1. "Chiếc Cúp được hình thành bởi cầu thủ, chính xác là người hùng, nhưng không phải một mình, bởi vì bóng đá cần hai đội đối lập cùng hành động.
Với năng lượng, tốc độ, sức mạnh, ảnh hưởng, tính năng động, mãnh liệt, khát khao, chiến thắng và vinh quang, họ sẽ ôm trọn trái đất với cánh tay vàng. Trong khoảnh khắc khuấy động đam mê và tự hào, thế giới tôn vinh người đã vượt qua tất cả, chiến thắng tất cả", Silvio Gazzaniga, người đã thiết kế chiếc Cúp Vàng World Cup nói về tuyệt tác của mình.
Sau một tháng cật lực chiến đấu, bằng cả máu và nước mắt, cuối cùng thì hai đại diện ưu tú nhất của bóng đá thế giới cũng được chọn ra. Đó là Pháp - những người đang tìm kiếm danh hiệu vô địch lần thứ hai trong lịch sử, và Croatia - quốc gia nhỏ bé những ngoan cường sẵn sàng chết cho lần đầu "ôm trọn trái đất với cánh tay vàng".
Vào bây giờ, ảnh hưởng của World Cup đã vượt xa sự hình dung của những người tạo ra nó. Không chỉ là bóng đá, nó đã trở thành ngày hội toàn cầu.
Suốt một tháng, trái đất như ngừng quay để dõi theo trái bóng lăn trên các sân cỏ nước Nga. Và khi nó dừng lại ở Luzhniki, cả thế giới nín thở, háo hức chào đón nhà tân vô địch. Rồi những người chiến thắng sẽ trở thành bất tử. Tên tuổi của họ vang vọng mãi trong bóng đá vĩnh cửu.
Trước ngưỡng cửa thiên đường, trong một trải nghiệm chỉ có một lần duy nhất trong đời, các cầu thủ bỗng trở nên nhỏ bé. Cũng thật khó để họ có thể thở một cách bình thường, khi con tim cứ chực nhảy ra khỏi lồng ngực.
Vì lẽ đó, bạn sẽ không bao giờ biết điều gì chờ đón 22 cầu thủ có mặt tại Luzhniki. Ai trong số họ sẽ tỏa sáng, như Zinedine Zidane 1998, Iniesta 2010 hay Mario Goetze 2014? Và ai sẽ chìm vào bóng tối, giống Roberto Baggio 1994, Zidane 2006 và Messi 2014?
Trong một dịp đặc biệt và trọng đại như chung kết World Cup, áp lực dĩ nhiên khủng khiếp đủ để kéo căng các dây thần kinh. Nó có thể khiến những người hùng trở thành tội đồ trong chớp mắt.
Baggio một tay đưa Italia vào chung kết World Cup 1994, nhưng chính anh phá hỏng mọi thứ với cú sút luân lưu vọt xà. Zidane không bao giờ tẩy rửa được hoen ố năm 2006. Và Messi, lẽ ra sẽ được phong thánh nếu dứt điểm thành công khi đối mặt Manuel Neuer phút 47.
2. Vậy làm thế nào để bi kịch không xảy ra? Câu trả lời là thư giãn, tương tự cái cách mà Mario Kempes, ngôi sao giúp Argentina vô địch World Cup 1978, đã làm.
Kempes từng tiết lộ rằng, trước trận chung kết với Hà Lan, ông đã vô cùng căng thẳng và rít 12-13 điếu thuốc mỗi ngày. Khi đầu ông chuẩn bị nổ tung, vào đêm trước cuộc chiến, thủ môn dự bị Hector Baley đột nhiên nói rằng muốn đi câu cá.
Kempes, Baley và tiền vệ Americo Gallego đã trốn khỏi khách sạn vào nửa đêm với cần câu cùng ít bánh ngọt. Họ tìm thấy một con thuyền vô chủ và chèo ra giữa sông Parana. Cả hội đã có một đêm vui vẻ, trở về vào rạng sáng với xâu cá để bổ sung vào thực đơn bữa trưa.
Tâm trạng của họ được cải thiện nhiều. Và sự hưng phấn kéo dài đến trận chung kết, Kempes lập cú đúp để Argentina đánh bại Hà Lan 3-1.
Như Kempes nói, "chuyện đó thật khó tin và không thể xảy ra trong thời đại ngày nay". Tuy vậy, bằng những cách khác nhau, các ngôi sao Paul Pogba, Antoine Griezmann, Kylian Mbappe của Pháp, hay Luka Modric, Ivan Rakitic, Ivan Perisic bên phía Croatia cần tự cởi bỏ áp lực, thứ xiềng xích có thể giết chết họ.
Bằng không, họ có thể biến thành tội đồ và ai đó thuộc dạng nhân tố phụ sẽ chiếm lĩnh sân khấu. Những cầu thủ bị đánh giá thấp tất nhiên không chịu quá nhiều sức ép. Và sự thoải mái là tiền đề cho một màn thăng hoa gây sốc.
Hãy nhớ lại, trước khi Zidane tỏa sáng vào năm 1998 và Goetze rực rỡ trong năm 2014, cả hai đều không phải đối tượng để người hâm mộ gửi gắm niềm tin. Trong hành trình đến chung kết, Zizou chơi khá mờ nhạt và vắng mặt 2 trận vì án treo giò. Còn Goetze, thậm chí còn bị loại khỏi đội hình chính của Đức và bàn thắng quyết định hạ Argentina được ghi khi anh vào sân từ ghế dự bị.
Vào một đêm khác thường ở một giải đấu phi thường, và trong "khoảnh khắc khuấy động đam mê" mọi điều điên rồ hay kỳ diệu không bao giờ bị loại trừ. Và cả thế giới sẽ nín thở đợi chờ.