Chuỗi dược đối thủ "nặng ký" nhất chờ đón các "tân binh" FPT Retail, TGDĐ, Vingroup: Chưa đầy 4 tháng mở thêm 30 shop, chuẩn bị khai trương cửa hàng thứ 100

Thế Trần |

Từ đầu năm 2108 tới nay, Pharmacity đã khai trương thêm khoảng 30 cửa hàng thuốc tại TP. HCM, nâng số cửa hàng lên con số 100.

Giữa năm 2017, kết quả khảo sát Top 10 chuỗi nhà thuốc uy tín được yêu thích nhất tại TP. HCM của VN Reseach cho biết: Phano có 60 cửa hàng, Medicare 59 cửa hàng, Guardian 49, Vista Pharmacy 20 cửa hàng...

Đây chính là những 'cựu binh' nổi bật nhất trên thị trường bán lẻ dược phẩm mà các tân binh cần dè chừng. Và đáng chú ý nhất ở thời điểm hiện tại là Pharmacity, khi chuỗi này chuẩn bị khai trương cửa hàng thứ 100.

Từ đầu năm 2108 tới nay, Pharmacity đã khai trương thêm khoảng 30 cửa hàng thuốc tại TP. HCM, nâng số cửa hàng lên con số 100. Hiện nay chuỗi này đang sở hữu số lượng cửa hàng nhiều nhất TP. HCM và cả nước.

Pharmacity được thành lập từ năm 2011 khởi đầu cho xu hướng nhà thuốc tiện lợi, do ông Christopher Blank (người Mỹ) sáng lập. Chuỗi Pharmacity cùng nhiều chuỗi khác ngoài bán thuốc chữa bệnh còn bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế...

Lĩnh vực dược phẩm đang trở thành đích ngắm mới của nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn như FPT Retail, TGDĐ, Digiworld hay cả Vingroup.

Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên mới đây, TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cho biết thị trường dược phẩm có quy mô ngành khoảng 5 tỷ USD/năm, gần bằng ngành điện thoại và cao hơn điện máy. Trong khi đó, chi phí cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp so với nhiều nước.

Ở Việt Nam, trung bình người dân chỉ chi khoảng 30 USD/năm cho dược phẩm, so với 46 USD/năm ở Thái Lan, 142 USD ở Singapore. Đặc biệt, ngành dược tăng trưởng 13% năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), chỉ tính trong năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD dược phẩm, trong đó các sản phẩm biệt dược được nhập khẩu chủ yếu từ 3 nước Pháp, Đức và Mỹ chiếm gần 200 triệu USD.

FPT Retail đang đặt rất nhiều kì vọng vào lĩnh vực dược phẩm. Bà Điệp kỳ vọng vào năm 2022, Long Châu sẽ mang lại doanh thu 40% của FPT Retail với 400 nhà thuốc được mở ra.

Tại thời điểm mua chuỗi dược phẩm Long Châu năm ngoái, Long Châu mới chỉ có 5 cửa hàng. Sau khi FPT mua lại thì đến cuối năm 2017, con số đã tăng lên 10. Năm nay, công ty dự định sẽ mở thêm 20 nhà thuốc tại TP HCM.

Tương tự FPT Retail, Thế giới Di Động chọn cách đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Còn Digiworld chọn hướng bán buôn thực phẩm chức năng. Và trong diễn biến mới nhất, tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam Vingroup cũng đã công bố việc tham gia vào ngành dược phẩm với thương hiệu Vinfa.

Vinfa đang được xây dựng với một dự án nhà máy sản xuất dược quy mô 2.200 tỷ đồng, tập trung cả việc sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh dược phẩm, đồng thời bảo tồn, nghiên cứu và phát triển các bài thuốc đông y cổ truyền có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam..

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại