lửa chưa từng thấy trước đó được phóng từ bệ phóng di động ở khu vực cũng khác hẳn các vụ thử nghiệm trước đây.
Trước vụ phóng tên lửa làm lo ngại toàn cầu gia tăng nói trên, hai loại tên lửa khác được Bình Nhưỡng khẳng định là ICBM di động (tức phóng từ bệ phóng di động) bao gồm HS-13 và HS-14 đời đầu.
Về ngoại hình, trong khi HS-13 có 3 tầng rõ rệt với phần chóp nón ở đầu tên lửa khá nhọn, HS-14 đời đầu không phân tầng và chóp nón lớn.
HS-14 mới lại trông rất khác, với 2 tầng riêng biệt cùng mũi cung nhọn. Thêm vào đó, hiện động cơ sử dụng cho HS-13 vẫn là điều bí ẩn, nhiều chuyên gia cho rằng dường như tên lửa này dùng cùng loại động cơ với HS-14 đời đầu, loại động cơ tương tự với phiên bản rocket R-27 cũ của Liên Xô.
Mặt khác, HS-14 mới dường như có cùng loại động cơ với tên lửa đầu tiên phóng thử thành công hồi đầu năm nay của Triều Tiên. Động cơ này có cấu trúc một thang chính được bao quanh bởi 4 thang nhỏ hơn.
Theo giới phân tích, càng "mổ xẻ" sâu những chi tiết như trên, lại càng khó giải thích chiến lược tên lửa có vẻ không theo một trật tự thông thường nào của Triều Tiên.
HS-13 và HS-14 đời đầu có thể chia sẻ một số bộ phận nhưng khác nhau đáng kể về cấu trúc tầng và mũi tên lửa, cả hai cũng chưa một lần được phóng. Tuy nhiên, thay vì thử nghiệm xem chúng lợi hại tới đâu, Triều Tiên lại phát triển một loại tên lửa hoàn toàn mới, với động cơ mới, cấu trúc tầng và hình dáng khác hẳn.
Đi đúng hướng
Ngoài ra, trong cuộc diễu binh chào mừng ngày lễ lớn nhất của nước này, gọi là Ngày Thái dương hồi tháng 4, Triều Tiên cũng đã phô diễn hai loại tên lửa lớp ICBM khác nhiều khả năng thuộc loại tên lửa đẩy nhiên liệu rắn, trong khi các lớp ICBM đã đề cập ở trên là nhiên liệu lỏng.
Như vậy, Bình Nhưỡng đã đầu tư cho năm loại ICBM khác nhau và không liên quan đến nhau, trong khi cũng đang phát triển một số loại vũ khí nhiên liệu rắn mới tầm ngắn hơn (bao gồm HS-12, Pukguksong -1 và Pukguksong-2).
Rõ ràng mỗi vũ khí sẽ đòi hỏi sự sản xuất, thử nghiệm và các yêu cầu vận hành khác nhau. Ngay cả những nước dư dả tiền bạc cũng hầu như khó tìm thấy ai theo đuổi một chiến lược đa dạng như vậy.
Trong khi đó, lịch sử các nước khác cho thấy thời gian phát triển tên lửa nhiên liệu rắn tầm xa phải mất tới chục năm. Tới nay, Triều Tiên đã phóng thử thành công ba lần loại tên lửa này, 1 lần từ tàu ngầm và 2 lần từ mặt đất sau khi thất bại trong một loạt vụ thử.
Từ đầu năm đến nay, Bình Nhưỡng đã phóng tổng cộng 17 tên lửa trong 11 vụ thử nghiệm. Trong khi đó, số tên lửa đạn đạo được phóng tính từ đầu năm 2016 tới nay còn nhiều hơn cả trong 27 năm cầm quyền của lãnh tụ Kim Nhật Thành và nhà lãnh đạo Kim Chính Nhật.
Trước vụ thử nghiệm ICBM được đánh giá là bay xa nhất và vươn tới tầm cao nhất mà Bình Nhưỡng tuyên bố là "có thế bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới" hôm 4/7, tính toán cho thấy quả tên lửa được sử dụng trong vụ thử trước đó vào ngày 14/5 đã có thể vươn tới các căn cứ Mỹ ở đảo Guam cách Triều Tiên 3.400 km.
Tên lửa này mang tên Hwasong-12 được cho là sử dụng một loại động cơ chưa từng thấy trước đây và nhiều khả năng do chính Triều Tiên thiết kế chứ không mang nghi án "giống giống" của Trung Quốc hay Liên Xô cũ như một số tên lửa khác của nước này.
Đài CNN dẫn lời ông David Wright, đồng giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu, một chuyên gia Mỹ về kiểm soát vũ khí và không phổ biến tên lửa, nói rằng các vụ thử tên lửa gần đây đã cho thấy Bình Nhưỡng đang đi đúng hướng về mặt kỹ thuật trong mục tiêu phát triển động cơ mạnh hơn để chế tạo một tên lửa lớn hơn, có tầm bắn liên lục địa.
Bước tiến trong những cuộc thử nghiệm tên lửa cũng cho thấy các kỹ sư tên lửa của nước này ngày càng có tay nghề hơn. Theo lời giới chức Mỹ, 3 vụ thử tên lửa thất bại của Triều Tiên trong tháng 4 thực ra là nỗ lực phóng loại tên lửa Hwasong-12 gây nhiều lo ngại này.
Triều Tiên muốn gì?
Triều Tiên vốn không giấu giếm mục tiêu lớn nhất là phát triển được tên lửa ICBM có thể mang đầu đạn hạt nhân và đưa toàn bộ nước Mỹ vào tầm ngắm. Thế nhưng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thực sự muốn gì sau hàng loạt các vụ thử tới tấp?
Mục đích quan trọng nhất là tự bảo vệ, theo nhận định của chuyên gia nghiên cứu cấp cao John Nilsson-Wright thuộc Trung tâm cố vấn Chatham House ở London - Anh.
"Triều Tiên đã học được bài học từ Libya và Iraq rằng cách chắc chắn để ngăn chặn một cuộc tấn công là có vũ khí hủy diệt hàng loạt, hơn là chỉ lớn tiếng khoe khoang" - ông Nilsson-Wright phân tích.