Nước sông Cầu dâng lên gây ngập nhiều khu vực dân cư ven sông thuộc thành phố Thái Nguyên. Có những nơi, nước dâng đến gần nóc nhà. Đoạn đường Dương Tự Minh (phường Quang Trung) bị ngập khá sâu. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an tập trung tại địa điểm này để triển khai các phương án hỗ trợ, cứu trợ người dân. Trong cơn mưa, những chiếc xuồng vẫn đi trên dòng nước lũ, rồi quay trở ra với những cụ già, em nhỏ - những trường hợp được ưu tiên hỗ trợ trước.
Sau khi thoát khỏi khu vực lũ lụt, ông Lưu Văn Trọng (65 tuổi) và vợ được cán bộ chiến sĩ cõng từ xuồng lên đường. Ông Trọng bảo nhà ông đã ngập sâu, mong mỏi từng giờ được lực lượng chức năng đến giải cứu. "Cán bộ, chiến sĩ rất tận tình, hết lòng hết sức giúp đỡ người dân", ông Trọng nói. Theo ông Trọng, bên trong khu vực lũ lụt còn rất nhiều người dân mắc kẹt. 2 vợ chồng ông cao tuổi được ưu tiên ra trước, còn những người khác sẽ được thu xếp sau.
Cùng được các cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ thoát khỏi cảnh nước lũ bao vây, anh Nguyễn Đức Thư xúc động chia sẻ: “Tôi không biết nói gì, chỉ biết gửi lời cảm ơn đến mọi người (lực lượng chức năng - PV)”. Gia đình anh Thư được giải cứu có 3 người, trong đó có con nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Anh Thư cho biết nước sông Cầu dâng lên từ tối 8/9 rồi gây ngập lụt. Gia đình anh chờ từ sáng, đến tối 9/9 thì được giải cứu. Anh cho biết còn nhiều người cũng đang chờ được lực lượng chức năng đưa ra ngoài.
Tranh thủ một quãng nghỉ ngắn lúc hơn 19h, một nhóm cán bộ chiến sĩ ăn tối. Suất cơm hộp có lẽ giúp các anh vơi đi phần nào sự đói, rét, khi mọi người đều ướt hết quần áo sau nhiều giờ nỗ lực giúp dân. Chủ ngôi nhà mang cho các anh một đĩa cá kho, một chiến sĩ xin thêm vài quả ớt cho bớt lạnh. Các anh chia sẻ, có lẽ sẽ làm việc hết đêm, bởi còn nhiều người chờ đợi ở trong khu vực lũ lụt. Ngang qua khu vực tập kết, một chiến sĩ công an trẻ tranh thủ chợp mắt, dù quần áo ướt sũng và trên người vẫn mặc áo phao. “Chúng tôi túc trực và tham gia cứu hộ suốt từ 20h tối 8/9”, một chiến sĩ nói.
“Khi thấy bộ đội và các lực lượng chức năng vào hỗ trợ, bà con đều vỗ tay. Chúng tôi chia sẻ cho bà con nước uống, mỳ tôm, đưa bà con ra khỏi vùng lũ. Bà con bảo, sau này, khi nước lũ rút hết, mời bộ đội vào ăn cơm với chúng tôi”. Trung tá Ngô Anh Quyến -
Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Công binh 575 (Quân Khu 1) cảm động kể lại
Gần 0h ngày 10/9, trời vẫn mưa lớn. Tiếng xuồng máy, tiếng phân công nhiệm vụ, tiếng đọc địa chỉ người cần cứu giúp vẫn vang lên ở khu vực tập kết trên đường Dương Tự Minh. Nhiều chuyến xuồng vẫn lao vào dòng nước lũ, rồi quay ra với những người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. “Chúng tôi chờ đợi từ sáng, rất may được lực lượng chức năng cứu hộ kịp thời. Nước đã ngập đến hết tầng 1, chuẩn bị đến tầng 2 thì lực lượng chức năng đến”, anh Từ Quang Trung (khu tập thể Đại học Thái Nguyên) nói với phóng viên báo Tiền Phong. Trong suốt cuộc giải cứu, nhiều em bé, cụ già được các chiến sĩ cõng, bế rời khỏi khu vực lũ lụt để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tình quân dân, nghĩa đồng bào
Sáng 10/9, tại một số địa điểm ở thành phố Thái Nguyên, nước lũ bắt đầu rút, dù không nhanh. Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục nỗ lực cứu hộ người dân, bất kể những khó khăn, trở ngại.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong tại điểm cứu trợ, Trung tá Ngô Anh Quyến - Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Công binh 575 (Quân Khu 1) cho biết “3 ngày qua, cả ngày lẫn đêm, chúng tôi cố gắng hết sức cứu bà con. Không chỉ ở Thái Nguyên, Lữ đoàn Công binh 575 cũng có mặt ở các điểm nóng khác như Cao Bằng, Bắc Kạn... Chúng tôi đang tập trung hỗ trợ bà con ở vùng ngập nặng nhất thuộc TP Thái Nguyên ở phường Quang Vinh và cầu Gia Bảy. Tuy nhiên, với một số trường hợp ở trong khu vực nước chảy xiết, cô lập, việc cứu hộ sẽ rất khó khăn. “Theo ước tính, vẫn còn hàng trăm người dân đang mắc kẹt do lũ lụt ở thành phố Thái Nguyên”, anh Quyến thông tin.