Ca sỹ Đức Phúc từ một anh chàng hạn chế về "đường nhìn" bỗng dưng lại đẹp lồng lộng như trai Hàn sau ca phẫu thuật thẩm mỹ thành công. Anh chàng hí hửng post lên Facebook khoe diện mạo mới của mình.
Phản ứng thì khen chê đủ cả. Tuy nhiên, có một câu khen rất phổ biến trong hàng trăm comment dành cho Đức Phúc khiến nhiều người sẽ phải suy nghĩ: "Bây giờ đẹp rồi, có nhiều cơ hội thăng tiến hơn rồi, cố gắng tận dụng nhé".
Nam ca sỹ Đức Phúc trước và sau khi phẫu thuật thẩm mỹ
Comment kiểu này được lặp đi lặp lại khá nhiều lần và thậm chí nó còn được sử dụng như một lời động viên chính thống dành cho Đức Phúc trước công luận.
Về lý thuyết, cách một ca sỹ đi vào trái tim người hâm mộ lẽ ra phải thông qua giọng hát. Một ví dụ rất kinh điển của làng ca nhạc thế giới là cô ca sỹ Adele.
Tháng 11/2015, Adele xuất hiện trên bìa tạp chí Rolling Stone với gương mặt không trang điểm, tóc ướt nhẹp, xơ xác. Về mặt thẩm mỹ mà nói thì đây là bức ảnh "dìm hàng" Adele. Lẽ ra người ta phải photoshop nó lung linh, lẽ ra Adele phải trang điểm lộng lẫy.
Nhưng nữ ca sỹ với rất nhiều giải thưởng danh giá này khẳng định, cô không hề bận tâm nhiều về ngoại hình của mình.
Đây là cách Adede xuất hiện trên tạp chí Rolling Stone
Adele không bị ám ảnh với một thân hình nhỏ nhắn, gương mặt hút hồn. Cô để mình béo nần nẫn mà không hề bận tâm tới chuyện ăn kiêng. "Có thể tôi thành công chính nhờ… béo" là một trong những phát biểu nổi tiếng nhất của Adele.
Tại sao một cô ca sỹ không đẹp về đường hình như Adele lại thành công như ngày hôm nay? Vì thị hiếu của khán giả quốc tế coi trọng năng lực thật sự chứ không trông mặt mà bắt hình dong.
Tại sao DJ nổi tiếng Alan Walker luôn bịt một nửa khuôn mặt khi biểu diễn nhưng người ta vẫn phát cuồng vì anh? Vì Alan Walker tài năng. Còn chuyện anh đẹp hay xấu, body có 6 múi hay gầy tong teo, chẳng quan trọng.
Và quan trọng hơn cả: Người ta nghe nhạc Alan Walker chơi chứ không ngắm anh trên sân khấu.
Alan Walker vẫn thường xuất hiện trước đám đông với nửa mặt che kín
Như vậy là về cơ bản thì Alan Walker hay Adele chẳng cần đẹp để được "có nhiều cơ hội thăng tiến hơn" như người ta vẫn đang động viên Đức Phúc.
Và có lẽ chúng ta cũng nên hiểu điều này: Cả Alan Waker và Adele cũng đều đang phục vụ thị hiếu của khán giả trẻ. Có nghĩa là về cơ bản thì khán giả của họ cũng ở cùng thế hệ với những người nghe nhạc ở Việt Nam.
Vậy tại sao thế giới đánh giá một ca sỹ, diễn viên dựa trên năng lực thật sự của họ, còn ở Việt Nam, một ca sỹ tài năng lại phải oằn mình chịu phẫu thuật thẩm mỹ để đến gần với người nghe hơn?
Phải chăng chúng ta cứ phải nhìn trước rồi mới chịu nghe?
Lệ Rơi đã phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng liệu anh có thể hát hay hơn nhờ điều này?
Người Việt luôn trách móc, ca cẩm showbiz Việt lắm chiêu trò. Thực tế hãy tự trách chính mình. Vì chúng ta phải nhìn trước khi nghe nên ca sỹ mới tìm đủ mọi thủ đoạn kéo được phần nhìn trước rồi mới có cơ hội để hát.
Cũng từ thói quen đánh giá con người dựa trên hình thức, chúng ta đang vô tình sản sinh ra một thế hệ ưa thích việc chê bai cơ thể người khác, điều mà thế giới gọi là "body shaming".
Chê béo, chê gầy, chê xấu và phổ biến hơn cả trong khoảng 2 năm gần đây là chê… vòng 1 quá nhỏ. Không biết đã có bao nhiêu cô gái trở thành nạn nhân của những lời chê bai vô duyên này và có lẽ chưa có bất kỳ ai lên tiếng, nên những kẻ đi chê vẫn nghĩ rằng việc làm của họ là bình thường.
Nó hoàn toàn không bình thường chút nào. Thế giới thậm chí đã phải tổ chức hẳn một tổ chức có tên "No body shame" để ngăn chặn và giáo dục những kẻ thích tấn công vào nhược điểm cơ thể người khác.
Chúng ta cũng nên bắt đầu có nhận thức về điều này nếu không muốn trở thành những kẻ lạc hậu trong mắt bạn bè quốc tế.