Thương hiệu thức ăn nhanh McDonald's có 244 cửa hàng trên khắp Hong Kong, và cũng có gần 500 người được gọi là "McRefugee" - những người vô gia cư hàng đêm "tị nạn", nương náu bên trong nhà hàng. Nhưng điều này sắp không thể xảy ra nữa.
McDonald's vốn mở cửa 24/7, nhưng dưới quy định mới của Hong Kong để chống dịch Covid-19, chuỗi nhà hàng sẽ dừng phục vụ ăn tại chỗ từ 6h tối đến 4h sáng hôm sau (chỉ cho mua mang về). Thời gian thực hiện là trong 2 tuần tới. Ngoài ra, người vô gia cũng không thể tá túc mỗi đêm nữa.
Tony - một người đàn ông 55 tuổi đã ly dị - tuyệt vọng nói mình không biết đi đâu. Ông nghĩ rằng thà nhiễm Covid-19 rồi nằm viện còn đỡ hơn là giành một chỗ ngủ ngoài công viên. "Nếu nhiễm virus rồi khỏi bệnh, tôi sẽ được miễn dịch và không phải lo lắng nữa. Còn bây giờ tôi đã tuyệt vọng, ý chí sinh tồn giảm xuống mức thấp nhất" - Tony nói.
(Ảnh: SCMP)
Hong Kong vừa có thêm 30 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 25/3, nâng tổng số bệnh nhân lên 386. Ngay sau đó, McDonald's đã thông báo điều chỉnh cách thức kinh doanh. Giám đốc điều hành Randy Lai cho biết: "Là một phần của xã hội Hong Kong, chúng tôi xem trọng sức khỏe của các nhân viên và người dân nói chung...
Chúng tôi biết rằng, nhiều người có thể muốn nghỉ lại ở McDonald's vì nhiều lí do khác nhau. Nhưng chúng tôi hi vọng mọi người có thể thông cảm và hợp tác với nhà hàng trong thời gian này để ngăn chặn virus lây lan".
Tổ chức xã hội SoCO ở Hong Kong cho biết, việc nhà hàng McDonald's đóng cửa mỗi đêm sẽ đẩy người vô gia cư ra khỏi nơi trú ẩn an toàn. Họ buộc lòng phải ngủ lại công viên hay gầm cầu với nhiều mối nguy hiểm rình rập, ví dụ như trộm cắp và ẩu đả. SoCO đã đề nghị chính quyền thành phố xem xét cấp nơi ở cho người vô gia cư ngay giữa mùa dịch Covid-19.
Ng Wai-tung, trưởng nhóm SoCO, nói rằng Hong Kong không có đủ chỗ cho người vô gia cư. Ông cho biết, toàn thành phố có khoảng 1.270 người vô gia cư theo thống kê năm 2018, nhưng chỉ có vài trăm chỗ ở trong mái ấm.
Ng Wai-tung, trưởng nhóm SoCO, bày tỏ rằng Hong Kong chưa có chính sách hiệu quả để bảo vệ người vô gia cư (Ảnh: SCMP)
Leung Hip-kuen, 37 tuổi, vì thị lực suy yếu nên đã thất nghiệp suốt 2 năm nay. Từ đó, Leung thường trải qua 12 giờ mỗi đêm tại cửa hàng McDonald's ở Thâm Thủy Bộ - quận nghèo nhất nhì xứ Cảng Thơm. Tại đó, Leung nghe radio hay trò chuyện cùng những người đồng cảnh ngộ, chờ đến trời sáng để về nhà chợp mắt một chút.
Nhà của Leung là "nhà quan tài", diện tích chỉ khoảng 9-10 mét vuông. "Tôi thường không ngủ lại McDonald's vì sẽ bị các nhân viên yêu cầu rời đi" - Leung nói.
Giờ đây khi nhà hàng cấm ở lại vào buổi tối, Leung đành phải về nhà - nơi cuộc sống bị bó buộc, không thể nghe radio để biết ngày giờ và lại có hệ thống thông gió rất kém. "Tôi thực sự rất lo lắng. Ai biết được hàng xóm kế bên có nhiễm virus hay không?" - Leung cho biết.
Leung Hip-kuen thường nghỉ ngơi ở McDonald's mỗi tối để tránh phải giam mình trong "nhà quan tài" tù túng (Ảnh: SCMP)
Ricky Wong là một người "tị nạn" tại cửa hàng McDonald's ở Vượng Giác. Mỗi đêm, ông thường dành vài tiếng ngồi ở nhà hàng để giảm bớt hóa đơn tiền điện. Quan trọng hơn là Wong không muốn suốt cả ngày phải lầm lũi ở nhà. "Nếu có chuyện gì xảy ra với tôi ở nhà, thì chẳng ai hay biết" - người đàn ông 63 tuổi chia sẻ.