Người ta vừa thống kê vội được 7 nàng hoa hậu mới đăng quang trong năm 2017. Con số 7 thực sự không nhiều nhặn gì cho lắm, nhưng nếu đó là số lượng hoa hậu được sản xuất trong vòng 1 năm thì nó lại chẳng ít ỏi chút nào.
Làm một phép tính đơn giản, 1 thập kỷ Việt Nam có thể có tới 70-80 nàng hoa hậu, chưa tính tới gấp ba bốn lần con số đó những á hậu, hoa khôi, nữ hoàng nhan sắc.
Tất nhiên, nhiều người đẹp có danh hiệu không phải là điều gì nguy hại lắm, nhưng cuối cùng thì chúng ta biết phải làm gì cùng những nàng hoa hậu?
Biến Việt Nam thành cường quốc sắc đẹp như Venezuela ư? Viễn cảnh đó rất rực rỡ nhưng e là, người lạc quan nhất cũng không dám đặt niềm tin vào nó.
Ngay tới việc đơn giản hơn là đem chuông đi đánh xứ người, xứ sở của các danh hiệu chúng ta vẫn thường chỉ làm rất tốt ở khâu chuẩn bị lên đường. Còn lại thì lọt vào top 10, top 15 chung cuộc cũng đã là cả một niềm hạnh phúc bất ngờ rồi...
Xuất khẩu những cô nàng hoa hậu tới các kinh đô thời trang, điện ảnh hay nghệ thuật như Paris, Hollywood hay New York cũng không phải một ý tưởng tồi. Tiếc là nó lại là một "nhiệm vụ bất khả thi" ở ngoài thực tế.
Có lẽ, quan niệm về cái đẹp của những người ngoại quốc khác xa chúng ta và vì vậy, họ không thể nào cảm được cái đẹp của những nàng hoa hậu doanh nhân, hoa hậu thế giới, hoa hậu sắc đẹp của chúng ta thì phải.
Bằng chứng là xứ sở đầy rẫy hoa hậu chúng ta chẳng hề có một dấu ấn nào nổi trội tại thị trường nghệ thuật quốc tế, nơi mà cái đẹp luôn được tôn vinh...
Sở hữu nhiều hoa hậu là một lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có. Thật vậy, nhìn ra nước bạn, chúng ta có thể tự hào khi nhận thấy nhiều nơi, người dân tìm đỏ mắt cũng không thể thấy nổi một người đẹp đeo vương miện, chứ không thể có đặc quyền "ra ngõ gặp hoa hậu" như Việt Nam ta.
Cụ thể, những anh chàng sống tại các quốc gia Hồi giáo chỉ có thể gặp hoa hậu trong mơ hoặc khi xuất ngoại, bởi đất nước của họ cấm tiệt việc phụ nữ khoe hình thể trên sân khấu.
Thậm chí tới một vài quốc gia phát triển, tỷ lệ hoa hậu trên dân số là cực kì hiếm hoi và vì thế, nhân dân nước bạn cũng chẳng thể có dịp gặp hoa hậu ăn bún ở vỉa hè hay uống trà chanh nơi góc phố.
Đặc quyền ấy chỉ thuộc về riêng chúng ta - đất nước có tốc độ sản xuất hoa hậu thuộc dạng cường quốc trên thế giới!
Tuy nhiên, quay trở lại với trăn trở quen thuộc, người ta vẫn chẳng hiểu nổi nên làm gì với "lợi thế lớn lao" đất nước ta đang sở hữu.
Ngoài việc có cơ hội bắt gặp hoa hậu mọi lúc mọi nơi hay bất ngờ một ngày đẹp trời phát hiện bà thím hàng xóm cũng là hoa hậu, người ta vẫn loay hoay với việc tìm ra công việc thích hợp cho những cô gái đeo vương miện của mình.
Thúc đẩy du lịch bằng cách quảng bá về số lượng người đẹp của quốc gia chúng ta sở hữu không phải là một ý tưởng tồi, có điều chưa hiểu lượng khách đến với chúng ta sẽ tăng lên hay sụt giảm đi.
Đưa các nàng vào thế giới giải trí hay điện ảnh để tận dụng tối đa mãnh lực của chiếc vương miện trên đầu, e là chưa biết showbiz Việt sẽ nhộn nhịp thêm bởi thành công hay là thảm hoạ.
Mở triển lãm vương miện cho các nàng cũng tốt thôi, nhưng lỡ đâu một ngày nào đó bị ban tổ chức đòi hay tước mất thì lại thành... khó nói. Bài toán nan giải đang được đặt ra, mà lời giải thì vẫn chưa thể tìm thấy bao giờ.
Bởi thực chất thì không phải cô hoa hậu nào của chúng ta cũng rực rỡ như Đỗ Mỹ Linh hay Đặng Thu Thảo, Mai Phương Thuý, không phải nàng á khôi nào cũng xinh đẹp, hấp dẫn như Tú Anh hoặc Huyền My.
Bên cạnh những nàng hoa hậu, á hậu đầy hương sắc ấy, chúng ta còn có cả Phi Thanh Vân, có Ngọc Trinh, có Quế Vân và rất rất nhiều những "hoa hậu doanh nhân"...
Làm gì với những nàng "hoa hậu" này vẫn là điều khó khăn hệt như thể giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở cấp độ toàn cầu.
Và trong lúc người ta còn đang loay hoay nghĩ cách thì còn 1 ngày nữa, năm 2018 sẽ đến. Và dự kiến theo thông lệ, năm 2018 sẽ lại tạo ra thêm 10 nàng hoa hậu mới...