'Chuồng cọp', phương tiện bảo vệ hay là kẻ sát nhân?

Hoàng Hà/VTC News |

Những chiếc "chuồng cọp" được tạo ra để bảo vệ gia chủ khỏi trộm cướp, nhưng thực tế lại là kẻ sát nhân khi cắt đứt đường sống của rất nhiều người trong hỏa hoạn.

Lại thêm một vụ cháy gây chết nhiều người xảy ra ở Hà Nội, vụ cháy thứ 3 có thương vong ở miền Bắc trong 3 tuần qua. Bốn người, trong đó có 3 trẻ em, đã phải nhận lấy cái chết tức tưởi vì mắc kẹt ở chuồng cọp trên sân thượng lúc chiều tối 16/6 tại số nhà 207 phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Một lần nữa, chuồng cọp lại trở thành cái lồng nhốt người, vây hãm họ cho giặc lửa sát hại. Dường như người ta đã quên bài học xương máu cách đây mới một năm, khi 4 người cũng ở Hà Nội phải bỏ mạng do bị chuồng cọp ngăn trở đường thoát thân.

Vụ cháy xảy ra lúc sáng sớm ngày 13/5/2023, lực lượng chữa cháy nhanh chóng tới ngôi nhà 4 tầng ở phường Quang Trung, quận Hà Đông ngay khi nhận tin cấp báo. Nhưng họ không kịp cứu 4 bà cháu đang mắc kẹt trong ngôi nhà ngập tràn lửa khói, vì cửa chính và các tầng đều bị bịt kín bởi cửa sắt, chuồng cọp kiên cố, đến khi các lực lượng phá được để vào thì cả 4 người đều tử vong.

Hình ảnh đau lòng những bàn tay nhỏ bé vươn ra ngoài lồng sắt để cầu cứu trong vụ cháy ở Định Công Hạ hôm qua sẽ còn mãi ám ảnh những người chứng kiến hay xem qua báo chí, mạng xã hội, nhưng liệu có đủ để người ta dứt khoát phá bỏ chuồng cọp ở các đô thị? Đã có rất nhiều cái chết oan khốc xảy ra, rất nhiều lời khuyến cáo, tuyên truyền, nhưng mấy chục năm qua, những khung sắt kiên cố biến mỗi ngôi nhà thành một cái lồng bịt kín không lối thoát vẫn hiện diện khắp Hà Nội như một sự thách thức của tính bảo thủ, cố chấp đến mê muội của con người.

'Chuồng cọp', phương tiện bảo vệ hay là kẻ sát nhân?- Ảnh 1.

Sự hiện diện của những chiếc lồng sắt xấu xí này thể hiện tư duy lạc hậu, tình trạng thiếu kiến thức và tệ hại nhất là sự coi thường mạng sống. (Ảnh: Hải Minh)

Ai ở Hà Nội cũng biết “chuồng cọp”, một trong những "di sản" xấu xí của giai đoạn đầy khó khăn. Khoảng nửa thế kỷ trước, các khu nhà tập thể từng là nơi quy tụ của cán bộ, trí thức, trở thành “mặt mũi” của thủ đô. Nhưng rồi những chuồng cọp xuất hiện như cục mụn nhọt trên gương mặt ấy. Các căn nhà tập thể thường có diện tích nhỏ, và người ta cơi nới thêm bằng cách làm những lồng sắt đua ra ngoài để chiếm dụng không gian. Về sau, cả những gia đình không thiếu diện tích ở vẫn làm chuồng cọp để chống trộm.

Hiện nay, cả hai mục đích thiết kế không gian sống và bảo vệ đều không nhất thiết phải dùng chuồng cọp nữa. Nếu bạn muốn một cái ban công, có nhiều phương án khác đẹp đẽ hơn. Nếu bạn muốn an toàn cho gia đình, thị trường có các loại camera an ninh, hoặc chỉ đơn giản là thiết kế cửa ra ban công thay vì bịt kín nó bằng lồng sắt.

Và ngay cả khi chuồng cọp vượt trội hơn những phương án đó về hiệu quả chống trộm, sao người ta không cân nhắc, so sánh giá trị của những thứ có thể mất đi? Giữa tài sản và mạng sống, cái gì quý hơn?

Đất nước đã phát triển đến như bây giờ, đâu còn cảnh trộm cắp nhan nhản như những năm thiếu thốn, trong khi các vụ cháy gây chết người xảy ra thường xuyên. Ở Hà Nội, camera giám sát có mặt khắp các cung đường, ngõ xóm, đèn điện luôn sáng…, rõ ràng nguy cơ trộm cắp và hậu quả của nó không thể so sánh với hỏa hoạn. Vậy mà người ta vẫn không chịu phá bỏ chuồng cọp.

Thật chua chát khi ngôi nhà bị cháy ở Định Công Hạ ngày 16/6 chỉ cách trụ sở Công an Phường Định Công 650m. Chiếc chuồng cọp trở thành một tồn tại trớ trêu; trộm chưa chắc đã có để ngăn, nhưng “kẻ sát nhân” đồng lõa với giặc lửa lại được rước vào nhà.

Sự hiện diện của những chiếc lồng sắt xấu xí này thể hiện tư duy lạc hậu, tình trạng thiếu kiến thức và tệ hại nhất là sự coi thường mạng sống.

Đừng để đến lúc bị những thanh sắt chặn hết đường sống mới hiểu sự quý giá của sinh mệnh. Lúc an lành, bạn vẫn còn cơ hội lựa chọn giữa mất của hay mất mạng, để trừ cho mình một lối thoát trong ngôi nhà. Còn một khi hỏa hoạn xảy ra, bạn không còn quyền lựa chọn nào nữa, ngọn lửa vô cảm sẽ lấy đi mọi thứ.

Có lẽ những người đầu tiên nghĩ ra chuồng cọp và bắt chước áp dụng nó đều tự cho là mình khôn. Nhiều người khác cho rằng sự khôn lỏi đó tồn tại là do mức sống và dân trí thấp. Thật ra không phải vậy, vấn đề là người ta coi trọng điều gì nhất. Nếu xem phim Hong Kong, nơi cực kỳ thiếu thốn chỗ ở, bạn sẽ thấy hình ảnh khu ổ chuột tại Cửu Long Thành những năm 1990 với những cụm chung cư xây chắp nối, vốn nằm ngoài vòng pháp luật, chỉ có những người nghèo, dân anh chị, dân nhập cư sống. Và bạn biết không, những căn hộ này không có chuồng cọp!

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại