Dầu mỏ - Món quà trời ban?
Giống như các nước Vùng Vịnh, Iraq có trữ lượng dầu thô khổng lồ, lớn thứ tư trên toàn thế giới. Nhưng không may mắn như các nước khác, năm 2003 Iraq lọt vào tầm ngắm của Mỹ, đất nước trải qua cuộc chiến tranh kéo dài gần hai thập kỷ đầy đau thương và mất mát.
Hai thập kỷ sau, đất nước Iraq lại oằn mình bước vào một cuộc chiến khác, cuộc chiến với ngọn lửa từ những giếng dầu.
Kinh tế quá phụ thuộc vào dầu mỏ và cái giá phải trả....
Tại Iraq, 95% nguồn thu kinh tế đến từ xuất khẩu dầu mỏ. Nguồn thu từ "vàng đen" giúp Iraq tái thiết đất nước và phục hồi nền kinh tế sau nhiều năm trải qua chiến tranh, xung đột.
Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, Iraq đốt hơn 17 tỷ mét khối khí gas mỗi năm - chỉ đứng sau Nga với tư cách là quốc gia đốt nhiều khí đốt nhất trên hành tinh. Kết quả là riêng lượng phát thải CO2 tại Iraq chiếm 10% tổng sản lượng khí thải toàn cầu.
Ô nhiễm không khí đã trở thành cuộc chiến mới
Thứ trưởng Bộ Môi trường và Y tế Jassim Abdulaziz Humadi cho biết Iraq đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu (The Global Burden of Disease study), cuộc khảo sát sức khỏe cộng đồng lớn nhất thế giới, chỉ ra rằng số người chết vì ô nhiễm không khí tại Iraq thậm chí lớn hơn số người chết trong cuộc chiến tranh Iraq.
Theo các chuyên gia, hoạt động "đốt đuốc" - đốt khí thừa được tạo ra trong quá trình khai thác dầu - là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng khí hậu, và cũng là mối đe dọa chết người đối với những người sống gần đó.
Các chất ô nhiễm thải ra chủ yếu là nitrogen (NOx), carbon monixide (CO), carbon dioxide (CO2) có liên quan đến bệnh hen suyễn, bệnh phổi, da, và ung thư.
Theo Wim Zwijnenburg, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Hòa bình Hà Lan (Pax) và cộng tác viên của nhóm phóng viên điều tra Bellingcat, chỉ riêng Basra, nơi có mỏ dầu Rumalia, mỏ dầu lớn thứ ba trên thế giới, có lượng khí thải nhiều hơn cả Ả Rập Saudi, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada cộng lại.
Ông nói: "Điều này sẽ khiến những khu vực như Basra trở thành khu vực chết, không thể tồn tại trong 10 năm tới. Tất cả chính phủ Iraq và ngành dầu mỏ đều có trách nhiệm thay đổi điều này trước khi quá muộn".
"Chúng tôi không thể thở được"
Một cậu bé ngồi trước ống khói độc hại từ giếng dầu ở Nahran Omar, miền nam Iraq
Muhammed Hassan, một cư dân của Nahran Omar, có con trai 14 tuổi bị ung thư tủy xương, nói với The Independent: "Khi tôi cùng con trai đi khám, bác sĩ đã hỏi tôi sống ở đâu. Tôi nói, "Nahran Omar," và ông ấy nói, "Anh không cần phải nói thêm nữa. Tôi hiểu nơi đó ô nhiễm như thế nào. "
Muhammed nói: "Quá trình điều trị khiến thằng bé rất đau đớn. Mọi người trong gia đình tôi đều muốn rời khỏi đây. Chúng tôi vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình".
Không chỉ vùng trung tâm dầu mỏ của Iraq ở phía nam bị ô nhiễm đến nghẹt thở. Ali, một bảo vệ 31 tuổi tại nhà máy lọc dầu Qayyarah, cách Basra khoảng 900 km về phía bắc, cố gắng nói giữa từng cơn ho: "Vào ban đêm, tôi không thể thở được. Nếu không có gió, nó giống như một làn khói đen phủ xuống thị trấn. Tôi đã ở đây bốn năm và giờ bị dị ứng nặng, "
"Khi các giếng dầu bắt đầu tăng sản lượng hoặc một bộ lọc bị hỏng, các ống khói sẽ tuôn ra những đám mây lớn, đen nặng nề, khi mưa xuống, nước mưa cuốn theo các chất thải độc hại làm ô nhiễm nguồn nước, và mặt đất; chúng tôi thậm chí không thể trồng cây. Mọi thứ đều chết đi. Không gì có thể sống được " - Ali ngậm ngùi nói.
Toàn bộ mỏ dầu chính trong khu vực cách Mosul 70 km về phía nam, đã bị các tay súng của Nhà nước Hồi Giáo đốt khi chúng rút lui. Những ngọn lửa đó đã cháy trong tám tháng.
Trên khắp đất nước Iraq ngọn lửa bốc lên từ các giếng dầu với cột khói đen cao hàng mét là một hình ảnh đầy ám ảnh, là hiện thực người dân nơi đây phải đối mặt hàng ngày. Họ lo sợ chính thứ không khí mình đang hít thở, họ sống mòn quanh những giếng dầu mà không biết phải đi đâu. Sinh mạng con người là một cái giá quá đắt để trả cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Independent