Hàng trăm ngàn bản đồ chi tiết về các vùng đất và cơ sở hạ tầng từng nơi trên hành tinh được các chuyên gia vẽ bản đồ XôViết thực hiện với các tiêu chuẩn hiện đại. Đây là một trong những tham vọng về bản đồ thế giới của Liên Xô từng được biết đến.
Bộ bản đồ về đất nước Afghanistan do quân đội Liên Xô vẽ đánh dấu cụ thể những con đường đèo nào không bị phủ tuyết và có thể đi qua được vào những khoảng thời gian nào trong năm. Bộ bản đồ về Trung Quốc bao gồm nhiều ghi chú về các thảm thực vật địa phương và những giếng nước trong một khu vực đặc biệt nào đó được đánh giá là an toàn để uống.
Quân đội Liên Xô lập bản đồ hết sức chi tiết về các thành phố nước Mỹ, trong đó bao gồm một số tòa nhà quân sự (mà có lẽ không được thể hiện rõ trên bản đồ do chính người Mỹ vẽ) cũng như loại vật liệu xây dựng được sử dụng và khả năng chịu tải của các cây cầu – yếu tố mà có lẽ ngay chính người dân địa phương cũng không biết.
Dự án bản đồ của quân đội Xôviết được tiết lộ trong cuốn sách mới tựa đề “The Red Atlas” của 2 tác giả Alexander Kent – nhà địa lý Đại học Canterbury Christ Church (Anh) – và nhà sưu tập bản đồ John Davies, người đã bỏ ra hơn một thập niên để nghiên cứu những bản đồ bí mật của Liên Xô.
Theo cuốn sách, Liên Xô bắt đầu triển khai dự án lập bản đồ thế giới vào thập niên 1940. Dự án bao gồm 7 cấp độ, từ một loạt bản đồ mô tả bề mặt địa cầu cho đến bộ bản đồ các thành phố mô tả chi tiết rõ nét đến mức có thể nhìn thấy những con đường và hình dạng các tòa nhà nổi tiếng như là Lầu Năm Góc.
Có lẽ có đến hàng ngàn người tham gia dự án bản đồ quy mô này, trong đó bao gồm: giám định viên, chuyên gia vẽ bản đồ và có thể cả các điệp viên. Phần lớn các tập bản đồ được đóng dấu “Tuyệt Mật” và chỉ được sử dụng giới hạn cho một số sĩ quan quân đội cao cấp.
Hình dạng Lầu Năm Góc thấy rõ nơi góc trái phần cuối bản đồ về Washington DC.
Những bản đồ do các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ - Anh thiết lập trong thời Chiến tranh Lạnh thường chỉ tập trung vào một số khu vực đặc biệt có tầm quan trọng về mặt chiến lược.
Trong khi đó, bản đồ của Liên Xô chứa đựng rất nhiều thông tin chiến lược như là độ rộng và điều kiện đường sá, các kiểu nhà ở… Người Xôviết có nhiều cách để thu thập thông tin phục vụ cho dự án vẽ bản đồ. Ví dụ như người Xô Viết tham khảo các bản đồ địa hình do Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) vẽ và được xuất bản công khai.
Ngoài ra, người Xôviết cũng thu thập thêm được nhiều chi tiết thông qua hình ảnh do vệ tinh do thám cung cấp sau khi phóng thành công công cụ đầu tiên này vào không gian năm 1962.
Trong những trường hợp khác, thông tin chi tiết đến trực tiếp từ nhiều nguồn trên mặt đất. Ví dụ, người Nga lập các bản đồ chi tiết về Thụy Điển nhờ vào sự giúp sức từ đội ngũ nhà ngoại giao bên trong Đại sứ quán Xô Viết.
Nhóm nhà ngoại giao này thường xuyên tổ chức du lịch dã ngoại đến gần những khu vực có tầm quan trọng về chiến lược và tìm cách trò chuyện thân mật với các công nhân xây dựng sống ở địa phương.
Trong một cuộc trò chuyện như thế vào năm 1982 ngay trên một bãi biển gần thủ đô Stockholm của Thụy Điển, người Nga nắm được thông tin về các bãi mìn phòng thủ của quân đội Thụy Điển. Trong vụ này, một điệp viên Xôviết đội lốt nhà ngoại giao bị trục xuất sau khi một chuyên gia phản gián Thụy Điển nghe lén được cuộc trò chuyện.
Hiện nay, việc phương Tây thu thập được chính xác bao nhiêu bản đồ do Liên Xô lập trong thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn là đề tài nhạy cảm. Các bản đồ này có lẽ không bao giờ được người Nga chính thức giải mật.
Bản đồ XôViết về San Diego cho thấy rõ khu phức hợp Trung tâm Huấn luyện Hải quân Mỹ nơi phía trên.
Năm 2012, một đại tá Nga về hưu lĩnh án 12 năm tù sau khi bị buộc tội làm gián điệp và buôn lậu nhiều tấm bản đồ tuyệt mật ra nước ngoài. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào cuối thập niên 1980, nhiều bản đồ Xô Viết xuất hiện trong các catalogue của những tay trùm buôn lậu bản đồ.
Khách hàng của bọn chúng bao gồm các công ty viễn thông và dầu mỏ, kể cả các nhà khoa học và tổ chức cứu trợ quốc tế. Những bản đồ được mua nhiều nhất là về khu vực Trung Á, châu Phi và nhiều phần trong thế giới đang phát triển.
Tác giả John Davies đánh giá người Xôviết vẽ những tấm bản đồ rất tốt và với những tiêu chuẩn hiện đại.