Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Đại sứ Qatar tại Mỹ Meshal bin Hamad Al-Thani đã kêu gọi các quốc gia Ả Rập chấm dứt phong tỏa nước này đồng thời khẳng định mạnh mẽ rằng Doha có thể chịu đựng được cấm vận vô thời hạn.
"Không có tổn thất nào cho kinh tế của chúng tôi. Nền kinh tế của Qatar rất vững. Chúng tôi vẫn thoải mái và chúng tôi có thể tiếp tục đối diện với tình cảnh này mãi mãi", ông Al-Thani nói.
Trung Đông bị rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ nay khi ngày 5/6, ba nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập (UAE) đã cùng Ai Cập cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố và tuyên bố cắt đứt quan hệ với nước này.
Nhóm liên minh Ả Rập đưa ra "tối hậu thư" gồm 13 yêu sách cho chính phủ Qatar, trong đó có yêu cầu đóng cửa hãng truyền thông Al Jazeera và cắt giảm quan hệ ngoại giao với Iran. Ngoại trưởng Qatar khi đó đã phản ứng gay gắt: "Danh sách đưa ra để bị bác bỏ".
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Richard Quest của CNN, ông Al-Thani nói rằng cuộc khủng hoảng phản tác dụng với khu vực cũng như cuộc chiến chống khủng bố.
"Nhà nước Qatar đã chứng tỏ thái độ mang tính xây dựng trong giải quyết vấn đề. Chúng tôi đã rất nhiều lần kêu gọi tổ chức một cuộc họp để cùng ngồi lại thảo luận. Nhưng giờ đây, quyết định ngồi vào bàn đàn phán tùy thuộc các nước tẩy chay Qatar".
Saudi Arabia hạ thấp yêu cầu
Những tuyên bố của ông Al-Thani được đưa ra khi đại diện 4 nước tẩy chay Qatar dường như sẵn sàng nới lỏng các yêu cầu khắt khe của họ.
Trong cuộc họp báo với một số hãng truyền thông tại New York hôm 19/7, Đại sứ Saudi tại Liên Hợp Quốc, ông Abdullah bin Yahya Al-Mouallimi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của 6 nguyên tắc khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Qatar được 4 quốc gia Ả Rập nhất trí hôm 5/7 tại Cairo.
Đại sứ Saudi Arabia tại Liên Hợp Quốc Abdullah bin Yahya Al-Mouallimi
"Có những nguyên tắc và một số công cụ (trong 13 yêu cầu) có thể được thương thảo", ông Al-Mouallimi nói.
Theo truyền thông nhà nước Bahrain, 6 nguyên tắc trên bớt khắt khe hơn những đòi hỏi ban đầu, và bao gồm những yêu cầu rộng mở hơn, chẳng hạn như "ngừng tất cả các hành động và phát biểu khiêu khích kích động hận thù hoặc bạo lực".
Những nguyên tắc này không có bất cứ hành động nào chống lại Al Jazeera.
Trong cuộc họp báo, ông Al-Mouallimi một lần nữa cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố và hậu thuẫn cho chủ nghĩa cực đoan trong khu vực – những cáo buộc luôn bị Qatar bác bỏ.
Ông Al-Mouallimi đã trì hoãn trả lời câu hỏi liệu 4 nước có nới lỏng 13 yêu cầu của họ hay không.
"Tôi không thảo luận về các yêu cầu hay từ bỏ các yêu cầu đó. Tôi nói về điều quan trọng bây giờ là cam kết với 6 nguyên tắc. Đó là phát biểu cuối cùng thể hiện quan điểm toàn diện của các bên tham gia", ông nói.
Chưa có lịch đối thoại
Hiện vẫn chưa có cuộc đối thoại nào được thu xếp giữa Qatar và các nước tẩy chay dù Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã rất nỗ lực hàn gắn trong chuyến thăm của ông tới khu vực đầu tháng 7 vừa qua.
Phát biểu với các phóng viên trước khi rời thủ đô Doha của Qatar, ông Tillerson nói rằng bất cứ nghị quyết nào cũng cần có thời gian.
"Đã có sự thay đổi về thiện chí, ít nhất là để ngỏ khả năng đối thoại với nhau. Đó là điều chưa diễn ra trước lúc tôi đến đây", ông Tillerson cho biết.