Giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng”, chung cư mini được cho là giải pháp giúp người dân có mức thu nhập vừa và thấp có cơ hội chạm tay vào giấc mơ an cư lạc nghiệp. Thực tế, đây đang là một trong những lựa chọn đáng chú ý để giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhiều người đến sinh sống tại thành thị.
Đó cũng là lý do nhiều năm qua, loại hình chung cư mini mọc lên “như nấm sau mưa” với vô số những lời mời gọi hấp dẫn. Cùng với sự yếu kém trong quản lý xây dựng và an toàn cháy nổ ở nhiều nơi, tất yếu, người dân như lạc giữa ma trận và khó lòng xác định được đâu là những căn chung cư mini đạt tiêu chuẩn pháp lý và đảm bảo an toàn.
Yêu cầu về tính pháp lý và an toàn của chung cư mini đã trở nên bức thiết đến đỉnh điểm, đặc biệt sau vụ hoả hoạn thương tâm xảy ra tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12/9, khiến 56 người chết, 37 người bị thương…
Vụ hoả hoạn tại chung cư mini khu vực Khương Đình đã cướp đi sinh mạng của 56 người . Ảnh: Cổng TTĐT BCA
Thành phố Hà Nội đã vào cuộc rà soát triệt để chung cư mini. Ở góc độ người dùng, bạn nên đặt cao cảnh giác nếu chung cư mini mình đang quan tâm hoặc được mời chào có những dấu hiệu sau đây.
1. Vượt quá 6 tầng rưỡi
Theo quy định, các “chung cư mini” chỉ được cấp giấy phép xây dựng 6 tầng hoặc 6 tầng rưỡi.
Tờ Phụ nữ mới dẫn lời KTS Trần Huy Ánh, thành viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết “chung cư mini” không nằm trong Danh mục cấp phép hay quy chuẩn, quy phạm thông thường, nên hộ nào xây nhà để khai thác làm “chung cư mini” sẽ là lách luật.
Từ đó KTS Trần Huy Ánh chỉ ra: Người ta chỉ xin xây dựng nhà ở, sau đó khi ở, sẽ sử dụng, khai thác cho thuê lại, biến tướng hoặc hoán cải chia thành phòng, buồng để cho thuê.
Việc tự ý cải tạo cấu trúc toà nhà tiềm ẩn nhiều hiểm hoạ khôn lường. Vụ hoả hoạn xảy ra tại Khương Đình là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho sai phạm trong xây dựng. Chủ nhà Nghiêm Quang Minh đã cố ý xây dựng thành 9 tầng 1 tum thay vì 6 tầng như giấy cấp phép xây dựng. Chính việc thay đổi kiến trúc toà nhà nhưng không đảm bảo lối thoát hiểm là nguyên nhân quan trọng dẫn tới hậu quả thương tâm trong vụ hoả hoạn vừa rồi.
Chủ nhà Nghiêm Quang Minh đã cố ý xây dựng thành 9 tầng 1 tum thay vì 6 tầng như giấy cấp phép xây dựng.
2. Giấy tờ pháp lý không rõ ràng
Theo luật, người mua căn hộ trong “chung cư mini” có thể được công nhận quyền sở hữu đối với từng căn hộ trong dự án. Tuy nhiên, để có thể nhận được sổ đỏ và thực hiện việc chia tách sổ đỏ, các dự án chung cư mini cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý.
Tình trạng thường gặp ở hầu hết các dự án chung cư mini tại Hà Nội là không đáp ứng đủ những yêu cầu này, do đó hầu hết là không đủ điều kiện để thực hiện chia tách sổ đỏ cho từng căn hộ riêng lẻ.
Huống chi, những người dân mua phải căn hộ ở những tầng “vượt” (tức là căn hộ, tầng xây trái phép) thì hoàn toàn không thể được cấp sổ. Những người mua căn hộ chung cư như vậy, vì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, nên nếu bị giải tỏa, đền bù hay xảy ra tranh chấp, sẽ là người chịu thiệt trực tiếp.
3. Không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ
Với mục đích tận dụng tối đa diện tích mặt sàn để chia phòng, tối đa hóa lợi nhuận, không khó hiểu khi rất nhiều “chung cư mini” không bảo an toàn cháy nổ theo đúng quy định.
Không ít căn chung cư mini vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao trong cộng đồng dân cư. Việc quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng khiến việc quản lý và kiểm soát an toàn cháy nổ gặp nhiều trở ngại.
Tòa chung cư mini của Nghiêm Quang Minh gây thảm họa nêu trên đã được xác định là khi xảy ra sự cố, hệ thống báo động và chống cháy không hoạt động!
Chưa kể, hiện nay có nhiều chung cư mini xây dựng nằm sâu trong ngõ hẻm. Điều này khiến công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn nếu xảy ra hỏa hoạn gặp rất nhiều khó khăn. Khi tình huống xấu xảy ra thì thiệt hại rất khó lường trước được.
4. Không có lối thoát nạn
Lối thoát nạn là một cấu phần tất yếu phải có ở các tòa nhà bán căn hộ hoặc cho thuê căn hộ.
Mục 8 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996 quy định về yêu cầu thiết kế đối với lối thoát nạn. Trong nhà cao tầng có diện tích mỗi tầng lớn hơn 300 m2 thì hành lang chung hoặc lối đi phải có ít nhất hai lối thoát ra hai cầu thang thoát nạn.
Nêu diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300 m2, cho phép thiết kế một cầu thang thoát nạn ở một phía, còn phía kia phải thiết kế ban công nối với thang thoát nạn bên ngoài.
Hàng loạt chung cư mini bịt kín "không lối thoát". Ảnh: Người Lao Động
Theo đó, trong nhà cao tầng phải có ít nhất 2 lối thoát nạn để bảo đảm cho người thoát nạn an toàn khi có cháy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy hoạt động. Do đó hãy đảm bảo, khi thuê các căn hộ cao tầng mà không có lối thoát nạn đảm bảo tiêu chuẩn.
Giữa thời buổi “vàng thau lẫn lộn”, người dân cần cảnh giác và tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra quyết định mua hoặc thuê chung cư mini. Trên đây là một số dấu hiệu người dân cần cảnh giác để tránh tiền mất tật mang.