Con trai tôi cũng từng gặp sự cố thi cử vì cho rằng có thể dựa vào sự bảo bọc của người lớn. Trước kỳ thi quan trọng, cháu phải đến trường nộp một số giấy tờ. Buổi tối hôm trước, bố mẹ dặn đến 3 lần là phải cho giấy tờ vào ba lô, cháu vâng dạ nhưng vẫn quên làm nên hôm sau cứ thế đến trường.
Khi con trai gọi điện nhờ mẹ mang giấy tờ tới, tôi không để vợ giúp mà kiên quyết bắt cháu tự về lấy, dù biết rằng số giấy tờ ấy sẽ không được chấp nhận nữa vì quá hạn, còn nếu bố mẹ mang lên thì vẫn kịp. Tôi nói, đó hoàn toàn là lỗi của con và con phải chịu trách nhiệm. Tôi quyết để con hỏng việc một lần để cháu nhớ mãi.
Và từ đó trở đi, con trai tôi trở nên chỉn chu trong mọi việc, vì cháu biết rằng nếu cẩu thả, tùy tiện và để xảy ra sai sót thì chính mình là người gánh hậu quả.
Kể chuyện của mình, tôi muốn nói rằng nếu cứ o bế con em mình quá mức, chúng ta sẽ khiến học sinh trở nên vô trách nhiệm với bản thân và không trưởng thành đúng với đòi hỏi của lứa tuổi. Có thể thấy điều này ngay trong chuyện nam sinh Cà Mau bị điểm 0 trong kỳ thi tốt nghiệp vì ngủ quên trong phòng thi, gây sốt dư luận mấy hôm nay.
Bàn luận về chuyện này, phần lớn mọi người chỉ chĩa mũi nhọn vào giám thị vì sự cứng nhắc và hơi thiếu tình người khi để mặc thí sinh ngủ, lỡ mất cơ hội vào đại học. Trách giám thị là đúng, nhưng có vẻ như mọi người quên rằng nam sinh kia mới là người đáng trách nhất và phải chịu trách nhiệm về thất bại của mình; có lẽ vì vẫn quen coi học sinh ở ngưỡng cửa đại học như những đứa trẻ cần chăm bẵm từ A đến Z.
Cảnh sát giao thông dùng xe đặc chủng chở một thí sinh về nhà cách 10 km để lấy giấy báo thi bị quên.
Những câu chuyện cười ra nước mắt trong các kỳ thi tốt nghiệp gần đây cho thấy, chính chúng ta đang tạo ra cả thế hệ học sinh thụ động khi lo lắng, phục vụ các em đến chân tơ kẽ tóc. Các em chẳng cần phải làm gì ngoài ăn và học, mọi khâu chuẩn bị đã có người lớn lo hết, thậm chí hôm đi thi lỡ ngủ quên cũng có người tìm đến tận nơi đánh thức, chở đến điểm thi. Mùa thi năm nào cũng râm ran chuyện cảnh sát giao thông hộ tống thí sinh muộn giờ, tình nguyện viên lao đến nhà trọ đập cửa gọi thí sinh dậy để chở đi thi…
Dân mạng đua nhau tung hô, ca ngợi nhiệt tâm của những người hỗ trợ với tinh thần cả xã hội tập trung o bế thí sinh, mà quên mất rằng phần lớn các em đều đã ở tuổi trưởng thành.
18 tuổi, thí sinh bắt đầu phải chịu trách nhiệm về công việc của mình, về cuộc đời mình, chuyện đáp ứng các quy định thi cử, đến đúng giờ, không ngủ quên… là điều tối thiểu phải tuân thủ. Nhưng vì quen được phục vụ tận răng nên bao năm qua, kỳ thi nào cũng xảy ra những chuyện bi hài như thí sinh đi lạc sang huyện khác cách mấy chục cây số nên không kịp giờ thi; thí sinh đến trường mới biết quên giấy báo dự thi, báo hại cảnh sát giao thông phải dùng xe đặc chủng hú còi chở em ấy đi 10 km về nhà lấy trong giờ tắc đường…
Kiểu phục vụ quá tận tụy ấy khiến các thanh niên này hiểu rằng, luôn có đội ngũ "bảo mẫu" đứng phía sau để xử lý mọi hậu quả khi mình sai sót. Vì vậy, các em sẽ tha hồ sai, tha hồ vô trách nhiệm với chính mình, và ngày càng thụ động, ỷ lại vào phụ huynh, vào xã hội.
Hãy một lần để học sinh vấp ngã và chịu hậu quả. Có thể chính sự vấp ngã ấy sẽ khiến các em rút ra bài học sâu sắc cho cuộc đời mình và đó là khởi đầu của thành công trong tương lai.
Chúng ta cần gì, mong đợi gì từ những kỳ thi? Cần những em bé có thành tích học tập tốt để xoa đầu khen ngợi hay cần những công dân có năng lực nuôi sống bản thân và cống hiến cho xã hội? Nếu chọn vế sau, chúng ta, nghĩa là không chỉ phụ huynh mà là cả xã hội, cần phải thay đổi cách đối xử với các em.