Anh đang muốn phát triển đầu đạn hạt nhân W93. Nguồn: people.com.cn.
Anh đang đặt tham vọng hợp tác với Mỹ trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm W93, nhưng liệu có thành sự thật?
Chính phủ Anh trong năm nay đã đưa ra một báo cáo tuyên bố rằng, sẽ tăng số lượng đầu đạn hạt nhân tối đa từ 180 lên 260 đầu đạn, thay đổi mục tiêu trước đây của Vương quốc Anh là giảm tổng số đầu đạn hạt nhân từ 225 xuống “không quá 180 đầu đạn”.
Điều đáng chú ý là việc phát triển vũ khí hạt nhân ở Anh không chỉ là vấn đề số lượng, mà còn là sự cập nhật của các đầu đạn hạt nhân.
Sức mạnh hạt nhân của Anh phụ thuộc nhiều vào Mỹ, có thông tin cho rằng nước này hy vọng sẽ thuyết phục Mỹ cùng phát triển đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm W93 để thay thế các loại đầu đạn hạt nhân khác nhau có nguồn gốc từ đầu đạn hạt nhân W76.
Đầu đạn hạt nhân W93 lần đầu tiên được đề cập trong báo cáo ngân sách do chính phủ Mỹ đệ trình vào năm ngoái, là đầu đạn hạt nhân hoàn toàn mới, lần đầu được Mỹ đề xuất kể từ khi đầu đạn hạt nhân W88 được phát triển vào những năm 1980.
Mặc dù đương lượng nổ của đầu đạn hạt nhân W93 không được tiết lộ, nhưng các nhà phân tích suy đoán rằng đầu đạn hạt nhân W93 nên có đương lượng thấp, có thể được sử dụng trong các cuộc chiến tranh cục bộ.
Ngoài ra, các tin tức liên quan cho biết, Mỹ có thể chia sẻ công nghệ phát triển đầu đạn hạt nhân W93 với Vương quốc Anh. Do Anh hiện chỉ có lực lượng hạt nhân trên mặt biển, tầm quan trọng của đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm đối với Anh là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, Anh đang phải đối mặt với những khó khăn đáng kể nếu muốn đạt được mục tiêu của mình, một trong những khó khăn là công nghệ cốt lõi không nằm trong tay mình.
Cho dù đó là sự phát triển của một đầu đạn hạt nhân hay sự phát triển của một phương tiện hỗ trợ, ở một mức độ lớn, nó phụ thuộc vào cái “nháy mắt” của Mỹ. Ngoài ra, chi phí cao cũng là một vấn đề mà Anh phải cân nhắc.
Ngược lại, Mỹ dường như không tích cực, với việc vừa mới trang bị đầu đạn hạt nhân W76-2 vào năm 2020, thì nhu cầu về đầu đạn hạt nhân W93 không phải là cấp thiết. Kế hoạch phát triển đầu đạn hạt nhân W93 thực sự là một cuộc “khởi động” vội vàng, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Mỹ đang lưỡng lự trong việc cấp vốn và vẫn chưa làm rõ số tiền tài trợ cụ thể cho dự án. Ngoài ra, Quân đội Mỹ hiện vẫn chưa sẵn sàng chuẩn bị tiến hành các vụ thử hạt nhân cho mục đích này, điều này đã gây ra lo ngại về độ tin cậy của đầu đạn hạt nhân W93.
Trong sự hợp tác bất bình đẳng đầy cam go này, phía Anh thì “mơ tưởng” còn phía Mỹ thì “thờ ơ”, nên một cái “vỗ tay” không thể tạo nên được từ một phía. Trước thái độ không rõ ràng của Mỹ và chi phí quá lớn, liệu phía Anh có sẵn sàng đầu tư thêm kinh phí hay không và dự án nghiên cứu phát triển đầu đạn hạt nhân W93 có thể tiến hành suôn sẻ hay không, tất cả sẽ bị đặt câu hỏi.
Được biết, Anh cam kết theo đuổi chương trình W93, dự kiến trị giá 14 tỉ USD với Mỹ, trong nỗ lực tìm kiếm vũ khí hạt nhân thay thế đầu đạn hạt nhân gắn trên tên lửa Trident cho các tàu ngầm của mình.
“Đây là thời khắc đầy thách thức, nhưng vô cùng quan trọng để chúng ta thể hiện tinh thần đoàn kết và hợp nhất xuyên suốt Đại Tây Dương trong giai đoạn khó khăn trước mắt”, theo thư ông Wallace gửi cho các ủy ban quân vụ Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Phía Mỹ chưa đạt được sự nhất trí về việc đầu tư phát triển đầu đạn W93, nếu không được Mỹ phân bổ ngân sách khởi động chương trình W93 thì dĩ nhiên thời gian triển khai trên thực tế và kế hoạch đưa vào sử dụng tại Anh phải dời lại.
Phe phản đối cho rằng dự án W93 sẽ càng châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đe dọa thế giới. Ông Kingston Reif, Giám đốc chính sách giải giới vũ khí và giảm đe dọa hạt nhân của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (trụ sở tại Washington D.C, Mỹ), gọi “đây là sự thừa thãi quá mức”.