Hình ảnh được tái hiện tại Nhà tù Côn Đảo
Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện đã sưu tầm được một tài liệu khá đặc biệt: Bức thư của 82 nữ tù nhân bị đày ra Côn Đảo. Khi được trở về ngày 4/8/1970, họ đã cùng nhau tố cáo trước nhân dân tội ác của những tên cai ngục ác ôn, đầu sỏ đã tra tấn, đàn áp chị em một cách man rợ, khiến họ phải chịu đựng những chuỗi ngày "sống không bằng chết".
Đêm kinh hoàng
Trong bức thư tố cáo cho biết nguyên nhân bọn đầu sỏ tại Nhà giam Chí Hòa muốn đày các nữ tù nhân ra đảo bởi vì chúng không muốn giải quyết yêu sách chính đáng của chị em mà chúng đã hứa ngày 29/11/1969 như: Trả tự do cho chị em không án, mãn án, quá án, tàn phế và bệnh nan y, không đánh đập, hành hạ tù nhân và cải thiện đời sống tù nhân.
Vào khoảng 12 giờ đêm 28, rạng sáng ngày 29/11/1969, trong lúc chị em đang ngủ, thình lình nghe tiếng thông báo của tên Liễng, quản đốc Trại giam Chí Hòa về việc các nữ tù nhân sẽ được chuyển đến trại khác. Chị em chưa kịp định thần thì một trận mưa vôi bột, lựu đạn hơi cay được tung ra mặc cho những tiếng la hét hoảng loạn, cầu cứu của chị em và tiếng phản đối của toàn thể tù nhân.
Chị em bị những tên tay sai khát máu xông vào đánh đập bằng gậy gộc, nắm tóc chị em lôi ra theo tiếng của chỉ huy bọn chúng, bỉ ổi hơn nữa khi bọn chúng còn tranh thủ sàm sỡ chị em một cách man rợ. Thân thể chị em đầy thương tích, máu tuôn lai láng, chúng kéo lê từng người dưới đất và vất chồng chất lên nhau trên xe như những xác chết để đưa ra phi cơ chuyển tới Nhà tù Côn Đảo, bất kể có những người bị bại liệt hay người già mù trên 60 tuổi. Độc ác hơn nữa là có 2 em bé chưa đầy 2 tháng tuổi cũng phải chịu chung trận mưa vôi bột tưởng chừng không thể sống được.
Cuộc sống và thứ gọi là "kỷ luật trại giam"
Nơi các nữ tù nhân đặt chân đến đầu tiên tại Côn Đảo là Chuồng Cọp. Đây là một xà lim rộng 1,5m, dài hơn 3m, cao khoảng 2,5m, bốn bên vách đá dày 4 tấc, cửa bị bịt kín, trên trần là hàng song sắt.
Đây thực sự là cảnh sống đọa đày tù nhân ở một nơi mà chỉ nghe đến thôi, người ta cũng phải sợ tới mức không dám tưởng tượng. Một trong những nỗi ám ảnh đầu tiên đó là những bữa ăn. Cơm vắt mắm kho lẫn giòi nổi lều bều, mắm đầy sạn cát, khô mục đắng không nuốt nổi, thức ăn dành cho 5 tù nhân nhưng thực chất không đủ cho 1 người ăn. Gần 8 tháng chỉ ăn có 4 lần rau, trong đó 1 lần là ăn rau mồng tơi sống - loại rau mà người Việt Nam chúng ta chưa bao giờ ăn sống được.
Cơm không đủ no, nước không đủ uống nhưng bọn cai ngục ở đây thường xuyên hành hạ tù nhân bằng mọi cách ác độc nhất: Cơm trộn dầu hôi, cơm trộn cát, sạn, cá khô trộn xà phòng, bát đũa ăn xong không có nước để rửa, ruồi nhặng bâu đầy. Bởi chế độ ăn uống như thế nên rất nhiều chị em bị bệnh, đau ốm liên miên.
Chỗ ăn ngủ vô cùng chật chội, ngột ngạt nhưng trên đầu họ luôn là những thùng vôi bột luôn sẵn sàng đổ xuống khiến họ chết ngạt. Ngột ngạt, xú uế là thế nhưng bọn quản ngục không cho chị em được vệ sinh phòng giam hay tối thiểu là đổ thùng cầu (thùng đựng phân, nước tiểu) thường xuyên mà chỉ được đổ 1 lần/ngày. Trong phòng nóng bức, chật chội lúc nào cũng nặc mùi phân và mùi khai nước tiểu...
Khổ hơn nữa là khi chị em đến kỳ kinh nguyệt, không có nước và đồ vệ sinh, không được vệ sinh cá nhân, phải xé tay áo làm băng vệ sinh, nhờ những chị em khác mặc 2 quần nên mới có quần để thay giặt, mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt thì chúng mới cho chị em mỗi ngày giặt 1 lần. Chưa hết, mỗi lần giặt phải cho trật tự xem có đúng "đến tháng" không. Có những bà mẹ nuôi con nhỏ tại đây không có sữa cho con bú, không có nước để sinh hoạt, chỉ trong 1 tuần mà 2 cháu bé chưa đầy 2 tháng tuổi đã gầy sút và bệnh trầm trọng không thể chữa trị, buộc bọn cai ngục phải đưa các cháu về đất liền chạy chữa.
Hàng này, lúc mở cửa phòng giam, ruồi nhặng bay vào như rắc đậu, hàng đêm rệp bò đen tường, muỗi kêu như sáo thổi... là những hình ảnh quá quen thuộc tại các phòng giam của Nhà tù Côn Đảo. Cũng vì đời sống cơ cực, thiếu thốn đủ bề nên chị em tù nhân mắc vô số bệnh: đau dạ dày, kiết lỵ, thổ tả, sốt rét, lao, thương hàn, phù thũng, lở loét cửa mình, đặc biệt nhất là bệnh nôn ói ra phân (vì bị táo bón hàng tháng trời không có thuốc). Bệnh tật, đau ốm thì không được thuốc thang, chữa trị kịp thời, có được ra bệnh xá cũng chỉ nằm liệt và hôn mê. Bệnh xá như một hầm ngạt khiến chị em tù nhân chết mòn, dù bệnh nặng đến mấy họ cũng phải tự mình cố gắng là chính bởi vì ở đây không có người săn sóc và giúp đỡ, y tá chăm sóc bệnh nhân một cách cẩu thả, lại hay bớt xén thuốc của chị em tù.
Khi các nữ tù nhân đòi bọn quản ngục một số yêu sách chính đáng là chúng lại trấn áp bằng vôi bột. Chị em vừa ngộp, ngất xỉu, ói máu nhưng ngần đó chưa khiến bè lũ tay sai khát máu, những con quỷ đội lốt người dừng lại. Chúng còn trực tiếp bốc từng nắm vôi bột nhét đầy mồm, mắt, mũi các nữ tù nhân khiến cho họ mờ mắt, lở mặt... Sau mỗi lần đàn áp, cả phòng giam ngập vôi bột nhưng chúng không cho chị em rửa phòng và tắm giặt, suốt mấy tháng, chị em tù nhân phải nằm la liệt trên đống vôi bột mà không có một chút nước để xoa lên mặt cho đỡ nóng bức, phải giặt khăn vệ sinh bằng nước tiểu.
Sau khi 108 nữ tù nhân về đất liền ngày 3/8/1970, trong số họ nhiều người bệnh đã vô cùng nặng. Với những tháng ngày bị đày đọa, đối xử thậm tệ và cực kỳ tàn nhẫn của bè lũ cai ngục Côn Đảo và Chí Hòa, 82 nữ tù nhân đã đồng lòng, cùng nhau lên án những hành động đàn áp, giết người vô nhân đạo và những hành động xúc phạm nhân phẩm nữ tù nhân của các tên cai ngục: Nguyễn Văn Vệ, Nguyễn Văn Trân, Phạm Văn Liễng, Phạm Ngọc Tuấn, Lôi Nguyên Tấn... Qua đó khẩn thiết đề nghị các tổ chức: Ủy ban liên lạc tù nhân, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn... tố cáo tội ác của bè lũ cai ngục trước nhân dân trong nước và thế giới.